Chuyển biến tích cực từ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trước COVID-19, doanh nghiệp sàn gỗ Povar đã chủ động ứng dụng nền tảng số để tăng tính linh động trong giao dịch kinh doanh. Đại diện doanh nghiệp sàn gỗ Povar cho biết, việc kết nối dữ liệu giữa các bộ phận, giảm bước nhập liệu trùng lặp giữa các phòng ban. Khi bộ phận kinh doanh bán hàng nhập dữ liệu lên hệ thống và tự động ghi nhận doanh số vào phần mềm kế toán. Người làm công tác quản lý cũng dễ dàng nắm bắt và ra quyết định nhờ các báo cáo tổng quan hoặc chi tiết của từng bộ phận trên một ứng dụng duy nhất thay vì phải trao đổi, kiểm tra riêng từng phòng ban.
Đây cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang thích ứng chuyển đổi sau dịch COVID-19. Theo khảo sát của Cisco Việt Nam, tại thị trường Việt Nam còn hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Việc chuyển đổi số hóa của các doanh nghiệp Việt sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung và kinh tế số nói riêng.
Dẫn số liệu từ nghiên cứu, lãnh đạo Cisco Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đóng góp tới 30 tỷ USD vào GDP trong 4 năm tới nếu thúc đẩy nhanh quá trình số hóa. Cụ thể, phải có 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa bước vào giai đoạn số hóa thứ 3, tức là có chiến lược ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và chủ động hơn trước những phản ứng của thị trường.
Việc ứng dụng công nghệ số của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực. Năm 2020, có 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường. Đây là một bước nhảy vọt so với con số 32% của năm ngoái; đáng chú ý có 46% cho biết họ thực hiện chuyển đổi do yêu cầu từ phía khách hàng. Từ các doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ số khó khăn nhất là việc thiếu tầm nhìn và tư duy về số hóa và những thách thức trong văn hóa công ty; tiếp theo là việc thiếu các công nghệ thiết yếu và thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng và dữ liệu hoạt động.
Còn theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, sau dịch COVID-19, có tới 90% doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số, quản trị số; tuy nhiên chỉ có 40% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư chuyển đổi số. Nhìn chung, hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ số trên địa bàn Thủ đô còn nhiều hạn chế do doanh nghiệp thiếu tư duy kĩ thuật số, nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin và năng lực tài chính.
Chia sẻ về quản trị chiến lược doanh nghiệp phát triển bền vững, bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch Câu Lạc Bộ Doanh nhân Sao Đỏ cho biết: Hai yếu tố để dẫn đến thành công của doanh nghiệp là văn hóa doanh nghiệp và công nghệ thông tin. Trong đó ứng dụng công nghệ thông tin thời buổi này là áp dụng công nghệ số để quản trị công ty và liên quan mật thiết đến quảng trị hệ thống; quản trị tài chính, quản nguồn nhân lực.
Từ góc độ triển khai ứng dụng công nghệ số tại các doanh nghiệp, bà Định Thị Thúy, Tổng giám đốc MISA cho rằng: Suốt quá trình triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ cho gần 250.000 doanh nghiệp, rào cản lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi số nằm ở nhận thức, ý chí quyết tâm hành động của các lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu lãnh đạo quyết tâm vào cuộc, khi gặp khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng số thì sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ, mặc dù yêu cầu quản trị, vận hành vẫn đầy đủ các mảng từ kế toán đến bán hàng, thuế, hóa đơn điện tử… nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề hơn ở nguồn lực để chuyển đổi số do ngân sách hạn chế và nguồn nhân lực ít.
“Việc áp dụng chuyển đổi số không thể ồ ạt mà tùy từng loại hình, quy mô doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ quan tâm tới kế toán, hóa đơn, liên thông với ngân hàng. Doanh nghiệp vừa và lớn sẽ quan tâm đến sự thống nhất quản trị giữa các khối phòng ban… mỗi bộ phận cần một phần mềm riêng nhưng tất cả cần kết nối thống nhất với nhau. Từ thực tế này, chúng tôi thiết kế nền tảng đáp ứng theo từng nhu cầu từng doanh nghiệp. Cụ thể, với doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ cá thể, chúng tôi có ứng dụng riêng để doanh nghiệp có thể lựa chọn tùy vào ngân sách họ có. Quy mô vừa và lớn có hệ sinh thái quản trị doanh nghiệp hợp nhất, đáp ứng được tính liên kế dữ liệu không chỉ giữa các phần mềm trong nội bộ mà còn liên kết được với các phần mềm khác của đối tác, ngân hàng...", bà Định Thị Thúy chia sẻ.
