Lắp “hộp đen” giám sát giao thông thủy

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa ban hành quy định tàu bảo trì, tàu điều tiết giao thông thủy phải lắp camera giám sát (hộp đen).

Theo văn bản 1252/CĐ-CĐTNĐ do Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang vừa ký ban hành quy định phương tiện thủy phục vụ công tác bảo dưỡng thường xuyên đường thủy (phao tiêu, báo hiệu...), phương tiện phục vụ điều tiết, chống va trôi đường thủy bắt buộc phải lắp đặt các thiết bị này.

Phương tiện thủy bắt buộc phải lắp hộp đen để xác định vị trí. Ảnh Tiến Hiếu

Theo đó, từ tháng 11/2016, các phương tiện của nhà thầu thực hiện công tác bảo dưỡng phải lắp  AIS (thiết bị nhận dạng tự động, giúp xem trực tuyến vị trí tàu; xem lại hành trình phương tiện); camera (ghi lại cảnh quan tuyến luồng, quá trình thực hiện công việc bảo dưỡng hoặc xử lý tai nạn giao thông...); máy ảnh kỹ thuật số có tính năng định vị vị trí chụp GPS để lưu lại hình ảnh trước và sau khi bảo dưỡng.... Các dữ liệu được ghi từ các thiết bị trên phải được đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng lưu lại tối thiểu 3 tháng và trong trường hợp cần thiết được dùng làm căn cứ để nghiệm thu kết quả công việc.

Tương tự, phương tiện thực hiện công tác điều tiết, chống va trôi đường thủy cũng phải lắp thiết bị AIS và camera. Camera có chức năng ghi lại quá trình hướng dẫn, trợ giúp phương tiện qua khu vực điều tiết, chống va trôi.

Đối tượng áp dụng quy định là đơn vị sử dụng phương tiện thực hiện công tác trên các tuyến đường thủy quốc gia sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trước mỗi lần hành trình phương tiện, đơn vị phải khai báo trên hệ thống phần mềm quản lý của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Bộ phận chức năng của Cục giám sát việc lắp đặt hệ thống giám sát và lưu trữ thông tin, hình ảnh thu được từ camera, máy ảnh để phục vụ công tác quản lý.


Việc quy định lắp đặt các thiết bị giám sát tự động trên nhằm giúp quản lý chặt chẽ hơn các đơn vị, nhà thầu làm công tác bảo trì và điều tiết, chống va trôi trên đường thủy.

Tiến Hiếu
Đấu thầu, xóa bao cấp bảo trì đường thủy
Đấu thầu, xóa bao cấp bảo trì đường thủy

Trước năm 2016, dịch vụ bảo trì các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) chủ yếu được bao cấp, dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục bị bỏ ngỏ, xuống cấp, khó quy trách nhiệm quản lý, gây lãng phí ngân sách. Việc thực hiện đấu thầu để bảo trì đường thủy được cho là có hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp tham gia và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN