Những gói mì tôm giúp mẹ chống đói
- “Con không cho mẹ đi đâu. Mẹ đi là bị COVID đấy”.
- “Mẹ phải đi vì đây là nhiệm vụ, nhiều người đang cần mẹ!”
- “Thế mẹ phải khỏe, đừng để đói bụng mẹ nhé!”
Cậu con trai nhỏ chạy vội vào trong bếp, cầm ra hai gói mì tôm rồi nhét vào ba lô chị đeo sau lưng. Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thanh Thuyết (sinh năm 1984) lên đường vào tâm dịch Bắc Giang cùng lời hứa với hai cậu con trai 6 và 11 tuổi: “Hết dịch mẹ sẽ về!!!"
Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, từ tháng 2/2020, bác sĩ Bùi Thanh Thuyết được giao nhiệm vụ "Đội trưởng đội lấy mẫu và vận chuyển SARS-CoV-2". Không hề đắn đo, chị nhanh chóng sắp xếp mọi việc trong gia đình. Chồng bác sĩ Thuyết là phi công chiến đấu Su30 MK2, thời điểm đó làm nhiệm vụ tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hai con trai lại còn nhỏ, chị đành gửi con nhờ người chăm sóc.
Trong suốt 4 đợt dịch COVID-19, hai con trai của chị hết gửi về quê nội, quê ngoại rồi lại vào đơn vị bố. Có thời gian, chị còn gửi sang nhà cô giáo để yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.
“Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, bọn trẻ như hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ và tự trưởng thành, vững vàng hơn. Sau mỗi lần đón con, tôi cảm nhận được điều đó qua lời nói, cử chỉ, thói quen của các con. Không còn nhõng nhẽo, không còn những món ăn khó ăn như trước”, bác sĩ Thuyết tâm sự.
Công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao thường trực, nhưng bác sĩ Thuyết và đồng nghiệp của mình không nề hà, chạy đua với thời gian để lấy mẫu nhanh nhất, chuyển mẫu kịp thời để có kết quả sớm nhất. Những bác sĩ mang trên mình hai màu áo luôn xác định đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của người chiến sĩ quân y nói riêng, của thanh niên quân đội nói chung theo đúng tinh thần “Thanh niên Quân đội xung kích chung tay, đánh bay đại dịch COVID-19”.
“Chúng tôi phải đứng rất gần với người dân để lấy mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng ở vùng hầu họng và ở mũi. Khi lấy mẫu, những động tác này dễ kích thích người dân ho, sặc nên nguy cơ phát tán mầm bệnh là rất lớn. Chúng tôi luôn phải tập trung, nâng cao ý thức để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa đảm bảo tiến độ công việc”, bác sĩ Thuyết chia sẻ.
Bản lĩnh những bác sĩ mang trên mình hai màu áo
Khi đến tâm dịch Bắc Giang, nhìn các nhân viên y tế thức trắng đêm, mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo bảo hộ, tranh thủ từng giây từng phút để lấy mẫu xét nghiệm, có người còn ngất xỉu vì bị quá tải, bác sĩ Bùi Thanh Thuyết và các đồng đội như được tiếp thêm động lực, làm việc hết công suất, tất cả cùng chung tay chiến đấu với dịch COVID-19.
Những cuộc điện thoại của hai cậu con trai cùng lời nhắn nhủ “mẹ hoàn thành nhiệm vụ rồi về với con nhé!” khiến đôi lúc lòng chị chùng xuống. Nhưng rồi, ánh đèn trong các phòng làm việc vào đêm khuya ở đơn vị đã khiến chị thêm vững tâm. Chị hiểu, nhiều đồng chí, đồng đội của mình vẫn miệt mài làm việc, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với màu áo đang mang, xứng đáng với sự hỗ trợ vô điều kiện của người thân, của hậu phương vững chắc và nhất là với sự tin tưởng của Tổ quốc, của nhân dân.
Với vai trò là đội trưởng, bác sĩ Thuyết luôn xác định rõ chức trách nhiệm vụ: Hướng dẫn chính xác cho nhân viên lấy mẫu các kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học và đảm bảo chất lượng mẫu, bảo vệ tối đa bản thân. Vì làm nhiệm vụ đặc biệt, đội lấy mẫu được ở khu vực cách ly làm nhiệm vụ, có đợt tới 2 tháng không ai về nhà. Chị luôn động viên nhân viên tư tưởng, sẵn sàng lắng nghe các chia sẻ, ý kiến, tạo hòa khí vui vẻ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phía sau những lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, các bác sĩ quân y vẫn luôn nở nụ cười, vẫn tràn đầy nhiệt huyết và sự tận tâm không ngừng nghỉ.
Phụ trách kỹ thuật trong Khoa, bác sĩ Bùi Thanh Thuyết cố gắng hoàn thiện, xây dựng quy trình chuẩn cho các kỹ thuật trong Khoa theo các hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cùng lãnh đạo Khoa xây dựng, phát triển các kỹ thuật, Khoa đạt chứng chỉ ISO 15189:2012. Trong nhiều năm liền, chị hăng say nghiên cứu khoa học, học ngoại ngữ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học.
Bác sĩ Thuyết là chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở "Nghiên cứu tình trạng nhiễm khuẩn huyết tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 2010-2013", Thư ký đề tài độc lập cấp nhà nước "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, sinh học phân tử và một số yếu tố liên quan đến nhiễm virus viêm gan E, virus viêm gan D và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán", thành viên của một số đề tài hợp tác.
Bác sĩ Bùi Thanh Thuyết có 10 bài báo trong nước và 4 bài báo quốc tế, hoàn thành khóa học IELTS tại British Council của Bộ Quốc phòng do Bộ Quốc phòng Anh tài trợ. Hiện, bác sĩ Thuyết đang là dự khóa nghiên cứu sinh chuyên ngành truyền nhiễm tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới.
Theo đánh giá của Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Hoàn, Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tá Bùi Thanh Thuyết là một trong số những lãnh đạo trẻ có nhiều năng lực trong chuyên môn cũng như công tác quản lý. Bác sĩ Thuyết luôn chủ động, sáng tạo, linh hoạt và tinh thần trách nhiệm rất cao trong mọi công việc, không nề hà trước bất cứ khó khăn, thử thách nào, sẵn sàng dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất để làm tròn vai trò, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Với những đóng góp của mình cho công tác phòng, chống dịch, Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thanh Thuyết vinh dự được nhận Bằng khen của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Bằng khen của Giám đốc Bệnh viện vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua cao điểm “Đoàn kết, lập công, quyết thắng” và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác.
Bác sĩ Bùi Thanh Thuyết chia sẻ: “Trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch COVID-19, tôi chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong số vô vàn những mảnh ghép để cùng tạo nên một bức tranh hoàn thiện, có sức sống và mạnh mẽ. Còn rất nhiều người đã và đang ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ, hết mình vì công việc chung; có những bữa ăn vội, những đêm thức trắng giành giật với tử thần từng sinh mạng. Còn có biết bao nhiêu người lặng lẽ ở phía sau hỗ trợ chúng tôi mà không cần ai biết đến”.
Dẫu biết con đường phía trước chưa có điểm dừng, dẫu biết có thể còn có cả những mất mát, đau thương nhưng với ý chí và bản lĩnh của người lính, bác sĩ Bùi Thanh Thuyết và các đồng đội có niềm tin sâu sắc rằng, sẽ không có một khó khăn nào có thể cản bước, không có nhiệm vụ nào không thể hoàn thành, như lời chị tâm sự: “chỉ cần quyết tâm đồng lòng, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng”.