Thời gian qua nhiều người dân và doanh nghiệp khi di chuyển trên Quốc lộ 5 rất bức xúc với việc hư hỏng, sụt lún trên tuyến đường này, mặc dù mới được Nhà nước đầu tư gần 800 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp khôi phục mặt đường.
Tại cuộc họp gần đây để xử lý việc hỏng, sụt lún trên Quốc lộ 5, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, điệp khúc đường hỏng trách nhiệm thuộc về các nhà thầu hay tiền sửa chữa do các nhà thầu phải bỏ ra lâu nay xem như một thông điệp quen thuộc. Vấn đề đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi mà đường được đầu tư rất nhiều tiền sửa chữa nhưng vẫn hư hỏng, trách nhiệm của ban quản lý như thế nào, trách nhiệm của tư vấn giám sát... ra sao vẫn còn chưa rõ ràng? Suy cho cùng tiền của doanh nghiệp hay tiền từ ngân sách bỏ ra để sửa chữa hư hỏng cuối cùng vẫn là sự tiêu tốn nguồn lực của xã hội, nếu phải sửa nhiều thì chính là lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, để giải quyết vấn đề này cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, việc còn để đường xấu, chất lượng không đảm bảo và còn xảy ra hiện tượng hằn lún thì trách nhiệm số một thuộc về các Ban Quản lý dự án vì các Ban Quản lý dự án chưa làm hết trách nhiệm, chưa đủ năng lực quản lý, điều hành nên để nhà thầu làm không đảm bảo chất lượng.
Theo Bộ trưởng, tình trạng đường mới làm, mới sửa chữa đã bị hỏng làm ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành giao thông vận tải, khiến nhân dân mất niềm tin. Dù chỉ còn 1m đường bị hằn lún, hư hỏng cũng thấy có lỗi với người dân. Các dự án dù làm bằng vốn trái phiếu hay BOT, BT… thì đều là tiền của dân, của doanh nghiệp. Là cơ quan quản lý, Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm đưa ra các giải pháp đúng đắn, nhanh chóng để khắc phục hiện tượng này.
Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Bộ G iao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 3 (Đơn vị được giao quản lý dự án sửa chữa tuyến đường này ) phải khẩn trương yêu cầu các nhà thầu sửa chữa.
Trao đổi với ông Đỗ Trọng Hiệp, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 3 cho biết, d ự án sửa chữa Quốc lộ 5 gồm 13 gói thầu, được bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2013 và kết thúc vào tháng 4/2014. Về việc xuất hiện hỏng hóc, hằn lún vệt bánh xe quá tiêu chuẩn cho phép ảnh hưởng đến lưu thông và an toàn giao thông, tại gói số 9 (Km82-Km94), do Liên danh Cienco1 và Công ty Hall Brothers International thi công có xuất hiện một số vị trí mặt đường hằn lún cục bộ, có vị trí hằn lún từ 2,5-4cm. Tại gói thầu số 10 (Km82-Km94), do Công ty TNHH Infasol thi công, từ thời điểm thi công xong (30/12/2013-15 /5/2014) hiện mặt đường đã xuất hiện hằn lún vệt bánh xe từ Km87-Km97. Qua theo dõi việc hằn lún phát triển theo diện rộng cả 2 chiều trên đoạn tuyến này. Riêng gói thầu số 11 (Km94-Km104+600) do Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng Biển Đông – Công ty 482 thi công đã xuất hiện vệt bánh xe ngay từ lúc mới khai thác và đưa vào sử dụng.
Về kế hoạch sửa chữa hư hỏng trên, ông Đỗ Trọng Hiệp cho biết, trước ngày 15/8/2015, Ban sẽ chỉ đạo các nhà thầu phải hoàn thành xong việc sửa chữa đảm bảo giao thông các vị trí sụt lún, trồi bê tông nhựa lớn hơn 2,5cm để đảm bảo giao thông tại hai gói thầu 9 và gói thầu 10. Đối với gói thầu số 11, sau khi được phép của Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Sơn Hải đang kết hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ để khảo sát và tiến hành sửa chữa ngay sau khi hoàn thành các thủ tục.
Về công tác bảo trì, sửa chữa cục bộ trên toàn Quốc lộ 5, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết, là đơn vị được giao quản lý, bảo trì tuyến Quốc lộ 5 (hiện tại từ Km11- đến Km76), đơn vị vẫn thường xuyên xử lý sự cố hằn lún trên tuyến đường, như những đoạn bị lún dưới 2,5cm sẽ sử dụng máy cào để cào bằng mặt đường, còn những vị trí lún trên 5cm sẽ bóc lên thảm lại. Tuy nhiên, Quốc lộ 5 có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, trong đó nhiều xe tải container tải trọng lớn nên mặt đường cũng nhanh xuống cấp. Hàng năm, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp chỉ cấp kinh phí rất nhỏ khoảng 8 tỷ đồng để duy tu tuyến Quốc lộ này.
Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, hiện từ Km76 – Km92 (thuộc gói thầu 9,10,11) của Quốc lộ 5 vẫn nằm trong thời gian bảo hành của đơn vị nhà thầu thi công dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đường Quốc lộ 5 do Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đảm nhiệm nên việc sửa chữa hư hỏng vẫn do các đơn vị này chịu trách nhiệm.