An toàn cho du lịch đường thủy: Cần hoàn chỉnh hệ thống quản lý

Du lịch đường thủy (bao gồm vận chuyển khách du lịch, lưu trú, nhà hàng) đang mang tính tự phát và bất cập trong quản lý.

Nhiều thứ thiếu và yếu

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 10.000 tàu, thuyền hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trong đó tàu, thuyền du lịch lưu trú có 173 chiếc, vận chuyển có 9.707 chiếc, nhà hàng 120 chiếc. Nhà hàng nổi và tàu thuyền vận chuyển khách du lịch có ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Riêng tàu lưu trú du lịch chỉ tập trung ở 6 địa phương là Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, và đa số là tàu vỏ gỗ, số tàu vỏ sắt chiếm tỷ lệ nhỏ.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đều cho rằng, chính sự bất cập trong quản lý những tàu thuyền du lịch trên là một trong những nguyên nhân bất an trong du lịch đường thủy. Một thực tế đang xảy ra là cách thức quản lý phương tiện thủy nội địa hoạt động du lịch mỗi địa phương một kiểu, không rõ sự phân cấp. Ví dụ như việc quản lý phương tiện ra vào bến, có nơi do cảng vụ cấp phép, có nơi do đơn vị kinh doanh bến cấp, nhiều nơi thậm chí không có cơ quan quản lý. Đó là chưa kể, công tác quản lý phương tiện, bến bãi phục vụ du lịch trên đường thủy còn chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan chức năng có liên quan. Vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo.

Hiện trường vụ tai nạn tàu du lịch mang tên Trường Hải 06 QN 5198 bị đắm chìm ngày 17/2/2011 tại khu vực đảo Ti Tốp - Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Đinh Mạnh Tú-TTXVN

Chính vì việc quản lý phương tiện du lịch đường thủy chưa thống nhất dẫn tới nhiều hành vi mất an toàn cho du khách, nhưng lại không có cơ sở để xử lý. Theo Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Phạm Minh Nghĩa, đến nay, Bộ Giao thông- Vận tải đã ban hành 46 văn bản liên quan đến giao thông đường thủy. Song, việc có thực hiện đúng quy định hay không lại là chuyện khác. Thậm chí, nhiều chế tài ban hành ra đã không theo kịp thực tế, không áp dụng vào thực tế được.

Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải):
“Với đường thủy, giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất”

Các chủ tàu và người điều khiển phương tiện cần thực hiện đúng theo quy định pháp lý của ngành đường thủy. Ngoài ra, ý thức chính là vấn đề then chốt giải quyết các vụ tai nạn giao thông. Đối với đường thủy, giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất.

Các vụ tai nạn liên tục trong thời gian qua đã gây nhiều bức xúc cho người dân làm dấy lên hồi chuông báo động cho tình trạng các bến khách, các tàu chở khách du lịch. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, khắc phục sự cố. Thời gian qua, Cục Đường thủy đã làm nhiệm vụ và chức năng trong việc cấp phép hoạt động cho phương tiện, người điều khiển và tiến hành kiểm tra, rà soát các bến đỗ không phép có những biện pháp xử lý vi phạm. Tuy nhiên, Cục sẽ nghiên cứu, phối hợp với Tổng cục Du lịch phải làm sao có các quy định đầy đủ hơn nữa cho hoạt động kinh doanh bằng tàu gỗ du lịch đặc biệt là tiêu chuẩn phải đảm bảo an toàn. Các phương tiện đã đảm bảo đầy đủ quy định hoạt động trên đường thủy mới được cấp phép. Trên thực tế, các tai nạn đường thủy thường xảy ra sự cố bất ngờ nên khả năng ứng phó rất khó. Sau những sự cố chìm tàu trong thời gian qua vấn đề này sẽ được làm rõ hơn về tính chất kỹ thuật tàu thuyền kinh doanh chở khách du lịch.

