Đấu thầu, xóa bao cấp bảo trì đường thủy

Trước năm 2016, dịch vụ bảo trì các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) chủ yếu được bao cấp, dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục bị bỏ ngỏ, xuống cấp, khó quy trách nhiệm quản lý, gây lãng phí ngân sách. Việc thực hiện đấu thầu để bảo trì đường thủy được cho là có hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp tham gia và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư

Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 5 (Cục ĐTNĐ Việt Nam - Bộ GTVT) Trần Văn Khương cho biết: Trước năm 2016, Công ty được giao khoán quản lý, khai thác, bảo trì gần 400 km tuyến đường thủy chạy qua tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, do nhân lực mỏng, trang thiết bị hạn chế, trong khi phải phụ trách tuyến đường sông dài, nên nhiều đoạn tuyến đường thủy thời gian qua khó có thể quán xuyến bảo trì thường xuyên. Bên cạnh đó, kinh phí bảo trì hàng năm được cấp cũng eo hẹp, không thể bảo trì được các hạng mục phao tiêu, biển báo, nạo vét luồng lạch... Thực tế này dẫn đến công tác bảo trì các đoạn tuyến sông nhiều khi bị bỏ ngỏ. Công ty cũng đã nhiều lần kiến nghị với Cục ĐTNĐ Việt Nam chuyển cách làm từ khoán quản lý sang đấu thầu quản lý bảo trì thời hạn từ 3 năm trở lên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đường thủy có tiềm lực sẵn sàng bỏ tiền vào bảo trì đường thủy.

Nạo vét luồng đường thủy là một trong những hạng mục bảo trì cần thường xuyên thực hiện. Ảnh: Cục ĐTNĐ Việt Nam

“Điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho Nhà nước và cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp trúng thầu là đơn vị khẳng định được khả năng kỹ thuật, nhân lực chứ không chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm đã làm lâu năm hay chưa. Giá đấu thầu quản lý bảo trì các đoạn tuyến sông nếu cao nhất cũng chỉ bằng mức giao dự toán khoán được duyệt, còn nếu bỏ giá thấp hơn thì Nhà nước có lợi. Để đạt lợi nhuận hiệu quả nhất, doanh nghiệp phải chủ động, tính toán sao cho có giải pháp quản lý, kỹ thuật bảo trì tiết kiệm chi phí nhất”, ông Khương cho hay.

Còn theo Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 6 (Cục ĐTNĐ Việt Nam) Cao Văn Định, đơn vị phụ trách các tuyến sông chảy qua Hà Nội, công tác đấu thầu quản lý dịch vụ bảo trì đường thủy mang lại nhiều lợi ích. Nếu trúng thầu trong thời hạn 3 năm, các doanh nghiệp sẽ tạo được việc làm ổn định cho người lao động, chủ động bảo trì kịp thời các hạng mục công trình đường thủy thường xuyên, hạ giá thành quản lý bảo trì, qua đó tiết kiệm được ngân sách Nhà nước, mà vẫn đảm bảo được chất lượng dịch vụ bảo trì theo yêu cầu đặt hàng của Nhà nước, nhất là các hạng mục tín hiệu đường thủy, nạo vét luồng lạch...

Cục ĐTNĐ Việt Nam thống kê, ngoài 15 đơn vị quản lý đường sông trực thuộc Cục đang quản lý, bảo trì, khai thác các tuyến sông trong cả nước có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bảo trì, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập tại các địa phương sẵn sàng bỏ vốn đấu thấu để tham gia lĩnh vực này. Thực tế này đồng nghĩa với việc các công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ phải cạnh tranh nhau và thông qua đấu thầu sẽ lựa chọn được đơn vị bảo trì tốt nhất, vì mỗi gói thầu bảo trì đường sông đều có từ 3 - 5 nhà thầu tham gia đấu thầu.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết: Cục đã xây dựng kế hoạch từ tháng 5/2016, toàn bộ các tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Cục trực tiếp quản lý sẽ được các Công ty Cổ phần quản lý đường sông và các doanh nghiệp thực hiện bảo trì (thường xuyên) theo kết quả đấu thầu. Đây là mốc kết thúc cơ chế bao cấp trong bảo trì đường thủy, chuyển từ cơ chế khoán quản lý sang cơ chế đấu thầu, đáp ứng mục tiêu quản lý hiệu quả nhất.

Tạo sân chơi bình đẳng

Theo ông Hoàng Hồng Giang, hiện có ba tuyến đường thủy áp dụng phương thức đấu thầu hạn chế từ tháng 5 đến hết năm 2016 là lòng hồ Thủy điện Sơn La, sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ ngã ba sông Vàm Cỏ Đông - Tây (một nhánh sông Vàm Cỏ Đông đổ ra hướng Tây) đến cảng Bến Kéo và sông Hồng từ cửa Ba Lạt đến Việt Trì. Ba tuyến đường thủy đầu tiên này sẽ được các doanh nghiệp trúng thầu thực hiện dịch vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng luồng tuyến.

Do đây là lần đầu tổ chức đấu thầu trong lĩnh vực này, nên Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm sau đó nhân rộng để tổ chức đấu thầu rộng rãi các đoạn tuyến sông còn lại với kỳ hạn 3 năm nhằm tạo “sân chơi” bình đẳng cho các nhà đầu tư. Cục ĐTNĐ Việt Nam đang khẩn trương xây dựng các phương án đấu thầu rộng rãi để tiến tới đấu thầu quản lý, khai thác, bảo trì toàn bộ dịch vụ trên từng tuyến đường thủy.

Các chuyên gia đường thủy cho rằng, rõ ràng lợi ích của việc đấu thầu là sẽ giảm kinh phí quản lý, bảo trì khoán quản trước đây và giao trực tiếp kế hoạch các dịch vụ bảo trì cho các doanh nghiệp trúng thầu. Bên cạnh đó, cách làm này không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp phải tự đổi mới, nâng cao năng lực, mà các cơ quan Nhà nước cũng phải đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát việc thực hiện dịch vụ quản lý, bảo trì trên cơ sở hồ sơ dự thầu, hợp đồng ký kết.

“Từ tháng 5/2016 đến nay, quá trình đấu thầu diễn ra công khai, minh bạch và lựa chọn được nhà thầu đáp ứng tiêu chí đặt ra. Các gói thầu đều giảm được chi phí từ 3 - 5% so với phương thức khoán trước đây, tiết kiệm đáng kể cho ngân sách. Hiện đã có hơn 6.181 km đường thủy được đưa ra đấu thầu bảo trì với thời hạn 8 tháng (từ tháng 5 đến hết năm 2016). Qua đấu thầu, số tiền tiết kiệm được lên tới 3,9 tỷ đồng”.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam


Đăng Sơn
Cấp thiết xây trụ chống va trôi đường thủy
Cấp thiết xây trụ chống va trôi đường thủy

Theo thống kê của Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ GTVT), trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia hiện có 646 cầu đường bộ, đường sắt bắc qua (đường bộ 615 cầu; đường sắt 31 cầu), trong đó có 251 cầu kích thước khoang thông thuyền không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đường thủy nội địa (đường bộ 231 cầu, đường sắt 20 cầu)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN