Biển xâm thực - nỗi lo thường trực mùa mưa bão
Tỉnh Quảng Trị có 75 km bờ biển, trong đó có 6 km bờ biển bị xâm thực sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất, cơ sở hạ tầng và an toàn của hàng trăm hộ dân. Biển xâm thực cũng khiến bờ biển bị biến dạng, thay đổi theo hướng tiêu cực.
Biển xâm thực đang khiến bãi biển ở Quảng Trị biến dạng. |
Xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, có 6 km bờ biển, trong đó có khoảng 1 km thường xuyên bị biển xâm thực trong mùa mưa bão. Biển xâm thực đang khiến công trình kè bờ biển và bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc dài 500m bị sạt lở nghiêm trọng, "ăn" sâu vào đất sản xuất, đất ở, ảnh hưởng đến 250 hộ sinh sống trong khu vực và các công trình khác.
Ông Nguyễn Như Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, cho biết mùa mưa bão đến là biển động mạnh, sóng cao từ 5 - 7m dồn dập đánh vào bờ, ảnh hưởng đến đất sản xuất và các công trình.
Bờ biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là đoạn từ thôn Mạch Nước đến thôn Đông Luật; biển xâm thực lấn sâu vào đất liền gần 100 m, ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê biển đoạn qua địa phương này.
Thời gian gần đây, người dân ở hai xã ven biển Trung Giang và Gio Hải thuộc huyện Gio Linh cũng lo lắng trước tình trạng biển xâm thực ngày càng mạnh. Theo ghi nhận, biển xâm thực đang khiến bờ biển ở các địa phương này bị xói lở, ảnh hưởng đến dân sinh và đường quốc phòng. Biển xâm thực cũng khiến những cây phi lao trồng để bảo vệ bờ biển trơ gốc rễ, có nguy cơ gãy đổ, gây mất rừng phòng hộ.
Trong khi đó, hai cửa biển Cửa Tùng và Cửa Việt bị biển xâm thực mạnh từ nhiều năm qua, ảnh hưởng đến các bãi tắm, giao thông đường thủy, khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Theo khảo sát, nếu như năm 2008 luồng vào Cửa Tùng sâu 3,1m, thì nay nhiều chỗ chỉ còn sâu từ 0,8m - 1,2m. Tình trạng bồi lấp do biển xâm thực ở vùng biển Cửa Tùng cũng diễn biến phức tạp, luồng lạch thay đổi liên tục khiến tàu thuyền đi lại khó khăn, nhất là tàu cá của ngư dân không thể ra khơi. Bên cạnh đó, bãi tắm Cửa Tùng nổi tiếng một thời với bãi cát mịn trải dài gần 1 km, sau hơn 10 năm bị biển xâm thực đã thu hẹp và xói lở nghiêm trọng.
Bà Lê Thị Hương, một người dân sinh sống ở khu vực bãi tắm Cửa Tùng cho biết, biển xâm thực khiến bãi tắm Cửa Tùng bị thu hẹp và dần mất vẻ đẹp vốn đó. Do đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch ngày càng khó khăn hơn.
Mất cả đất và nhà vì bờ sông sạt lở
Người dân thôn Bích La Thượng, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, thường kể cho nhau nghe câu chuyện từng phải bỏ nơi ở cũ bên bờ sông Thạch Hãn, để đến nơi ở mới ngày nay cách chỗ ở cũ khoảng 1.000 m.
Bà Lê Thị Diên, 82 tuổi, thôn Bích La Thượng, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, kể lại: Người dân thường chọn nơi sinh sống ven sông Thạch Hãn, do gần nguồn nước, sau mưa lũ có phù sa bồi đắp nên cây trồng tươi tốt. Nhưng bờ sông Thạch Hãn sạt lở nhanh đã làm mất đất sản xuất, mất cả nhà cửa, cực chẳng đã người dân phải di dời đi chỗ khác.
Một đoạn sông Thạch Hãn bị sạt lở. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 1.200m, khiến 60 hộ dân phải di dời khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn.
Bà Ngô Thị Hiền, 63 tuổi, sinh sống ven sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ đã 30 năm, cho biết trước đây bờ sông Thạch Hãn còn cách vị trí hiện nay đến 8m. Nay bờ sông Thạch Hãn sạt lở đã vào sát nhà ở. Bờ sông Thạch Hãn còn bị sạt lở nghiêm trọng đoạn qua phường An Đôn, thị xã Quảng Trị; đoạn qua các xã Triệu Thượng, Triệu Giang, Triệu Đông, Triệu Độ thuộc huyện Triệu Phong; xã Gio Việt huyện Gio Linh.
Tương tự, bờ sông Bến Hải đoạn qua các xã: Trung Sơn, Trung Giang thuộc huyện Gio Linh; Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp. Bờ sông Ô Lâu ở huyện Hải Lăng bị sạt lở nặng đoạn qua các xã: Hải Chánh, Hải Sơn. Bờ các sông Hiếu, Nhùng, Vĩnh Định, Sa Lung… cũng có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Tổng chiều dài sạt lở bờ của các con sông ở Quảng Trị đã lên đến hơn 105 km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 18 km, sạt lở nguy hiểm hơn 48 km, sạt lở bình thường trên 39 km.
Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho thấy, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân ở 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị, thành phố, với tổng số 2.364 hộ; trong đó có 597 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm khi cách mép sông chỉ dưới 20m.
Bờ các con sông bị sạt lở nghiêm trọng là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lũ lụt diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát, sỏi ở lòng sông, cùng với tác động của con người, nhất là xây dựng các công trình ảnh hưởng đến dòng chảy.
UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, sạt lở bờ sông trong những năm qua diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ xói lở nhanh và khu vực sạt lở thường xuyên thay đổi. Tình trạng xói lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người dân, tài sản, các công trình, di tích văn hóa lịch sử, đất thổ cư và sản xuất nông nghiệp…