Nỗ lực đầu tư an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau

Ngày 28/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đại diện các sở, ngành thành phố đã có buổi làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Sở đã chủ động, linh hoạt, đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các nhiệm vụ; trong đó tập trung hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Theo đó, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 152.000 người, đạt 100% kế hoạch, tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội cuối năm 2017 là 2,44%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,12%, đạt mục tiêu thành phố đặt ra. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã tuyển sinh và đào tạo cho 195.993 lượt người, đạt 115% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp nghề chiếm 25,4%, sơ cấp nghề và dưới 3 tháng chiếm 74,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,66%. Thành phố đã giảm được 15.181 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,68%, đạt 112,3% kế hoạch đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,69%...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch trên. Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với huyện Ba Vì (Hà Nội) xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Ba Vì đến năm 2020.

Sở phối hợp với các Sở Y tế, Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công chương trình “Vòng tay nhân ái”. Thông qua chương trình đã hỗ trợ 21 tỉnh khác với tổng số tiền 13,84 tỷ đồng; vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo ở thành phố với số tiền 50,3 tỷ đồng…

Tại chương trình, Chủ tịch UBND của các huyện thuộc Hà Nội đã ký cam kết hoàn thành hỗ trợ nhà ở hộ nghèo trước ngày 17/10/2018. Đến nay, toàn thành phố đã có 3.219/4.341 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 7,41% kế hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công cho 19.500 trường hợp; chi trả trợ cấp cho người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên 880 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm 2018, Sở sẽ tổ chức sơ kết giữa kỳ phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; phối hợp với Bưu điện thành phố, Sở Tài chính trình UBND thành phố đề án chi trả chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội qua bưu điện.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị thành phố Hà Nội cho phép trẻ em mồ côi cha (hoặc mẹ) thuộc hộ nghèo vào chăm sóc tại Làng trẻ em Birla, Làng trẻ em SOS để các em được chăm sóc, hỗ trợ học tập đầy đủ, có cơ hội tìm việc làm, thu nhập ổn định khi trưởng thành.

Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận, phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã đạt được thời gian qua, góp phần quan trọng ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo ngày càng tốt hơn cho người dân, nhất là người có công, đối tượng chính sách, trẻ em, người cao tuổi.

“Đây là các lĩnh vực mà thành phố không tiếc nguồn lực để đầu tư, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.


Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cần tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 còn dưới 1%.

Nhấn mạnh đến việc cần có giải pháp cụ thể hơn mới có thể hoàn thành được chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố trong năm nay, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động, bởi Hà Nội là một trong những thị trường lao động rất lớn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý, một đầu tàu kinh tế, trung tâm về lao động như Hà Nội mà lại có năng suất lao động thấp là khó chấp nhận. Do đó, thành phố cần đầu tư mạnh hơn nữa, không thể bằng lòng với những kết quả đã đạt được.

Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục cải cách hành chính; đồng thời nâng cao thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong ứng xử với nhân dân vì ngành Lao động -Thương binh và Xã hội thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân, nhất là các đối tượng thương bệnh binh, người có công.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cần nghiên cứu, học tập thêm mô hình cai nghiện, quản lý tệ nạn xã hội hiệu quả của các tỉnh, thành phố khác để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này.

Văn Cảnh - Ngọc Ánh (TTXVN)
Nghỉ việc sau 35 tuổi: Tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội
Nghỉ việc sau 35 tuổi: Tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội

Tình trạng lao động nghỉ việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) khi đến độ tuổi 35 đang diễn ra và sẽ tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN