Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam" 2020 được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có giá trị thực tế góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số; hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Từ đó, giải thưởng với mong muốn sẽ thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số, giải các bài toán Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Nếu không có Make in Vietnam, thì Việt Nam khó có thể trở thành một nước phát triển. Điều thuận lợi của Make in Vietnam là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã từng thiết kế thuê modul hay các sản phẩm trọn vẹn. Nếu nhìn vào thực trạng công nghệ cao của Việt Nam chưa xuất hiện nhiều mà đánh giá không cạnh tranh được với nước ngoài thì sẽ mãi mãi không phát triển được. Ngược lại, cần xem việc chưa có nhiều sản phẩm công nghệ nội địa là cơ hội để phát triển sản phẩm của mình”.
Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam bởi không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam. “Các doanh nghiệp công nghệ số cần chủ động; không trông chờ vào các chính sách, cơ chế mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2020” lần đầu tiên tổ chức mang tầm quốc gia về sản phẩm công nghệ số với quy mô lớn trên toàn quốc, quy tụ mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giới ICT nước nhà. Năm nay, có một điểm đặc biệt là Việt Nam vừa phòng chống COVID-19 vừa phát triển kinh tế. Các sản phẩm công nghệ số phục vụ phòng chống COVID-19 hiệu quả, các nền tảng số hỗ trợ học tập, làm việc, sinh hoạt trên môi trường số sẽ được quan tâm xem xét. “Phần thưởng lớn nhất của giải thưởng này là Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối thị trường, xây dựng khung pháp lý thuận lợi, kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước để các sản phẩm công nghệ số có thị trường rộng lớn hơn và đi xa hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Còn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Doanh nghiệp tham gia giải thưởng không mất phí và sẽ được quảng bá rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu sử dụng của chính doanh nghiệp Việt Nam đồng thời quảng bá, giới thiệu ra thế giới.
Đại diện ban tổ chức cho biết, các sản phẩm tham dự giải thưởng sẽ được đánh giá công khai, minh bạch theo 2 tiêu chí chung: Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam; Giải các bài toán Việt Nam.
Giải thưởng được trao cho 5 hạng mục: Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc; Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc; Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số (Thành thị - Nông thôn, Người yếu thế, Hạn chế mặt trái của công nghệ số) và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.
Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, đã được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam.
Thời gian nộp hồ sơ tham gia giải thưởng: Từ ngày 20/8 đến ngày 20/10/2020. Việc nộp hồ sơ tham gia thông qua hình thức online tại địa chỉ: makeinvietnam.mic.gov.vn
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ số đoạt giải sẽ được nhận Cúp, Giấy chứng nhận đạt giải thưởng; được phép quảng bá, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và thành tích của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, được đại diện cho ngành công nghệ thông tin - truyền thông tham gia các cuộc thi và Giải thưởng chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế khác.