Khởi nghiệp với nghề mộc, chỉ với 3 triệu đồng nhưng bằng ý chí vươn lên, tìm hướng làm ăn mới hiệu quả, đến nay, anh Phạm Tuấn Anh (xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã có cơ ngơi hơn 2 tỷ đồng. Phạm Tuấn Anh là một tấm gương tiêu biểu cho lớp trẻ "ly nông, không ly hương", làm giàu trên chính quê mình và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Sinh ra trong một gia đình bố mẹ là nông dân, kinh tế khó khăn, Tuấn Anh phải bỏ học giữa chừng, bươn chải từ sớm. Với đôi bàn tay khéo léo, ngay từ năm lên 10 tuổi Tuấn Anh đã theo bố đi dựng các ngôi nhà gỗ ở khắp nơi. Vì khéo tay nên anh thường được giao việc vẽ các chi tiết hoa văn.
Năm 1996 khi tròn 22 tuổi, đã lập gia đình được 2 năm, anh đã thuyết phục vợ dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm để anh "Nam tiến" vừa đi làm thợ, vừa học thêm nghề mộc. Học chưa hết lớp 7 nhưng bằng kinh nghiệm cộng với ý chí thoát nghèo, anh đã xin làm thợ trong một xưởng sản xuất đồ gỗ công nghiệp ở Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau một thời gian ngắn làm tại đây, nhận ra mặt hàng gỗ công nghiệp sẽ có tương lai, anh đã có ý tưởng về quê mở xưởng sản xuất mặt hàng này. Tuy nhiên, nhận thấy mình còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực sản xuất gỗ công nghiệp, Tuấn Anh đã tiếp tục dành 3 tháng học việc tại Hải Phòng.
Anh Tuấn Anh hiện đã có 2 cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ nội thất, là một trong những thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi tiêu biểu của huyện Gia Lộc. Ảnh: Mạnh Minh |
Năm 1997, với 3 triệu đồng vay từ Quỹ tín dụng của xã, Tuấn Anh thuê đất ở trung tâm xã mở xưởng mộc. Công việc thuận lợi, đến năm 2000, Tuấn Anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất, anh mua thêm đất, mở rộng diện tích xưởng khoảng 300 mét vuông và tới năm 2005 anh còn sang xã Trùng Khánh mua đất, xây thêm xưởng thứ hai. Hiện nay, cơ ngơi 2 xưởng đồ gỗ nội thất vừa sản xuất vừa kinh doanh của vợ chồng Tuấn Anh đã có trị giá trên 2 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận từ việc kinh doanh của anh không ngừng tăng lên qua từng năm. Năm 2012, tổng doanh thu từ cơ sở sản xuất của anh đạt 6 tỷ đồng, lãi 300 triệu đồng. Anh ước tính năm 2013, doanh thu dự kiến đạt 7 tỷ đồng.
Theo Huyện Đoàn Gia Lộc, trong số những gương thanh niên nông thôn điển hình làm kinh tế giỏi, tấm gương làm giàu của anh Phạm Tuấn Anh được nhiều bạn trẻ khâm phục. Tuấn Anh cũng đã 2 lần được Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tặng giấy khen vì đã có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi vào năm 2004 và năm 2012.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, không ít doanh nghiệp giải thể, việc kinh doanh của Tuấn Anh cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ linh hoạt và nhạy bén, anh đã vượt qua được. Năm 2010, thị trường có dấu hiệu bão hòa, hàng không bán được, trong khi anh đang vay ngân hàng 500 triệu đồng. Để vượt qua, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", anh đã chấp nhận hạ giá bán, hòa vốn để có tiền đầu tư mới. Mấy năm gần đây, nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng đồ gỗ tự nhiên, anh đã có sự chuyển hướng kịp thời trong sản xuất kinh doanh. Song song với việc vẫn duy trì mặt hàng gỗ công nghiệp, hiện nay, Tuấn Anh còn tập trung vào việc nhập và cung ứng các mặt hàng đồ gỗ tự nhiên.
Không những làm kinh tế giỏi, anh còn giúp nhiều lao động trong xã có việc làm, nhất là các bạn trẻ. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Thống Nhất, Tuấn Anh rất trăn trở với vấn đề thanh niên nông thôn thiếu việc làm. Anh cũng dành thời gian tham gia các diễn đàn thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Đặc biệt, từ kinh nghiệm của bản thân, anh đã tạo việc làm cho thanh niên và người dân trong xã. Anh còn dạy nghề cho nhiều bạn trẻ.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của Tuấn Anh đang tạo việc làm cho 14 công nhân với mức lương từ 3,5–7 triệu đồng/tháng. Có những người đã gắn bó với anh gần 10 năm. Trong đó, có 2 thợ trẻ xuất sắc đã rời vị trí thợ học việc tại xưởng của anh và trưởng thành, tách ra tự mở được xưởng riêng.
Tuấn Anh cho biết trong khoảng 2 năm tới, anh sẽ mở thêm cơ sở thứ 3 và tiến tới tham gia vào Hội Doanh nghiệp trẻ để có thêm nhiều cơ hội phát triển, giúp thêm nhiều lao động ở nông thôn có việc làm ổn định.
Mạnh Minh