Ngoài ra, Luật Đường thủy chưa quy định bắt buộc người đi thuyền phải mặc áo phao mà chỉ là vận động nên khi tham gia lưu thông đường thủy, ý thức của chủ tàu và người đi tàu là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các chủ tàu và người điều khiển phương tiện cần thực hiện đúng theo quy định pháp lý của ngành đường thủy. Ngoài ra, ý thức chính là vấn đề then chốt giải quyết các vụ tai nạn giao thông. Đối với đường thủy, giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất.

Chị Hoàng Thúy Nga, Việt kiều sống ở Nga:
Ấn tượng với Hạ Long...

Chúng tôi đang sống ở Nga. Hè năm nay cả gia đình tôi về Việt Nam thăm gia đình nhân tiện cho con đi tham quan phong cảnh đất nước. Đặc biệt là đối với Vịnh Hạ Long, tôi rất ấn tượng. Sau khi đi chơi Sa Pa về, theo kinh nghiệm của các bạn đã từng đi du lịch Hạ Long, tôi liền lên kế hoạch. Tìm tòi thông tin và lựa chọn cho mình tour hợp lý nhất. Tôi được hãng tàu phục vụ tốt, phục vụ khách chu đáo, vượt qua cả mong đợi. Chỉ có điều tắm biển ở Hạ Long thì các nhà hàng có vẻ thi nhau “cắt cổ” khách du lịch, hơi phiền lòng một chút. Cho nên rút kinh kinh nghiệm phải trả giá trước.

Nói chung, tôi rất ấn tượng với Vịnh Hạ Long - nó như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ của tạo hóa, của thiên nhiên biến, hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc, vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khỏe khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Lần sau về Việt Nam tôi và gia đình chắc chắn sẽ quay lại Vịnh Hạ Long…

Bên cạnh những bất cập về quản lý thì ý thức của những người chủ sử dụng tàu rất kém. Vào cuối tháng 3/2011 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM đã tổ chức cuộc tổng kiểm tra các tàu du lịch kinh doanh nhà hàng trên địa bàn. Có tổng số 8 tàu được kiểm tra thì cả 8 tàu đều có phát hiện vi phạm. Cụ thể, cả 4 tàu kinh doanh nhà hàng của Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương đều có những vi phạm như bình chữa cháy hết hạn sử dụng hoặc không đủ số lượng quy định, đường ống làm mát máy tự ý thay đổi, không đảm bảo theo đúng quy cách theo yêu cầu, van vặn không an toàn…

Các đợt kiểm tra đột xuất về an toàn giao thông đường thủy đối với tàu thuyền đang lưu hành bằng hình thức du lịch trên cả nước đều phát hiện rất nhiều các sai sót như: Thiếu áo phao cứu sinh, áo phao cất ở nơi khó nhận biết, thiếu một số các thiết bị an toàn cho hành khách… Theo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa, dù đã được nhắc nhở khá nhiều, nhưng một số phương tiện giao thông thủy vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định đảm bảo an toàn, công tác bảo dưỡng các thiết bị kỹ thuật chưa được chú trọng.

Ở nhiều tàu du lịch, thiết bị cứu hộ tối thiểu này chỉ được trang bị cho có hoặc cất ở những chỗ mà hành khách khó tiếp cận. Đơn cử như thuyền thúng ở Cửa Lò chở hàng chục khách đi câu mực đêm xa bờ cả cây số, mang theo cả bếp dầu để nướng mực nhưng không hề có phao cứu sinh. Tại Quảng Ninh, kết quả đợt tổng kiểm tra, rà soát chất lượng 135/151 tàu du lịch vừa qua cho thấy, dù 100% số tàu có giấy phép lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long nhưng có 9 tàu thiếu, hỏng 108 phao áo, 5 phao bè không bảo đảm yêu cầu và 25 tàu chưa thực hiện niêm yết hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn và thoát hiểm cho khách tại các khu vực quy định. Dẫu vậy, những con tàu này vẫn được cấp phép và "vô tư" xuất bến.

