Ứng phó với bão số 5: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu bảo đảm an toàn cho người dân
Chiều 17/9, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các thành viên trong Đoàn công tác đã đến kiểm tra tàu thuyền vào Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Đây là một trong những khu neo đậu tránh trú bão có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị với công suất khoảng 500 tàu, thuyền. Trong hai ngày 16 - 17/9, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã huy động lực lượng thông tin, tuyên truyền về cơn bão số 5 để ngư dân chủ động đưa tàu thuyền vào Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt, bảo đảm an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Quảng Trị để sẵn sàng ứng phó với bão số 5; nhấn mạnh trước hết là phải đảm bảo an toàn cho người dân. Do đó, địa phương phải tập trung rà soát tàu thuyền còn ở trên biển, sắp xếp tàu thuyền an toàn tại các khu neo đậu, đưa người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản vào trong đất liền, không để người dân ở lại trên tàu thuyền. Tỉnh chú ý công tác hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, kiên quyết và khẩn trương di dời những hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn cho các công trình đang xây dựng, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học. Đối với các công trình hồ đập, phải vừa đảm bảo an toàn khi có mưa lũ vừa tích nước để phục vụ sản xuất; kịp thời tiêu úng cho vùng thấp trũng để bảo vệ mùa vụ sản xuất; chuẩn bị tốt lực lượng tại chỗ để kịp thời ứng phó khi bão vào.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý, tỉnh cần thực hiện nghiêm việc ứng phó với bão số 5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Để ứng phó với bão số 5, tỉnh Quảng Trị tổ chức di dời sơ tán dân ở 5 vùng gồm: Vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; vùng ngập nước sâu trên lưu vực các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải; vùng lũ quét ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông; vùng sụt lún, sạt lở đất ở các huyện Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa; vùng ngập cục bộ ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Tổng số dân phải di dời sơ tán tránh bão số 5, từ nhà tạm đến nhà kiên cố là trên 94.000 người ở 125 xã, phường, thị trấn. Việc sơ tán dân tránh bão số 5 được tỉnh hoàn thành trước 20 giờ ngày 17/9.
Các địa phương đang tích cực vận động người dân thu hoạch nhanh gọn lúa Hè Thu và hoa màu, không để thiệt hại do mưa bão gây ra. Tỉnh đã dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống bão số 5. Kể từ 8 giờ ngày 17/9, tỉnh Quảng Trị cấm tàu thuyền ra khơi. Học sinh nghỉ học từ ngày 18/9 nhằm đảm bảo an toàn.
Việt Nam đề nghị Malaysia sớm thu xếp cho thăm lãnh sự các ngư dân bị bắt giữ
Ngày 17/9, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan việc 18 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở Malaysia.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Liên quan đến vụ việc xảy ra vào ngày 16/8 vừa qua giữa lực lượng quản lý bờ biển của Malaysia và hai tàu cá Việt Nam làm một ngư dân Việt Nam thiệt mạng, như chúng tôi đã thông tin, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp, trao công hàm gửi Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc nghiêm trọng này; đề nghị các cơ quan chức năng của Malaysia điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nhân viên công vụ đã làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng và không để lặp lại hành động tương tự trong tương lai. Bộ Ngoại giao đã đề nghị phía Malaysia sớm có hình thức hỗ trợ để đưa thi hài nạn nhân về nước theo nguyện vọng của gia đình, đối xử nhân đạo với số ngư dân đang bị bắt giữ và thu xếp cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đi thăm lãnh sự các ngư dân để tìm hiểu thông tin, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Tuy nhiên, đến nay phía Malaysia vẫn chưa thu xếp được cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam thăm lãnh sự. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc này”.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị đề nghị mức án từ 8 - 9 năm tù
Chiều 17/9, theo phân công của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đã trình bày phần luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2008-2011) và 4 đồng phạm.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, quá trình điều tra và xét xử tại tòa đã làm rõ các chứng cứ, chứng minh cáo trạng truy tố các bị cáo đúng người, đúng tội. Cụ thể, khu đất 8-12 Lê Duẩn (Quận 1) có tổng diện tích hơn 4.800 m2, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh quản lý và cho 4 Công ty thuộc Bộ Công Thương thuê. Ngày 20/11/2007, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại.
Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh do Nguyễn Thị Thu Thủy (đang bị truy nã) làm Giám đốc ký văn bản đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho thành lập pháp nhân mới theo hình thức công ty cổ phần, cho phép Công ty Quản lý kinh doanh nhà được huy động thêm nguồn vốn khác để triển khai. Đề xuất này được ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận sau đó.
Lợi dụng mối quan hệ tình cảm từ trước với bị cáo Nguyễn Thành Tài, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm đã có văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà xin được tham gia dự án. Nguyễn Thị Thu Thủy đã ký văn bản giới thiệu Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án và được ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận mà không giao cơ quan có chuyên môn thẩm định kinh nghiệm, năng lực tài chính.
Sau đó, nhóm 4 công ty của Bộ Công Thương đang thuê mặt bằng tại khu đất 8-12 Lê Duẩn đã thỏa thuận với Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Kinh Đô thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần đầu tư Lavenue, đưa bị cáo Lê Thị Thanh Thúy làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Sau đó, các công ty chuyển nhượng cổ phần, dẫn tới khu đất công 8-12 Lê Duẩn rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát hơn 1.927 tỷ đồng cho Nhà nước.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy là đồng phạm có vai trò xúi giục ông Nguyễn Thành Tài để hưởng lợi từ các văn bản mà ông Nguyễn Thành Tài ký nên phải chịu trách nhiệm gần tương đương với bị cáo Tài. Các bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Nam (nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2) và Trương Văn Út (nguyên Phó Phòng quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) dù biết hồ sơ dự án chưa đầy đủ, chưa được phê duyệt, chưa thẩm định... nhưng vẫn đề xuất ký các quyết định vi phạm pháp luật như quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất; quyết định áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án và cho thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn không bán đấu giá tài sản... dẫn đến hậu quả vụ án như trên.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, nhất là trong thời điểm hiện nay các loại tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn diễn biến phức tạp, gây mất lòng tin trong nhân dân đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích trong công tác, có bị cáo đang mắc bệnh hiểm nghèo....
Từ những nhận định trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo mức án: Nguyễn Thành Tài từ 8 đến 9 năm tù; Lê Thị Thanh Thúy từ 7 đến 8 năm tù; Đào Anh Kiệt từ 6 đến 7 năm tù, tổng hợp với bản án trước là từ 12 năm 6 tháng đến 13 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoài Nam từ 5 đến 6 năm tù; Trương Văn Út từ 3 đến 4 năm tù, tổng hợp với bản án trước là từ 8 đến 9 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử hủy bỏ việc giao đất, cho thuê đất số 8-12 Lê Duẩn của Công ty Lavenue, hủy bỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ đã cấp cho công ty này. Ngoài ra, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc ông Nguyễn Thành Tài và bà Lê Thị Thanh Thúy liên đới bồi thường hơn 4,7 tỷ đồng thiệt hại; đề nghị thu hồi số tiền 157 tỷ đồng của Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh; 235,5 tỷ của Công ty Hoa Tháng Năm nộp lại ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Viện Kiểm sát đề nghị tiếp tục kê biên nhiều tài sản là nhà, đất của các bị cáo.
Sau phần luận tội, luật sư của bị cáo Nguyễn Thành Tài đã trình bày phần bào chữa. Ngày 18/9, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.
Ngày 17/9, Việt Nam thêm 3 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 17/9. Việt Nam có thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca cách ly ngay khi nhập cảnh; tổng số mắc hiện là 1.066 ca.
Ca bệnh 1064 (BN1064): bệnh nhân nam, 37 tuổi, có địa chỉ tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ca bệnh 1065 (BN1065): bệnh nhân nam, 41 tuổi, có địa chỉ tại xã Tân Lập, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.
Ca bệnh 1066 (BN1066): bệnh nhân nam, 38 tuổi, có địa chỉ tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ngày 2/9, cả 3 bệnh nhân trên từ Uzbekistan về sân bay Nội Bài trên chuyến bay CHSEJ3569.
Ngày 3-4/9, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả tất cả đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 15-16/9/2020, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả 3 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện 3 bệnh nhân được cách ly, điều trị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở Đông Anh.
Tính đến 18 giờ ngày 17/9, Việt Nam có tổng cộng 1.066 ca mắc COVID-19; trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Các không gian đi bộ Hoàn Kiếm khôi phục hoạt động từ ngày 18/9
Ngày 17/9, quận Hoàn Kiếm chính thức quyết định khôi phục hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn, khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát.
Cụ thể: Tuyến phố Hàng Đào - Hàng Giấy - chợ đêm Đồng Xuân và 6 tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu bảo tồn cấp I - khu Phố cổ Hà Nội hoạt động trở lại từ ngày 18/9, tiếp tục duy trì hoạt động vào 3 tối cuối tuần. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hoạt động trở lại từ ngày 18/9, tiếp tục duy trì hoạt động từ 19 giờ thứ Sáu đến 24 giờ Chủ nhật.
Theo ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được khôi phục hoạt động trở lại bình thường, đảm bảo yêu cầu về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trong và ngoài không gian đi bộ trên địa bàn quận. Các lực lượng chức năng của thành phố, quận Hoàn Kiếm và các phường thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các quy định của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã tạm dừng tổ chức hoạt động của các không gian đi bộ trên địa bàn quận từ ngày 21/8. Như vậy, người dân Thủ đô và du khách có thể tham quan, trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí tại các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm từ ngày 18/9.