Ngày 3/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam-GIZ tổ chức hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mở, linh hoạt tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp – làm bền vững”.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với thị trường việc làm. Mục tiêu của phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở là gỡ bỏ rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm”.
Ở Việt Nam hiện nay, giáo dục mở kết hợp với công nghệ trực tuyến đang là giải pháp được thực hiện ở một số các cơ sở giáo dục, tạo ra sự thuận lợi cho việc học ở các địa điểm khác nhau. Sự kết nối giữa giáo dục mở và giáo dục từ xa đã hình thành nên hệ thống giáo dục linh hoạt mềm dẻo và hiệu quả, tạo cơ hội học nghề và việc làm cho các nhóm xã hội khác nhau, học tập suốt đời, đặc biệt cho những người không có điều kiện sử dụng các hình thức đào tạo truyền thống.
Còn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Giáo dục mở có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, đào tạo đáp ứng được nhu cầu chuyển từ mô hình thị trường lao động với công nghệ thấp,năng suất thấp sang thị trường lao động với công nghệ cao, năng suất cao; giúp phát triển nguồn nhân lực với một tốc độ nhanh hơn, cao hơn để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là hình thức cần sớm triển khai rộng trong thời gian tới”.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định rằng phát triển giáo dục mở ở Việt Nam cần có sự liên kết, liên thông chặt chẽ giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Tạo ra nhiều hình thức giáo dục đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người trong xã hội nhất là cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn đối với người lao động để người lao động thích ứng được sự phát triển của khoa học công nghệ và sự thay đổi của thị trường lao động.
“Thực trạng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt của Việt Nam vẫn còn là vấn đề chưa được nghiên cứu thấu đáo, còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần sự tham gia đóng góp kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo, người lao động, doanh nghiệp.… trước khi triển khai diện rộng”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết thêm.