Phụ nữ Bến Tre làm kinh tế, giảm nghèo

Thông qua phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các hoạt động thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Bến Tre đã góp phần tạo nên những thành tựu chung của tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, nhiều mô hình được các cấp Hội Phụ nữ thực hiện đã góp phần giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.


Năm 2014, chị Trần Thị Mười ở ấp Tiên Đông Vàm, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, đã vinh dự nhận giải thưởng “Doanh nhân vi mô tiêu biểu tại Hà Nội” - giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nhân vi mô đã có những sáng kiến trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước. 3 năm trước, nhờ vào nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre triển khai, chị Trần Thị Mười - một phụ nữ nghèo đã mở rộng cơ sở đan thảm vải tại nhà và hướng dẫn, dạy nghề cho phụ nữ địa phương cùng tham gia.

Nghề bó chổi giúp chị em phụ nữ thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Từ 4 thành viên ban đầu, đến nay, nhóm hợp tác đan thảm vải xã Tiên Thủy do chị Mười làm chủ đã có 30 thành viên làm thường xuyên và 10 thành viên làm theo thời vụ, thu nhập mỗi ngày trung bình từ 50 - 60.000 đồng. Riêng chị Mười, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng còn lãi khoảng 4 - 5 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình chị đã chuyển từ hộ nghèo sang cận nghèo và thoát nghèo vào cuối năm 2014.

Hiện tại, sản phẩm làm ra của cơ sở không những cung cấp cho người tiêu dùng địa phương mà đã được giới thiệu đến nhiều tỉnh lân cận với mẫu mã đa dạng, mang lại việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ tại địa phương.

Thành lập từ năm 2013, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre là một trong những sáng kiến của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Hoạt động của Quỹ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tạo việc làm, hạn chế được việc chơi hụi, vỡ hụi, cho vay nặng lãi. Đặc biệt, các chị em khi tiếp cận với Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế sẽ được tập huấn để vượt qua mặc cảm trong cuộc sống, tự tin, năng động, sáng tạo để biết cách làm ăn, tiết kiệm, tích lũy vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thu Ba, Giám đốc điều hành Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre cho biết: “Từ khi triển khai đến nay, Quỹ đã hoạt động rất có hiệu quả. Nhờ có nguồn vốn vay để đầu tư làm kinh tế, thu nhập tăng lên, chị em vừa có thể trả vốn vay, vừa tiết kiệm, tích lũy dần. Hiện tại, Quỹ đã huy động được trên 4 tỷ đồng từ tiền tiết kiệm của chị em. Thông qua những mô hình kinh tế quy mô nhỏ, chị em đã giúp đỡ lẫn nhau để có công ăn việc làm ổn định, đem lại thu nhập”.

Ngoài lĩnh vực truyền thống là nông nghiệp, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình do Hội Phụ nữ khởi xướng đã dần được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội và phù hợp với thực tế cuộc sống của nhiều chị em. Cơ sở may mặc, cơ sở thủ công mỹ nghệ, tổ liên kết nấu ăn, dịch vụ gia đình… là sự sáng tạo của mỗi cấp Hội. Song song với đó, sự đổi mới trong phương cách, danh mục dạy nghề của Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương đã giúp nhiều chị em ứng dụng nghề đã học vào phát triển kinh tế gia đình.

Với thu nhập mỗi ngày từ 100.000 đồng trở lên, nghề đan bội kẽm ở xã Long Thới, huyện Chợ Lạch, thu hút trên 1.000 người lao động, trong đó đa số là phụ nữ. Năm 2014, ở xã Long Thới có đến 23 hộ do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo.

Tỉnh Bến Tre hiện có trên 246.000 hội viên phụ nữ, chiếm gần 77% nữ giới trong tỉnh từ 18 tuổi trở lên. Hàng năm, các cấp Hội điều tra, cập nhật số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ với nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau như: Sử dụng Quỹ hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn từ các tổ chức quốc tế… Đến nay, thông qua các nguồn vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ trên 70.600 phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.

Bà Phạm Thị Thanh Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, 5 năm qua, những mô hình, việc làm hiệu quả đã giúp trên 10.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục thực hiện tốt ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đã đề ra (vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững; trách nhiệm trong công tác cán bộ nữ và chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở), nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Trần Thị Thu Hiền
Nữ dân tộc Dao đỏ làm kinh tế giỏi
Nữ dân tộc Dao đỏ làm kinh tế giỏi

Bằng sức lao động, nghị lực của mình, chị Triệu Thị Liên, dân tộc Dao đỏ ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An (Cao Bằng) vươn lên làm giàu, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi, làm miến dong, nấm dong...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN