Ghi nhận tại khu vực vườn nhà ông Lê Văn Thành (thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến) vào sáng 10/2, một cá thể có hình dáng như loài voọc chà vá chân xám xuất hiện, hái, nhặt các trái cây như me, xoài để ăn. Cá thể này có trọng lượng khoảng 10kg, chiều cao gần 0,5m, đuôi dài hơn 1m, lông màu trắng, đen.
Ông Lê Văn Thành cho biết, ông và nhiều người dân trong thôn phát hiện 3 cá thể nghi là voọc chà vá chân xám xuất hiện tại khu vực dân cư từ ngày 20 tháng Chạp, gồm 2 con lớn, một con nhỏ. Sau đó một thời gian, không thấy 3 cá thể này nữa và những ngày gần đây lại xuất hiện trong khoảng từ 9 giờ đến 17 giờ (có lúc chỉ 1 con, có lúc 2 con).
Còn theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng thôn Cẩm Tú, sau khi có tin báo của người dân về 3 cá thể nghi là voọc chà vá chân xám xuất hiện tại địa phương, Ban nhân dân thôn đã tuyên truyền đến nhân dân không được săn bắt, xua đuổi loài động vật này; đồng thời lập biên bản báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, xác định chính xác giống loài để có phương án bảo vệ.
Tiếp nhận thông tin từ địa phương, ngày 9/2, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố Tuy Hòa và UBND xã Hòa Kiến kiểm tra tại khu vực khu dân cư thuộc thôn Cẩm Tú. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác nhận đây là 3 cá thể voọc chà vá chân xám, tên khoa học Pygathrix cinerea, là động vật nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm IB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Ông Nguyễn Vĩnh Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Tuy Hòa cho biết, xác định đây là loại động vật quý hiếm, đơn vị đã phối hợp các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền đến người dân để bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám theo đúng quy định. Trường hợp voọc vào chùa hoặc nhà dân thì có biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến cá thể. Đồng thời, các địa phương theo dõi, nắm thông tin, tình hình di chuyển của các cá thể voọc chà vá chân xám để có biện pháp quản lý, bảo vệ theo đúng quy định.
Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), tại tỉnh Phú Yên, nơi được nhận diện có tiềm năng cao về phân bổ loài voọc chà vá chân xám là khu vực rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân. Tuy nhiên, việc voọc chà vá chân xám lần đầu tiên xuất hiện tại khu vực ngoại ô thành phố Tuy Hòa là điều cần nghiên cứu.