Thực trạng này đòi hỏi phải nhanh chóng có những giải pháp có tính căn cơ, dài hạn trước khi đồng bằng Sông Cửu Long biến mất...
Đường vành đai Bảo Thuận - An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đang thi công bị triều cường làm hư hỏng nặng. |
Nguy cơ sạt lở đất
Kết quả phân tích hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, gần 90% chiều dài 600 km đường bờ của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hiện tượng xói lở. Trung bình mỗi ngày vùng này mất đi một diện tích tương đương 1,5 sân bóng đá do tình trạng xói lở và hoạt động khai thác cát vô tội vạ đang diễn ra.
Một trong những nguyên nhân khiến phá vỡ sự cân bằng đường bờ biển và khu vực các cửa sông chính là tình trạng khai thác cát quy mô lớn ở lòng sông Mêkông khiến mất đi rất nhiều trầm tích lắng đọng. Sự sụt giảm nguồn cung trầm tích do quá trình khai thác cát quy mô lớn đã dẫn tới thiếu hụt trầm tích ven bờ, gây ra hiện tượng xói lở bờ biển.
Ở 13 địa phương vùng ĐBSCL hiện có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ cát dọc sông Cửu Long. Theo các nhà khoa học, với tốc độ khai thác cát quá mức như hiện nay, dự báo toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa.
Theo thống kê, từ năm 2008 - 2012, hàng năm, lượng trầm tích bị khai thác vào khoảng 27 triệu m3, trong đó 86% là cát. Tốc độ khai thác này cao hơn khoảng 20 lần so với lượng bùn cát ước tính sông Mêkông bồi lắng hàng năm.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, trong khoảng 10 năm (từ 1998 - 2008) lượng bùn cát ở đáy sông Hậu và sông Mỹ Tho mất đi khoảng 200 triệu m3. Hoạt động khai thác khoáng sản này đã tạo ra nhiều lạch và hố sâu trong lòng sông, nhiều chỗ sâu tới 15m, sâu hơn cao trình đáy của các nhánh sông tự nhiên tại Campuchia, đặc biệt là ở Việt Nam đã có lạch sâu nhất tới 45m.
Hiện tượng sụt lún nhanh còn bị ảnh hưởng do việc khai thác nước ngầm. Tốc độ sụt lún diễn ra mạnh nhất ở phần Tây Nam của ĐBSCL, là vùng chủ yếu là đầm lầy và bùn, dễ bị lún. Vùng có tốc độ lún tương đối cao, trên 1,5cm/năm tập trung ở khu vực bờ biển giữa Bạc Liêu và mũi Cà Mau. Đây cũng là vùng có tốc độ xói lở cao nhất ở ĐBSCL.
Không chỉ “mất đất trên số liệu” mà người dân các tỉnh, thành nằm sống ven sông Tiền và sông Hậu đang rất lo lắng về nguy cơ mất cồn và sạt lở bờ sông, vì nhiều vùng đất gắn bó với cuộc sống người dân sông nước lâu nay đang chìm dần vào lòng sông.
Một trong những địa danh khá nổi tiếng là cồn Cả Đôi nằm giữa sông Hậu, Cần Thơ. Cồn Cả Đôi từng rộng trên 20 ha, trải dài hơn 4 km, được bồi đắp phù sa từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về. Vùng đất đai phì nhiêu này từng là nơi canh tác nông nghiệp của người dân các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp... Những năm 90 cồn vẫn còn khoảng 6 ha, nhưng vài năm trở lại đây dòng nước đã xóa sạch, không còn chút dấu tích nào.
Liền kề cồn Cả Đôi là cồn Tân Lộc cũng đứng trước nguy cơ biến mất. Vài năm trở lại đây, hàng nghìn mét đất của khu cồn này đã trôi theo con nước. Năm 2015, cồn rộng hơn 3,3 nghìn ha, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, hàng chục ha đất cồn đã bị sạt lở, cuốn trôi. Người dân sinh sống ở phía vành ngoài cồn Tân Lộc đã phải nhiều lần dịch chuyển sâu vào bên trong để tránh lở đất. Nhiều hécta hoa màu bị cuốn trôi khiến người dân không chỉ bị thiệt hại về kinh tế mà còn luôn lo lắng, bất an trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Khu vực vùng đầu nguồn miền Tây, tình trạng sạt lở cũng diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều vùng cù lao như Long Phú Thuận, cù lao Tây thuộc huyện Hồng Ngự và Thanh Bình, Đồng Tháp, cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang... trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra sạt lở. Riêng tỉnh Đồng Tháp hiện đã có hơn 2.100 hộ nằm trong vùng sạt lở, hàng nghìn hộ dân tỉnh An Giang cũng đang sống trong vùng sạt lở nguy hiểm nhưng chưa được di dời vào nơi an toàn.