“Những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ có lợi thế hơn cả trong việc dịch chuyển thích ứng với nền kinh tế số. Với sự nhỏ gọn, doanh nghiệp có thể tận dụng được ngay các nền tảng, công cụ, giải pháp và dịch vụ số để kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng linh hoạt hơn để thích ứng với thay đổi. Vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhất có lẽ là kiến thức, thông tin và kỹ năng sử dụng các nền tảng, dịch vụ số đang có sẵn trên thị trường để phục vụ hoạt động kinh doanh”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet đánh giá.
Tạo lực đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Để thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng: “Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu trên các “công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Việt Nam đã có nhiều điều kiện để vận hành kinh tế số như các hoạt động thương mại điện tử đang có sự phát triển tốt, hạ tầng Internet – viễn thông phát triển ở mức khá, một số mô hình kinh doanh mới cũng đã hình thành và vận hành trong đời sống”.
“Dù vậy, chúng tôi cho rằng có nhiều khía cạnh cần cải thiện để thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam. Đầu tiên là môi trường pháp lý. Mặc dù đã có các Luật, quy định dưới Luật để hướng dẫn cho các hoạt động giao dịch trên Internet, tuy nhiên còn nhiều thành phần cần thúc đẩy như việc ký điện tử, ký số...
Bên cạnh đó, trong mấy năm gần đây, nhiều nỗ lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, với kỳ vọng tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Đây mới chính là động lực phát triển kinh tế số một cách lâu dài. “Tuy nhiên, trên thực tế chưa có nhiều bài học thành công với các mô hình kinh doanh mới, ngoài các trường hợp du nhập từ nước ngoài. Chúng tôi cho rằng nếu nhiều doanh nghiệp thay đổi nhận thức và nỗ lực dịch chuyển, đổi mới hoặc tạo mới mô hình kinh doanh để vận hành tốt trên nền tảng các công nghệ số và Internet, thì cũng tác động lớn đến sự phát triển lâu dài của kinh tế số. Do đó, công nghệ và cơ sở hạ tầng Internet hiện tại không phải là vấn đề. Để có nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam, cần quan tâm đến hành lang pháp lý, dịch chuyển nhận thức và thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi thói quen”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Để phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030 phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển theo định hướng chiến lược Make in Viet Nam, phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Mục tiêu này đang được nhiều doanh nghiệp số mong đợi. “Hy vọng các mục tiêu này được Nhà nước duy trì nhất quán và đưa ra các chính sách hỗ trợ thực sự có hiệu quả, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước dịch chuyển nhanh chóng. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn ở khía cạnh vận hành các mô hình kinh doanh, đổi mới và làm thế nào để tận dụng công nghệ số và Internet hiện có để tạo ra giá trị mới cho khách hàng. Công nghệ, kỹ thuật chắc chắn đóng góp lớn vào tiến trình thay đổi, nhưng quyết định thành công có lẽ lại ở tư duy, nhận thức, mô hình và sự tiếp nhận của khách hàng, người dung” ông Bình chia sẻ.
Còn theo bà Định Thị Thúy, Tổng giám đốc MISA: “Để kích cầu sử dụng sản phẩm công nghệ Việt, các chính sách đề xuất từ phía Nhà nước để kích cầu ứng dụng công nghệ Việt như có chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức từ các doanh nghiệp về việc chuyển đổi số, thay đổi tư duy của các lãnh đạo về việc chuyển đổi số không hề khó, chỉ cần quyết tâm từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó có các gói hỗ trợ chi phí trong việc đào tạo các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể nâng cao kiến thức quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin và các gói hỗ trợ một phần chi phí để doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể trang bị các giải pháp công nghệ thông tin"
Ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 3 trụ cột chính là: Chính phủ số; kinh tế số và xã hội số. Trong đó, quá trình xây dựng 3 trụ cột này có sự tương tác, hỗ trợ nhau. Sự thành công của chuyển đổi số phụ thuộc quan nhất là nhận thức từ người dân, chủ doanh nghiệp. Do đó, nhận thức phải đi trước một bước”.