Nước thượng nguồn sẽ đẩy mặn ra 20 km

Một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã đón được nguồn nước xả từ các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Tổng cục Thủy lợi cho biết, lượng nước ở thượng nguồn đang tăng nhanh; các địa phương tích cực chuẩn bị lấy nước ngọt để chống hạn, đẩy lùi xâm nhập mặn và phục vụ sinh hoạt.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tỉnh (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã có cuộc trả lời báo chí.

Xin ông cho biết, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã chuẩn bị như thế nào cho đợt lấy nước này?

Từ ngày 3/4 nước của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn đã về đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh cần tranh thủ dịp này tập trung lấy nước một cách hiệu quả nhất. Theo đó, các địa phương tiếp tục công tác đo đạc, giám sát độ mặn cũng như đưa ra dự báo, những khu vực nào có nước ngọt, khu vực nào chưa có nước ngọt. Từ đó, các địa phương sẽ chủ động tích trữ vào hệ thống kênh, mương cũng như những hệ thống trữ để đảm bảo có nước sử dụng trong thời gian tới.

Để sử dụng nguồn nước này một cách hiệu quả, các địa phương cần lưu ý những vấn đề gì thưa ông?

Theo tính toán ban đầu, nước ở thượng nguồn sẽ đẩy được mặn xâm nhập từ 15 đến 20 km. Nhưng trong điều kiện nguồn nước xả từ thượng nguồn hạn chế, trên cơ sở dự báo, các địa phương phải tập trung chỉ đạo lấy nước cụ thể đối với từng vùng, lượng nước tối đa được lấy để tích trữ vào trong hệ thống kênh mương, ao đầm phục vụ chống hạn và mặn xâm nhập.

Các trạm bơm ở Tiền Giang đang chuẩn bị để lấy nước ngọt. Ảnh: Minh Trí - TTXVN 

Chúng tôi đánh giá, việc tăng cường điều tiết nước của các hồ chứa thủy điện có hiệu quả rất tốt đối với vùng hạ du. Vì theo dự báo, tháng 4 vẫn là khoảng thời gian mặn xâm nhập mạnh, ảnh hưởng lớn tới với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, khi có nguồn nước ngọt về, các địa phương cần phải tranh thủ lấy nước tích trữ nước cũng như tăng cường những giải pháp sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả.

Việc lấy nước này chỉ giải quyết được nhu cầu cấp bách của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nếu các hồ thủy điện ở thượng du sông Mê Kông ngừng xả nước thì các địa phương phải làm gì thưa ông?

Trước mắt, chúng tôi đã đề nghị, các địa phương cần ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, đồng thời chống hạn cho những vườn cây trái có giá trị kinh tế cao. Sau đó, phải căn cứ cụ thể vào nguồn nước để bố trí cơ cấu cây trồng cũng như mùa vụ một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Xin cảm ơn ông!

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, tuần từ ngày 2 - 8/4 , độ mặn ở khu vực Nam Bộ sẽ giảm trong những ngày đầu tuần, sau sẽ tăng trở lại. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn vùng hạ lưu các sông Nam Bộ có khả năng ở cấp độ 1 - 2. Thượng nguồn sông Mê Kông có mưa vài nơi, lượng mưa dưới 5 mm, vùng hạ lưu sông Mê Kông và Nam Bộ phổ biến không mưa. 

Mực nước thượng lưu sông Mê Kông có dao động nhỏ và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 2,0 m. Mực nước hạ lưu sông Mê Kông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,02 - 0,2 m. Dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông đang tăng. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu có khả năng đạt mức cao nhất vào cuối tuần sau. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu ở mức là 1,30 m, tại Châu Đốc 1,40 m và cao hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 0,1 - 0,15 m.


Hữu vinh
Hạn, mặn không còn là chuyện nhất thời
Hạn, mặn không còn là chuyện nhất thời

Một thông tin không thể vui, đến cuối tháng 3/2016, đã có hơn 2 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL - khoảng 12% dân số trong vùng) chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn, mặn. Đây là con số chỉ tính trên nông dân sản xuất lúa bị thiệt hại và thiếu nước ngọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN