Đề xuất giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp năm 2020

Dịch COVID-19 tái phát từ cuối tháng 7/2020 đã khiến 47% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Do đó, Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân đề xuất giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp trong năm 2020 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động

Theo kết quả từ cuộc khảo sát lần thứ ba của Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tiến hành vào tháng 8/2020 về những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong 6 tháng tới, 81% cho biết không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; 72% cho biết phải trả tiền lương, BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, kinh phí công đoàn; 53% cho biết trả tiền vay ngân hàng, 42 - 45% cho biết lo trả tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào, tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng thiết bị…

Theo đó, dịch COVID-19 tái phát từ cuối tháng 7/2020 đã khiến 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể, chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Chú thích ảnh
Người lao động đến làm thủ tục BH thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XC.

Dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn cho các ngành, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường khủng hoảng... khiến doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán, nhưng vẫn phải đảm bảo các khoản chi ngay cho nguyên liệu, nhân công.

Theo khảo sát, ở đợt dịch đầu tiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung, thì bây giờ vấn đề căng thẳng nhất là dòng tiền, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí không có doanh thu, không có khả năng thanh toán...

Điều này ảnh hưởng tới dòng tiền vào của doanh nghiệp khi có tới 76% trả lời hiện không cân đối được thu chi, trong đó 54% có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí, nên phải cắt giảm lao động.

Do đó, làn sóng cắt giảm lao động đã diễn ra trên diện rộng, khi ở đợt dịch đầu tiên đa phần doanh nghiệp đều cố gắng không sa thải lao động. Tác động của đợt dịch thứ hai khiến hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.

Trong đó, 5% doanh nghiệp đã cắt giảm 100% lao động; 15% doanh nghiệp đã cắt giảm từ 75% đến dưới 100% lao động; 13% doanh nghiệp đã cắt giảm từ 50% đến dưới 75% lao động; 10% doanh nghiệp đã cắt giảm từ 25% đến dưới 50% lao động; 4% doanh nghiệp cắt giảm dưới 25% lao động và 27% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm/giảm lương.

Ngành Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do không có khách hàng, theo Hiệp Hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé thì phần lớn sa thải 100% lao động; đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động; đối với các doanh nghiệp du lịch lớn thì mức trung bình sa thải cũng khoảng 40-50% lao động.

Qua phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo Hiệp hội khác, thì việc cắt giảm lao động cũng ở các mức độ khác nhau. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp lớn cắt giảm 30-60% lao động; Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cắt giảm lao động ở các thành viên dao động từ 10-30%...

“Các doanh nghiệp cũng nhìn thấy rõ chi phí cơ hội của việc sa thải hàng loạt nhân sự và chi phí tuyển dụng lại cao, nên đã áp dụng nhiều biện pháp giữ chân người lao động. Tuy nhiên, áp lực của việc đảm bảo dòng tiền chi lương, chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và các khoản phí liên quan tới người lao động trong bối cảnh lượng tiền thực của doanh nghiệp ngày càng mỏng, vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, các khoản thuế… khiến doanh nghiệp hầu nhu không có sự lựa chọn nào ngoài việc cắt giảm mạnh lao động”, báo cáo Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân nêu rõ.

Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp

Trong khi khảo sát cho thấy, có sự suy giảm niềm tin khi được hỏi ý kiến về hiệu quả các chính sách đã ban hành, do thiếu khả năng để được thực thi, dẫn tới kém phát huy hiệu quả, vì thế Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân đề nghị, tới đây các chính sách phải thực sự đưa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên ưu tiên hàng đầu, chính sách nhanh ban hành, nhanh đưa vào thực thi và điều kiện cần phù hợp thực tế.

Chú thích ảnh
Chi trả tiền hỗ trợ cho người dân tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN.

Ngoài ra, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đã kiệt quệ, đổ vỡ, thì nên hướng tới chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra để họ cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu, nhằm duy trì lao động, sản xuất, kinh doanh.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng năm nay. Thực tế, các doanh nghiệp đều chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 không phân biệt quy mô doanh thu. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể đóng cửa tức thì bởi dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp lớn trong nỗ lực duy trì hệ thống đã chịu thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn, ảnh hưởng tiêu cực hơn tới nền kinh tế nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Ngoài ra, Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm tối thiểu 50% các khoản BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang 2021. Cùng đó hoãn thời gian đóng so với các quy định hiện hành, vì đây là dòng tiền rất lớn trong cơ cấu chi của doanh nghiệp.

Miễn đóng phí công đoàn năm 2020 và 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng nhằm củng cố tinh thần doanh nghiệp. Chính sách này nếu được ban hành sẽ là biện pháp hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp duy trì dòng vốn, giảm thời gian với quy trình thủ tục hành chính.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng sau dịch. Bởi, hiện các doanh nghiệp rất cần vốn lưu động duy trì sản xuất kinh doanh, lao động. Việc bỏ thêm 10% thuế VAT và phải đợi tới cuối năm mới được hoàn trả gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.

Với ngân hàng, doanh nghiệp đề xuất mở rộng hình thức vay tín chấp; ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại; khoanh, giãn thời gian trả nợ...

Liên quan tới hỗ trợ giá điện, các doanh nghiệp du lịch và logistics đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian áp dụng giá điện sản xuất cho khu vực này thay vì chỉ áp dụng 5 tháng theo chính sách hỗ trợ hồi đầu năm. Theo tính toán, tiền điện chiếm tỷ trọng cao trong chi phí các khách sạn, nhà hàng dù gần như không hoạt động nhưng vẫn phải duy trì cơ sở ở mức tối thiểu. Còn các đơn vị kho lạnh, chuỗi xuất - nhập khẩu thuỷ sản, rau củ quả..., tiền điện hiện chiếm khoảng 30% chi phí đầu vào, đẩy chi phí logistics lên cao.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng ít nhất hết năm 2021 để giảm áp lực cho doanh nghiệp trong chi trả lương, chi các khoản bảo hiểm và kinh phí khác dựa trên lương. Các bộ, ngành không tăng phí, giá dịch vụ do nhà nước quy định; hạn chế tối đa thanh, kiểm tra.

XC/Báo Tin tức
Tuyên truyền, phát triển đối tượng BHXH với các giải pháp từng nhóm cụ thể
Tuyên truyền, phát triển đối tượng BHXH với các giải pháp từng nhóm cụ thể

Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang nỗ lực vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, BHXH Việt Nam tập trung tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia với các giải pháp theo từng nhóm cụ thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN