Hiện cả nước vẫn còn tồn tại 34.642 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Phần lớn các điểm giết mổ nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y, chỉ có 35% điểm giết mổ được kiểm soát.
Đây là thông tin được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố tại Hội nghị giết mổ và vận chuyển gia súc gia cầm, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 14/5.
Nhân viên Thú y đóng dấu kiểm dịch sản phẩm thịt tại Trung tâm giết mổ gia súc Đà Sơn (quận Liên Chiểu), cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp có quy mô lớn nhất TP Đà Nẵng. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Theo Cục Thú y, hiện nay tại 63 tỉnh, thành phố tồn tại các loại hình giết mổ như giết mổ tập trung công nghiệp, tập trung bán công nghiệp, thủ công và nhỏ lẻ. Chỉ có 3/63 tỉnh hiện còn loại hình giết mổ lưu động. Do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ hoạt động tại các hộ gia đình nằm rải rác trong các khu dân cư. Điển hình như tại Hà Nội, có tới 99% cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư. Bản thân các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt nên chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Chủ cơ sở giết mổ chưa nhận thức được trách nhiệm xã hội về nghề nghiệp của mình.
Mặt khác, tính đến tháng 2/2015, Đề án quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung vẫn còn 20% các tỉnh, thành chưa phê duyệt và có những chính sách khuyến khích đầu tư, quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Một số cơ sở giết mổ tập trung ở Tây Ninh, Trà Vinh, Quảng Nam được xây dựng theo nhu cầu nhưng không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, từ đó dẫn tới đầu tư không hợp lý, sử dụng, khai thác không hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch thiếu chặt chẽ dẫn tới tình trạng xây nhà, công trình khác gần cơ sở giết mổ tập trung hoặc gần địa điểm đã quy hoạch để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do vị trí địa lý của các tỉnh, thành khác nhau, dẫn đến việc thực hiện kiểm soát giết mổ cũng khác nhau và còn nhiều bất cập trong công tác quản lý. Chẳng hạn như tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do địa hình nhiều sông ngòi kênh rạch chằng chịt nên việc mua bán tiến hành trên xuồng, ghe, đi lại khó khăn, các điểm giết mổ phân tán với số lượng lớn nên kiểm soát giết mổ gặp khó khăn. Hầu hết ở các địa phương việc kiểm soát giết mổ gặp không ít bất cập do lực lượng cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ quá mỏng, trong khi số điểm giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều…
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, các cơ sở giết mổ tập trung ở địa phương này hiện hoạt động chưa hiệu quả, số lượng giết mổ còn thấp so với thực tế của địa phương. Mặc dù theo báo cáo từ các huyện ở Đồng Nai, đến tháng 12/2014 trên địa bàn không còn các điểm giết mổ lậu. Tuy nhiên, trong thực tế, qua kiểm tra, số lượng thịt gia súc không có kiểm soát của cơ quan chức năng hàng ngày vẫn được bày bán rất nhiều tại các chợ cóc, vỉa hè ở thành phố Biên Hòa và một số huyện. Ước tính chỉ có khoảng 50% sản phẩm gia súc qua kiểm soát giết mổ.
Liên quan đến quản lý hành chính công tác giết mổ gia súc, gia cầm, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông thừa nhận mặc dù Pháp lệnh Thú y đã được ban hành trong năm 2014 và có nhiều Thông tư, Chỉ thị của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các địa phương, tuy nhiên hệ thống văn bản pháp luật này vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập so với tình hình thực tế. Bên cạnh nhiều tỉnh, thành phố tổ chức tốt công tác quản lý giết mổ, kinh doanh thịt gia súc gia cầm thì vẫn còn nhiều tỉnh, thành chưa có sự quan tâm cũng như thực hiện tốt công tác này.
Để tăng cường năng lực quản lý và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, Cục Thú y cho biết sẽ tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan; đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương ban hành chính sách xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm phát huy nguồn lực xã hội trong các dịch vụ kỹ thuật về an toàn thực phẩm và chính sách hỗ trợ các hộ giết mổ nhỏ lẻ chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, các địa phương phải tham gia quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Hiện nay, có 12 tỉnh, thành đang được Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP), do Ngân hàng Thế giới tài trợ được hỗ trợ nhiều hoạt động quan trọng trong việc tăng cường năng lực quản lý và kiểm soát giết mổ.
Hứa Chung