Ông Lê Xuân Cảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong số 13 quốc gia còn hổ sinh sống ngoài tự nhiên, song số lượng hổ Việt Nam đang ngày càng suy giảm. Cụ thể, theo thống kê từ các Chi cục Kiểm lâm năm 2001, quần thể hổ trong toàn quốc ước tính có thể còn trên 100 con.
Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011 cảnh báo số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng từ 27 - 47 con.
Nghiêm trọng hơn, số liệu cập nhật năm 2016 của WWF cho thấy số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam có thể chỉ còn dưới 5 con và được đánh giá là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.
“Nhiều dự báo cho rằng, sau sự biến mất của con tê giác cuối cùng năm 2010, hổ sẽ là loài thú lớn tiếp theo của Việt Nam được đưa vào danh sách tuyệt chủng trong tự nhiên”, ông Lê Xuân Cảnh cho biết.
Theo đại diện Mạng lưới theo dõi, giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu tại Việt Nam (Traffic), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nhanh các loài động vật hoang dã, trong đó có loài hổ là nhu cầu tiêu thụ của người dân. Nhiều người vẫn có niềm tin các sản phẩm từ hổ có thể chữa bệnh và trừ tà.
Khảo sát của Traffic từ tháng 1- 4/2017 với 1120 người tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, 83% người được khảo sát đã mua các sản phẩm từ hổ là cao hổ cốt, 28% đã mua sản phẩm từ hổ trong 12 tháng qua, 38% đã mua sản phẩm từ hổ trong 1 – 5 năm qua. Đáng chú ý, trong số những người mua sản phẩm từ hổ có tới 71% người mua vì mục đích chữa bệnh dù không biết có hiệu quả thật hay không.
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhiều loài động vật hoang dã tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong đó có loài hổ. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được chính sách tương đối đầy đủ về động vật hoang dã nhưng chưa đồng bộ, vẫn còn chồng chéo trong danh mục loài, chế độ quản lý khác nhau cũng như thiếu những quy định về xử lý tang vật... gây khó khăn trong quá trình thực thi.
“Việt Nam Tham gia chương trình bảo tồn hổ toàn cầu từ năm 2010 và có Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 nhằm “bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022” nhưng để thực hiện được cam kết này thì chúng ta còn nhiều hạn chế về nguồn lực, kinh phí...”, bà Nguyễn Thị Vân Anh cho biết.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đưa ra đề xuất bảo tồn loài hổ như chọn loại hổ thuần chủng để gây nuôi rồi thả hổ về môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, để làm được việc này rất khó vì phải có đủ điều kiện như thức ăn, môi trường sống.
Theo như ông Trần Lê Trà, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phân tích, mỗi con hổ cần thức ăn là vài chục kg thịt mỗi ngày trong khi đó, các loài làm thức ăn cho hổ ngày càng suy giảm vì hàng trăm hàng nghìn chiếc bẫy được tìm thấy trong các khu rừng của Việt Nam. Đồng thời, vùng sống của một con hổ cái cần 40 km2, hổ đực cần 100 km2, để tìm được nơi có diện tích lớn như vậy tại nước ta thì thật sự rất khó.
“Đó là chưa kể đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, nếu không thả con nào về rừng thì sẽ mất con đó”, ông Trần Lê Trà cho biết.