Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận: Toàn bộ 12 khúc gỗ khoảng 700 kg, được nghi là gỗ mun, có kích thước lớn nhỏ khác nhau, ngắn nhất 1m, dài nhất 3m, đường kính từ 10cm đến 25cm và một số mảnh vỡ của vật dụng sinh hoạt như: chén, bát..., trong đó có 1 bát men và một bình gốm còn nguyên vẹn đã được tìm thấy ở tọa độ 1133''800N - 10901'568E, thuộc vùng biển phường Mỹ Hải. Hiện số gỗ cùng các vật dụng trên được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đưa về Đồn biên phòng 412 trông coi, bảo quản, đồng thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Trước đó, khi phát hiện có khoảng 22 phương tiện tàu cá và 10 thúng chai của ngư dân phường Đông Hải và Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tập trung trục vớt gỗ bị chìm tại khu vực vùng biển trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức lực lượng, phương tiện cơ động đến bảo vệ hiện trường, ngăn chặn, tuyên truyền ngư dân dừng hoạt động trục vớt, không được tự ý trục vớt tài sản chìm đắm.
Đồng thời tổ chức lực lượng nắm tình hình, xác minh, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh có biện pháp tổ chức bảo vệ, khảo sát thực tế và xử lý tài sản chìm đắm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận đã điều 2 tàu BP, 2 ca nô cùng 25 cán bộ chiến sĩ trực bảo vệ khu vực hiện trường trên biển và 12 cán bộ tuần tra bảo vệ trên bờ.
Trước tình hình phức tạp do ngư dân địa phương sử dụng nhiều phương tiện tàu cá với số lượng người tham gia đông tranh giành trục vớt, gây mất an ninh trật tự trên biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động tăng cường 1 trung đội cơ động phối hợp với lực lượng Công an, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức bảo vệ khu vực khảo sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra; đồng thời tạm giữ, xử phạt một phương tiện gồm 5 người do cố tình cản trở, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng.
Theo nhận định ban đầu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận: Qua quá trình lặn khảo sát tại khu vực thuộc tọa độ trên với bán kính 200m, đoàn khảo sát đã phát hiện có gỗ mun và chén, bát, bình gốm... cũ đã chôn lấp sâu dưới biển. Nguồn gốc số tài sản trên có khả năng là do một chiếc thuyền buồm vận chuyển gỗ và đồ sành sứ từ đầu thế kỷ 20 bị chìm đắm chôn vùi dưới biển. Hoặc có thể do trước đây vùng ven biển này là một bãi thuyền, bến cảng thường xuyên ra vào vận chuyển, buôn bán trao đổi hàng hóa, khi đó có một số gỗ, vật dụng sinh hoạt bị rơi xuống biển, chôn vùi dưới cát. Tuy nhiên cũng cần khảo sát kỹ mới có kết luận chính xác.
Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh tổ chức kiểm tra, nhận định đánh giá sơ bộ về khả năng trữ lượng và giá trị văn hóa của gốm sứ trục vớt được; đồng thời rà soát, xác minh đối với số hiện vật mà ngư dân trục vớt được trước đó để có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cũng đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành chức năng cùng phối hợp với Bộ Chỉ huy tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để xử lý số gỗ đã thu gom được theo quy định của pháp luật.
Công Thử