Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre “chia” nước sinh hoạt cho người dân xã An Hiệp. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Chia sẻ với những khó khăn của người dân huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) giữa mùa hạn mặn, trong hai ngày 25 - 26/3, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre tổ chức vận chuyển nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân xã An Hiệp, huyện Ba Tri.
Đơn vị được phân công trực tiếp đảm nhận việc vận chuyển nước ngọt là Tiểu đoàn vận tải thủy 804, Trung đoàn vận tải 659, Cục Hậu cần, Quân khu 9. Tiểu đoàn vận tải 804 đã sử dụng tàu, vận chuyển khoảng 60 m3 nước ngọt được lấy từ Nhà máy nước sạch Bình Đức (tỉnh Tiền Giang) để chuyển về xã An Hiệp, Ba Tri hỗ trợ người dân. Lượng nước này được phân phối cho các hộ nghèo và hộ chính sách ở 2 ấp Giồng Lân và Giồng Ao của xã An Hiệp.
Có nước ngọt vào thời điểm này là niềm vui lớn của người dân vùng hạn, mặn. Do nước mặn xâm nhập, hiện nhiều hộ không còn nước ngọt dự trữ để sinh hoạt hàng ngày, nước để nấu ăn cũng phải sử dụng nước mặn. An Hiệp là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Ba Tri với tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Đợt hạn, mặn năm nay đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đời sống của nhân dân. Hầu hết các hộ trong xã đều thiếu nước ngọt sinh hoạt, trong đó hơn 1.000 hộ đang trong tình trạng thiếu nước cấp thiết.
Đợt cấp nước ngọt lần này của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre đã phần nào giúp hộ nghèo và hộ chính sách tại xã An Hiệp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm nay. Sắp tới, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tiếp tục vận chuyển nước ngọt sinh hoạt về hỗ trợ nhân dân các xã Tân Hưng, An Ngãi Tây và An Đức của huyện Ba Tri. Tuy lượng nước ngọt được đưa về phục vụ nhân dân không nhiều nhưng đã thể hiện tình nghĩa gắn bó, tương trợ giữa quân với dân trong thời điểm khó khăn.
Nước mặn xâm nhập sớm, kéo dài đã khiến đời sống và sản xuất của nhân dân huyện Ba Tri gặp nhiều khó khăn; lúa mất trắng, đàn vật nuôi bị nhiễm bệnh. Trong đời sống hàng ngày, nước ngọt đang là mặt hàng quý, hiếm và khá đắt đỏ. Để có nước ngọt, người dân phải đặt mua trước từ 2 - 3 ngày với giá từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/m3. Rất nhiều hộ nghèo không có điều kiện trữ nước từ mùa mưa năm trước đã phải sử dụng nước mặn trong sinh hoạt, kể cả việc nấu ăn.