Thống kê về tình trạng sạt lở bờ biển cho thấy, vùng bờ biển các tỉnh phía đông như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu lượng bồi đắp, lấn ra biển chỉ chiếm 22% diện tích, trong khi có đến 48% khu vực bờ biển có biểu hiện thoái lui do bị biển lấn. Riêng khu vực biển Tây thuộc vùng bán đảo Cà Mau hiện có tới 70% diện tích có chiều hướng thoái lui, trung bình 12,2 m/năm.
Từ năm 2008 đến nay có 80% đường bờ biển, kể cả biển Đông và biển Tây đều bị sạt lở. Trung bình mỗi năm có gần 305 ha rừng phòng hộ bị mất do biển xâm thực. Trong đó ở biển Tây có 3 đoạn sạt lở ở cấp độ nguy hiểm với tổng chiều dài 32.100 m, thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh tỉnh Cà Mau.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, mỗi năm sạt lở đã "ngốn" đến 500 ha đất của miền Tây. Hiện ĐBSCL có 265 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài 450 km; 200 km bờ biển cũng trong cảnh tương tự, mức độ ăn sâu vào đất liền 30 - 40 m mỗi năm. Dự báo đến năm 2050, có khoảng một triệu người ở miền Tây bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất.
Triều cường làm sạt lở nhà cửa tại ấp Cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre. |
Thảm họa từ thủy điện
Với tốc độ tan rã nhanh như hiện nay, các nhà khoa học nhận định, ĐBSCL có thể biến mất trong khoảng trăm năm tới. Vì rằng ĐBSCL được kiến tạo bởi phù sa từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL đón nhận khoảng 160 triệu tấn phù sa, chủ yếu được tải về từ thượng nguồn trong mùa lũ.
Để hình thành nên ĐBSCL như hiện nay, quá trình bồi lắng phù sa phải diễn ra trong khoảng từ 4.000 - 6.000 năm. Nhưng với việc ngăn dòng làm thủy điện ồ ạt như hiện nay phía thượng nguồn, các đập thủy điện đã giữ lại trên 50% lượng phù sa, và khi hệ thống các đập thủy điện này đi vào hoạt động, sẽ giữ lại khoảng 90% lượng phù sa tự nhiên rót về vùng này.
Cùng với việc khai thác cát không kiểm soát đang diễn ra, hệ thống đập thủy điện sẽ làm trầm trọng thêm sự xói lở hiện có ở ĐBSCL. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với kịch bản xây dựng 38 đập thủy điện trên toàn bộ thượng nguồn sông Mêkông, tỷ lệ giảm lượng trầm tích tích lũy cho vùng đồng bằng có thể lên tới 96%. Sự vận hành của tất cả các dự án thủy điện dự kiến trên sông Mêkông sẽ làm tăng lượng trầm tích bị giữ lại trong các hồ chứa từ 11 - 12 triệu tấn/năm lên 70 - 73 triệu tấn/năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập về môi trường, hiện nay trên dòng sông Mêkông các nước đang ráo riết xây đập thủy điện, khiến lượng phù sa đổ về ĐBSCL sẽ bị giảm mạnh giai đoạn này khoảng 50%. Trong khi đó, nguồn nước sông không đổ về mạnh, bị sóng biển lấn lên khiến ĐBSCL có nguy cơ biến mất chỉ trong vòng 100 năm tới...
Một trong những hệ lụy khác từ việc xây dựng các đập thủy điện là tình trạng không còn mùa lũ tự nhiên, khiến vùng đất ĐBSCL bị biến dạng, môi trường, hệ sinh thái thay đổi, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Cả ĐBSCL đang bị tổn thương nghiêm trọng, biển xâm thực và ngày càng lấn sâu. Tại các tuyến sông Tiền và sông Hậu tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra khiến cho đồng bằng sông Cửu Long bị biến dạng về diện tích.
Theo TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, ĐBSCL hình thành là nhờ lũ và lũ cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Trước đây nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn ra biển do lượng phù sa bồi đắp từ thượng nguồn sông Mêkông đổ. Nhưng nay thì ngược lại vì lũ ít nên lượng nước từ sông đổ về không đủ nên biển xâm thực càng mạnh. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15 m, có nơi đến 50 m. Cùng với đó là hàng trăm hécta rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...
Chính vì lũ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của miền Tây, tham gia kiến tạo vùng đất này, nên khi không có phù sa bồi đắp nữa, đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng nặng nề, nguồn lợi tôm cá sụt giảm mạnh. Đặc biệt, hiện tượng lún sụp, sạt lở và tan rã dần, dẫn đến xóa sổ một số địa phương có thể trong vài trăm năm, nhanh hơn nhiều so với quá trình hình thành.
Cũng theo các nhà khoa học, ngoài những tác động tiêu cực, gây biến dạng vùng đất này, các dự án thủy điện cũng có tác động tiêu cực đáng kể đối với nông nghiệp và thủy sản. Giá trị kinh tế của thủy sản tự nhiên vùng hạ lưu sông Mêkông ước tính từ 1,4 - 2 tỉ USD/năm. Nếu các đập được xây dựng, sự thiệt hại về thủy sản trực tiếp ở khu vực có thủy điện ước tính 476 triệu USD/năm, chưa bao gồm thiệt hại dây chuyền ở ĐBSCL và thủy sản biển.
Không chỉ dừng lại ở thiệt hại về mặt kinh tế mà nguồn dinh dưỡng cung cấp cho hàng chục triệu người dân trong lưu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn dinh dưỡng này khó có thể thay thế.
Theo phân tích của TS. Tuấn, ba trụ cột kinh tế của vùng ĐBSCL là nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ. Dịch vụ ở vùng này cũng là dịch vụ phục vụ nông nghiệp và thủy sản. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ mất tất cả các trụ cột kinh tế của ĐBSCL, mất môi trường và... mất tất cả vì thủy điện.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Điều phối viên Quốc gia Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam: Giám sát chặt chẽ việc xây dựng thủy điện Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng sẽ mang lại những tác động lớn tới sinh kế và môi trường của cộng đồng người dân sinh sống ở hai lưu vực và toàn bộ khu vực sông Mêkông. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này (các đập thủy điện ở dòng chính thượng lưu sông Mêkông và hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL) có thể đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nếu có những đánh giá rõ ràng về tác động của nó tới môi trường - xã hội và đưa ra được những giải pháp tối ưu để áp dụng và giảm thiểu những tác động tiêu cực tới con người và môi trường thuộc khu vực sông Mêkông. Vì an ninh nguồn nước đã trở thành một vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các quốc gia nằm ở khu vực hạ lưu sông Mêkông, nên tất cả các kế hoạch và thông tin về xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông và hệ thống thủy lợi ở vùng châu thổ sông Mêkông cần phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có sự tham gia của chính phủ, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng người dân địa phương. Các bên liên quan này cần phải tham gia vào các giai đoạn khác nhau của quá trình lập kế hoạch, thực hiện, vận hành và giám sát xây dựng các con đập thủy điện. Tất cả các bên cần phải được tham vấn một cách minh bạch, tất cả các bước vận hành cần phải được thảo luận và mọi thông tin cần phải được chia sẻ trước khi bắt đầu xây dựng. GS Pou Sovachana, Phó Viện trưởng Viện Hợp tác và Hòa bình Thái Lan, Campuchia và Việt Nam: Quan ngại về việc xây dựng thủy điện trên dòng sông Mêkông Các tranh cãi liên quan đến các dự án phát triển thiếu trách nhiệm trên sông Mêkông ngày càng rõ ràng và kịch liệt hơn, khi mà Trung Quốc và các quốc gia khác ở khu vực hạ lưu sông Mêkông trở nên quyết tâm hơn trong việc xây dựng các kế hoạch thủy điện khổng lồ. Các kế hoạch này có khả năng phá hoại sông Mêkông, kéo theo các hậu quả xã hội và môi trường nghiêm trọng về sinh kế, từ đó gây mất an ninh nội tại và giữa các quốc gia trong khu vực. Nếu không có giải pháp thích hợp để đảm bảo việc sử dụng và quản lý thích hợp tài nguyên nước ở sông Mêkông, các căng thẳng - hoặc thậm chí mâu thuẫn - có thể xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân, làm mất ổn định hòa bình và sự ổn định từng quốc gia nói riêng và toàn khu vực nói chung. Ông Brian Eyler, chuyên gia về Mêkông, Phó Giám Đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson, Hoa Kỳ: Nhiều ảnh hưởng tác động đến an ninh lương thực và sinh kế Trong tất cả những lý do để xây dựng đập thủy điện trên dòng chính, thì nhu cầu năng lượng đang tăng lên nhanh chóng ở khu vực bị lu mờ đi khi tính đến những mất mát về đa dạng sinh học, ảnh hưởng của chúng đến an ninh lương thực và sinh kế, cũng như những thất thiệt đối với sự hợp tác và ổn định trong khu vực. Đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của Ban thư ký Ủy hội sông Mêkông quốc tế ước tính rằng nếu tất cả mười một con đập được xây dựng, chúng có thể đáp ứng tổng cộng không quá 6 - 8% nhu cầu điện của toàn bộ vùng lưu vực sông Mêkông vào năm 2025 theo quy hoạch. Hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Thái Lan và Việt Nam có thể dễ dàng tiết kiệm được lượng điện năng nhiều ngần đấy bằng những chương trình nâng cao hiệu quả của năng lượng. Nói cách khác, xét về tác động đối với thủy sản, thay thế việc xây dựng đập thủy điện mang tính thương mại cơ hội chủ nghĩa và thiếu phối hợp bằng một phương thức có phối hợp và cân bằng giữa phát triển năng lượng với bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và sinh kế có thể mang lại một sự khác biệt rất đáng kể. |