Phớt lờ quy định
Qua tìm hiểu tại nhiều địa phương hiện nay, nhiều chủ xe, lái xe tải đang cố tình “chây ì” hoặc “phớt lờ” việc thực hiện lộ trình trên. Thống kê của Sở GTVT Thanh Hóa cho thấy: Số lượng xe tải trọng từ 7 - 10 tấn của địa phương là 2.175 xe, nhưng hiện mới có gần 300 xe lắp hộp đen, gắn phù hiệu xe tải. Sở GTVT Ninh Bình thống kê hiện mới có 1.300/3.000 xe tải từ 7 - 10 tấn lắp hộp đen và đăng ký cấp phù hiệu.
Thậm chí, Sở GTVT Nghệ An hiện mới thực hiện lắp hộp đen cho xe tải từ 7 - 10 tấn, các xe có trọng tải 3,5 - 7 tấn gần như chưa có xe nào đăng ký và tỉnh vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện. Tương tự, Sở GTVT Quảng Ninh mới có 1.108 xe tải từ 7 - 10 tấn được cấp phù hiệu, còn lộ trình tiếp theo trước ngày 1/1/2017 đối với xe từ 3,5 - 7 tấn, Sở vẫn đang yêu cầu các đơn vị vận tải phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải, bào gồm hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu xe tải và lắp hộp đen...
Tăng cường kiểm soát xe tải chưa lắp hộp đen và gắn phù hiệu xe tải. Ảnh: Tiến Hiếu |
Đến nay, chỉ còn hơn 2 tháng là đến hạn cuối xe tải từ 3,5 - 7 tấn phải gắn phù hiệu và lắp hộp đen, nhưng nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải thuộc đối tượng này vẫn còn chậm trong đáp ứng các quy định. Lý giải một phần nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp xe tải cho hay, chi phí lắp đặt hộp đen khoảng 4 - 5 triệu đồng/xe và còn thêm phí duy trì dịch vụ hàng năm, nên sẽ rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ gia đình kinh doanh vận tải.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thống kê, cả nước hiện có 50.726 xe tải từ 7 - 10 tấn, trong đó mới có 17.386 xe đăng ký kinh doanh vận tải. Việc tuyên truyền, vận động chủ xe, lái xe tải đăng ký lắp đặt phù hiệu và hộp đen đã được các cơ quan chức năng tại các địa phương thông báo bằng văn bản, qua báo đài trước thời điểm có hiệu lực trong thời gian dài. Do đó, các trường hợp cố tình chây ì, phớt lờ quy định, dù vì lý do gì cũng đồng nghĩa với việc vi phạm điều kiện kinh doanh và bị xử lý nghiêm theo Nghị định 46/2016/NĐ - CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Giám sát “hộp đen” trên toàn quốc
Ông Nguyễn Văn Học, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) nhận định: Nhiều khả năng đến thời hạn chót các chủ phương tiện mới làm các thủ tục lắp đặt hộp đen và xin cấp phù hiệu chạy xe. Điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng quá tải, gây áp lực cho cơ quan chức năng. Sở đang có biện pháp giám sát, nhắc nhở, đôn đốc thực hiện.
Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) Phạm Đình Đức cũng cho hay: Trong tháng 11, Sở sẽ tập trung tuyên truyền việc lắp hộp đen và gắn phù hiệu cho xe từ 3,5 - 7 tấn. Sau ngày 1/1/2017, nếu các phương tiện không lắp hộp đen sẽ không được cấp phù hiệu và bị xử phạt theo quy định.
Trao đổi vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Đỗ Công Thủy khẳng định: Tổng cục đã có văn bản yêu cầu các Sở GTVT lập chuyên đề kiểm tra trên hệ thống giám sát hộp đen của các phương tiện và báo cáo Tổng cục trong tháng 11/2016. Đối với các xe không có dữ liệu truyền về do xe không hoạt động, xe hỏng... phải giải trình. Nếu giải trình không thoả đáng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Còn theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT tuyên truyền sâu rộng về lộ trình cấp giấy phép kinh doanh vận tải, lắp đặt hộp đen và gắn phù hiệu đối với các loại xe tải trước thời điểm ngày 1/1/2017 ngay tại các trung tâm đăng kiểm, nhằm hạn chế tình trạng quá tải vào cùng một thời điểm xin cấp phép.
Nghị định 46/CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Thông tư 10/2015/TT - BGTVT của Bộ GTVT quy định: Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng của xe ô tô vận tải hàng hóa không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. |