Tình trạng tàu chở khách du lịch vượt quá số ghế ngồi cũng diễn ra phổ biến. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, mỗi ngày, hàng chục chuyến tàu cao tốc từ Vân Đồn đi Quan Lạn đều chở người nhiều gấp rưỡi số lượng ghế trong khoang hành khách. Vì nhu cầu lớn nên đơn vị vận chuyển đã xếp thêm ghế nhựa trên lối đi và boong tàu để phục vụ du khách. Gần 20 người được bố trí ngồi ở boong phía sau tàu nhưng cũng chỉ có 2 cái phao cứu sinh…

Lấp lỗ hổng như thế nào

Với một đất nước có đường bờ biển dài cùng hệ thống sông suối đa dạng như Việt Nam, du lịch đường thủy là một hướng phát triển giàu tiềm năng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chuyên gia du lịch đều cho rằng, cần phải lấp ngay lỗ hổng trong quản lý hệ thống tàu du lịch, nhà hàng nổi trên sông và tàu chở khách thông thường.

Theo Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp, giải pháp trước mắt đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành giao thông vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch, công an tiến hành rà soát hoạt động của các phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch tại các địa phương, kiên quyết loại bỏ các phương tiện không đủ quy chuẩn lưu hành và phục vụ khách du lịch. Về lâu dài, cùng với bộ tiêu chuẩn Việt Nam về xếp hạng tàu lưu trú du lịch đang hoàn chỉnh và sắp được ban hành, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn về xếp hạng hoặc phân loại tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch và nhà hàng nổi.

Trong một hội nghị trực tuyến mới đây bàn về nguyên nhân cũng như giải pháp cho hoạt động du lịch đường thủy được tổ chức ở cả 3 điểm cầu là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, xử lý vi phạm an toàn giao thông đường thủy không chỉ chạy theo sự vụ. Khi có sự cố xảy ra thì trách nhiệm không rõ thuộc về ai. Cho nên, cần thiết phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa Trung ương, địa phương, các ngành chức năng có liên quan trong quản lý đối tượng này, làm rõ sự phân cấp, trách nhiệm của các bên liên quan. Đã đến lúc phải bổ sung, sửa đổi… các văn bản pháp luật đặc biệt là Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn luật liên quan tới phương tiện, bến bãi… phục vụ du lịch đường thủy.

Để hoạt động du lịch đường thủy phát triển và đảm bảo an toàn, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, cần phải có sự phối hợp đồng bộ tối thiểu các yếu tố: Người chủ phương tiện- phương tiện; người điều khiển phương tiện và người phục vụ; người tham gia du lịch; cảng, bến, khu neo đậu; công tác cứu hộ cứu nạn và cảnh báo các “điểm đen” trên khu vực du lịch; công tác an ninh trật tự, tuần tra kiểm soát. Tình hình tai nạn giao thông đường thủy thời gian qua có khá nhiều vụ nghiêm trọng. Nguyên nhân phần lớn là do các thuyền viên không tuân theo pháp luật.

Chính vì vậy, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác đảm bảo an toàn đối với phương tiện thủy phục vụ khách du lịch. Đồng thời phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành (Cục Đường thủy nội địa, Tổng cục Du lịch, Cục Đăng kiểm, Cục Cảnh sát đường thủy…) kiểm tra, giám sát về thực trạng phương tiện, bến bãi giao thông thủy, tình hình chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường thủy phục vụ du lịch. Riêng những địa bàn trọng điểm về du lịch như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), hồ thủy điện Hòa Bình (Hòa Bình), Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình), vùng ven biển Mũi Né (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), trên một số tuyến sông, kênh vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được chú trọng kiểm tra kỹ hơn.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an xây dựng các tiêu chuẩn về tàu du lịch và thuyền viên phục vụ trên tàu như: Quy định độ tuổi của trưởng tàu, đặt ra các tiêu chuẩn, phục vụ viên trên tàu đều phải biết bơi để khi xảy ra sự cố không những tự biết cứu mình mà còn cứu cả khách…

Lý Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN