Siết chặt an toàn giao thông đường thủy - Bài cuối

Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp đang kéo theo nhiều vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) ĐTNĐ. Mặc dù, các lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, xử lý thường xuyên, nhưng vi phạm chỉ giảm khi có lực lượng kiểm tra.

CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CÓ VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH

Theo Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Đỗ Trung Học: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền hạn chế thời gian qua là do chính quyền cơ sở địa phương chưa thực sự thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác quản lý.

Tại nhiều địa phương chỉ ban hành văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, mà không đề cập biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân. Nhiều chủ phương tiện trốn tránh nghĩa vụ đăng kiểm, trong khi công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đường thủy của cơ quan chức năng nhiều nơi chưa làm quyết liệt, thậm chí có nơi lực lượng chức năng không tiếp cận được chủ phương tiện. Có thể thấy rõ, mấu chốt của việc quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa hiện nay là sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tới đây, ngành đăng kiểm sẽ đưa đăng kiểm viên xuống tận địa bàn để phối hợp với địa phương giải quyết vấn đề này.

Việc quy hoạch các bến thủy sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa.

Còn theo lực lượng CSGT, thanh tra, cảng vụ trên các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ), hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp đang kéo theo nhiều vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) ĐTNĐ. Mặc dù, các lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, xử lý thường xuyên, nhưng vi phạm chỉ giảm khi có lực lượng kiểm tra. Mỗi khi phát hiện thấy tiếng ca nô hoặc tàu tuần tra của CSGT đường thủy, là ngay lập tức các thuyền kéo vòi hút cát, chạy trốn sang địa phận giáp ranh, nhiều trường hợp bị bắt quả tang khi kiểm tra, xử lý, đối tượng vi phạm không chịu xuất trình giấy tờ, nhảy xuống sông, bỏ mặc thuyền hút cát giữa dòng, gây khó khăn cho CSGT đường thủy. Sau khi, lực lượng chuyên ngành rút đi hoặc xử lý ban ngày, thì các phương tiện hút cát trộm lại lén lút hoạt động về đêm...

Ông Nguyễn Công Minh cũng cho biết: Trách nhiệm của địa phương trong kiểm soát trật tự ATGT ĐTNĐ có vai trò quyết định. Vì các lực lượng khác chỉ làm nhiệm vụ trên tuyến, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong thẩm quyền đã được phân công, phân cấp. Do đó, rất cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan ban ngành, nhất là vai trò của địa phương.

Ngăn chặn vi phạm từ gốc

Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Trần Văn Thọ nhận định: Giao thông ĐTNĐ đến nay vẫn mang tính tự phát, việc sử dụng phương tiện, khai thác vận tải phụ thuộc nhiều vào thói quen, tập quán; phương tiện tham gia giao thông nhiều chủng loại, nhiều kiểu dáng nên việc áp dụng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật và những yêu cầu quản lý vận tải rất hạn chế. Bên cạnh đó, các tuyến ĐTNĐ chủ yếu đi qua những địa bàn hẻo lánh, các tuyến trọng điểm đều là ranh giới hành chính giữa các địa phương, nên thường xảy ra hiện tượng chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm quản lý, làm cho trật tự ATGT ĐTNĐ nảy sinh nhiều phức tạp.

Trước thực tế này, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã chỉ đạo các chi cục, cảng vụ, thanh tra tăng cường phối hợp với các lực lượng liên ngành ở địa phương tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết những trường hợp không tuân thủ quy định gây tai nạn hoặc không tuân thủ quá trình kiểm tra có thể thu hồi chứng chỉ, phương tiện. Nguyên tắc là khi phương tiện xuất phát từ một bến thủy nào đấy sẽ phải làm thủ tục vào bến bốc xếp hàng hóa và ở đó, Cảng vụ kiểm tra đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền viên... Tới đây, Cục sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu để tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ.

Ngoài ra, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ chú trọng phối hợp các cấp chính quyền cơ sở tăng cường rà soát, kiểm tra xử lý vi phạm trên toàn tuyến thủy nội địa. Đồng thời vận động các doanh nghiệp vận tải thủy cam kết trách nhiệm trong việc quản lý phương tiện, người lái; xử lý dứt điểm bến thủy nội địa hoạt động không phép, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, vì các phương tiện chở quá tải đều xuất phát từ các bến này.


Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa vừa có chỉ thị về công tác ATGT ĐTNĐ. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải công bố đường dây nóng tại các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông và trên các phương tiện vận tải hành khách bằng đường thủy để kịp thời tiếp nhận phản ánh của nhân dân; đồng thời tăng cường công tác thanh tra tại các khu vực có nguy cơ tai nạn đường thủy, chấn chỉnh công tác đào tạo nhân lực, đăng kiểm phương tiện thủy và rà soát các quy định quản lý của Nhà nước về ĐTNĐ.


Đăng Sơn
Siết chặt an toàn giao thông đường thủy - Bài 2
Siết chặt an toàn giao thông đường thủy - Bài 2

Việc quản lý phương tiện thủy nội địa, giám sát ATGT đường thủy do có nhiều đơn vị cùng thực hiện kiểm soát, kiểm tra, đang gây ra nhiều bất cập. Thực tế này dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” trong xử lý tàu thuyền vi phạm và nguy cơ mất ATGT vẫn tiềm ẩn…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN