Nỗ lực phổ cập bơi
Tại trung tâm đô thị đông đúc như quận Ba Đình (Hà Nội), mới đây, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao và Ðoàn Thanh niên quận Ba Ðình phối hợp tổ chức khai mạc lớp dạy bơi miễn phí cho 70 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Em Hứa Văn Nguyên, phường Điện Biên cho biết: Nhà em khó khăn, không có điều kiện học bơi. Nhìn các bạn được đi bơi dịp hè em rất thích. Đến trung tuần tháng 6, được các bác ở phường thông báo được tham gia lớp học bơi miễn phí, em rất vui.
Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Mạnh Cường, từng là Phó Hiệu trưởng Trường Thể thao Thiếu niên 10/10, cho biết: Với hơn 40 năm kinh nghiệm, đội ngũ giáo viên yêu nghề, phương pháp sư phạm tốt, bể bơi C5 Giảng Võ hiện đáp ứng đào tạo bơi cho trẻ em trong dịp hè. Cơ sở cũng chú trọng lồng ghép dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, giúp các em nhỏ biết cách xử trí khi bản thân hoặc người khác có nguy cơ bị đuối nước. Cùng với lớp dạy bơi miễn phí, Trung tâm tổ chức 16 lớp bơi theo hình thức xã hội hoá thu hút hơn 700 em. Dạy bơi là việc làm thiết thực, lâu dài nhằm hạn chế tai nạn đuối nước cho các em.
Trong khi đó, tại thị xã Sơn Tây, dịp hè này, Công an thị xã tiếp tục triển khai mô hình “Tuyên truyền, tập huấn phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em”, tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn thị xã. Các em được các thầy cô giáo đến từ bể bơi Hà Linh (Trường Tiểu học Trung Hưng - phường Trung Hưng), bể bơi Bảo An (Trường Tiểu học Sơn Lộc - phường Sơn Lộc) và cán bộ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thị xã dạy kiến thức cơ bản về bơi lội; kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước; kỹ năng an toàn dưới nước; phương pháp sơ, cấp cứu người bị nạn…
Còn mới đây, trong chương trình Vinh quang Việt Nam do Tổng Liên đoàn lao động tổ chức, bà Trần Thị Kim Thia (thường được gọi là bà Sáu Thia, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: dịp hè năm nay, lớp dạy bơi miễn phí dành cho trẻ em trên địa bàn có hơn 200 cháu đăng ký học bơi”.
Dù làm bán vé số dạo, nhưng bà Sáu Thia vẫn dành dụm tiền mua đồ bơi cho trẻ em nghèo và dạy bơi miễn phí. “Tôi không muốn phải nghe thông tin trẻ em bị đuối nước. Cách phòng chống tốt nhất là dạy trẻ biết bơi”, bà Sáu Thia tâm sự.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 13 trường hợp đuối nước ở trẻ em. Nhằm thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, Sở đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đồng thời tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức trong chăm sóc và bảo vệ trẻ, tránh tai nạn thương tích và đuối nước.
Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đã phân bổ kinh phí cho các địa phương phối hợp tổ chức 52 lớp tập bơi cho gần 1.600 trẻ em nhằm hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về môn bơi lội, kỹ thuật bơi, nắm vững kiến thức phòng, chống đuối nước để có thể tự bảo vệ mình và phương pháp cứu người an toàn khi bị đuối nước.
Bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho biết: Dịp hè là khoảng thời gian các em thiếu nhi dễ gặp phải những nguy cơ tai nạn thương tích nhất, trong đó có đuối nước. Do đó, các tổ chức Đoàn, Đội các cấp tiếp tục quan tâm, hướng dẫn và trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng sơ cấp cứu. Trong dịp hè năm 2024, các tổ chức Đoàn, Đội dự kiến tổ chức 12.000 hoạt động tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức 5.000 lớp dạy bơi miễn phí dành cho thiếu nhi; vận động, trao tặng 100 bể bơi di động, bể bơi cố định;... Qua đó cho thấy công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em được đặc biệt quan tâm.
Sự chung tay của cộng đồng
Theo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội: Chương trình tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước đồng loạt được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong giai đoạn 2018-2022, hơn 600 lớp dạy kỹ năng bơi, huấn luyện cứu đuối nước... đã được tổ chức, thu hút hơn 20 nghìn học sinh tham gia. Qua các khóa học, 19.400 em học sinh đã biết bơi.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị, các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở cần cường phát động phong trào trẻ em học bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước tại tất cả các loại hình bể bơi hiện có trên địa bàn trong dịp hè năm 2024 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên ở cơ sở; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, trường học thường xuyên duy trì tổ chức dạy bơi, phổ biến, tuyên truyền về kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học, có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi.
Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, việc tổ chức các lớp bơi miễn phí và xã hội hoá là giải pháp giảm thiểu số vụ đuối nước. Nhất là trong dịp hè, việc tổ chức các lớp bơi thể hiện sự quan tâm, chở che của toàn xã hội đối với trẻ em. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, các cấp chính quyền và tổ chức Đoàn các cấp cũng như các câu lạc bộ tiếp tục tổ chức thêm nhiều lớp học bơi miễn phí để không còn phải chứng kiến những cái chết thương tâm”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): Đuối nước chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tai nạn thương tích ở trẻ em. Việc tổ chức các lớp dạy bơi cần sự chung tay của cả cộng đồng để sớm phổ cập bơi cho các em. Nhât là Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động thiết thực, cụ thể và sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội, nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.