Lao động thất nghiệp đến đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại Đông Anh (Hà Nội).
|
Tuy nhiên mức độ như thế nào thì đến nay vẫn chưa có báo cáo đánh giá tổng thể để từ đó các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng này.
Bị sa thải khi hết “sung sức”
Chị Hồng Hạnh, xã Kim Chung (huyện Đông Anh), 35 tuổi đến sàn giao dịch việc làm vệ tinh Đông Anh (Hà Nội) tìm việc sau một thời gian nghỉ ở nhà. Chị Hồng Hạnh chia sẻ: “Trước đây, tôi làm việc tại công ty tại khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, sau đó do bị luân chuyển vị trí làm việc và cảm thấy không đáp ứng được công việc nên đã xin nghỉ việc”.
Theo chị Hạnh, các doanh nghiệp thường căn theo hợp đồng lao động, nếu hết hợp đồng và cảm thấy không có nhu cầu tiếp thì họ sẽ thông báo không ký tiếp. Nếu là hợp đồng dài hạn thì phương cách họ hay áp dụng là luân chuyển sang những vị trí không thích hợp để tạo áp lực cho người lao động tự xin nghỉ việc.
Tương tự, anh Đức Long, làm cơ khí tại doanh nghiệp trong KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội lĩnh bảo hiểm thất nghiệp cho biết: “Tôi vừa nghỉ làm tại doanh nghiệp do cảm thấy công việc không còn phù hợp với sức khỏe. Nay đến độ tuổi gần 40 nên cũng muốn làm công việc mang tính tự chủ hơn”.
Theo thống kê, độ tuổi lĩnh bảo hiểm thất nghiệp từ 25 - 40 tuổi tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTBXH Hà Nội) trong năm qua chiếm hơn 80%. “Còn con số lao động nghỉ tại các KCN do bị sa thải trong độ tuổi này thì chưa có số liệu chính xác do theo quy định hiện nay không có mục yêu cầu người lao động khai báo doanh nghiệp đó ở đâu, miễn có quyết định nghỉ việc và đóng BHXH sẽ được giải quyết chế độ thất nghiệp. Do đó trong thời gian tới, Cục Việc làm nên bổ sung phần mềm có tính năng này để phân tách số liệu”, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.
Trong khi đó, theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nguyên nhân khiến lao động nhận BHXH thất nghiệp gia tăng do bị mất việc, nhiều người phải nghỉ việc ở độ tuổi 35 - 40. Khi đời sống khó khăn, những lao động này không còn thiết tha với BHXH nên phải lĩnh BHXH 1 lần, tức là gần 1 năm mới lĩnh chế độ và sẽ không có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Theo thống kê, mỗi năm đang có khoảng 700.000 người xin làm thủ tục BHXH hưởng chính sách trợ cấp 1 lần, đồng nghĩa với việc họ xin ra khỏi hệ thống BHXH. Ông Lê Đình Quảng khẳng định, số người rút bảo hiểm xã hội một lần đang gia tăng, trong 5 tháng đầu năm 2018 có gần 300.000 người rút BHXH 1 lần, trong đó riêng tháng 5 có gần 60.000 người. Đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng người lao động từ khoảng 35 - 40 tuổi bị sa thải. Đây cũng là vấn đề rất nóng xảy ra thời gian gần đây mà người lao động lẫn các nhà hoạch định chính sách, cơ quan bảo hiểm đều rất quan tâm.
Các khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động gần đây khẳng định việc sa thải người lao động từ trên 30 tuổi là có thật. “Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa đi khảo sát tiền lương tối thiểu tại Công ty Minh Phú ở tỉnh Hậu Giang, doanh nghiệp này có khoảng 15.000 lao động nhưng 4 năm qua chỉ có vài người về hưu theo đúng độ tuổi, còn lại nghỉ trước 35 tuổi với trợ cấp thất nghiệp. Đây là thông tin do chính Tổng giám đốc công ty này cung cấp cho đoàn. Tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản... nhiều lao động phải nghỉ trước tuổi, thậm chí là nghỉ việc quá sớm ở tuổi 35 - 40”, ông Lê Đình Quảng thông tin.
Có hai lý do, một là vì đến tuổi 35 - 40 thì người lao động không thể đứng làm việc ở môi trường đó được nữa, họ phải tự thôi việc. Hai là một số doanh nghiệp tìm mọi cách để vận động người lao động thôi việc vì càng thâm niên thì phải trả lương cao, tiền đóng BHXH cũng cao hơn. Trong khi đó, muốn tăng ca tăng kíp với những người lớn tuổi rất khó. Những lao động ở lứa tuổi trên 35 tuổi khi thôi việc ở doanh nghiệp, khu vực có quan hệ lao động thì rất khó tìm việc ở nơi khác và thường làm việc ở khu vực phi chính thức nên không có tiền để tiếp tục tham gia BHXH, do đó họ muốn nhận trợ cấp BHXH 1 lần. “Việc rút khỏi hệ thống BHXH sẽ tác động lớn đến chế độ an sinh sau này”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
Trước đó, Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) có khảo sát mẫu tại một số nơi cũng đã ghi nhận tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Cũng theo kết quả khảo sát này, sau khi bị sa thải, đa phần người lao động làm công việc tự do, buôn bán, công việc nội trợ gia đình, làm ruộng và bán hàng rong. Đặc biệt, đối với lao động nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...
Mới đây khi trả lời đại biểu Quốc hội về tình trạng người lao động nói chung và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI nói riêng có xu hướng thất nghiệp ngày càng tăng, nhất là khi đến tuổi 35, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng không có chuyện các doanh nghiệp FDI sa thải số người tuổi 30 - 35 với tỷ lệ lớn.
Khu vực FDI có khoảng 2,68 triệu người lao động đang làm việc. “Trong đợt đối thoại với doanh nghiệp, Bộ đề nghị các doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội. Bình quân mức lương hiện nay tại các tập đoàn lớn khoảng 5,5 triệu đồng/tháng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Đào tạo lại nghề cho công nhân
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, người có nhiều năm phụ trách mảng lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, hiện chưa có bất cứ cuộc khảo sát mang tính tổng thể nào về lao động trên 35 tuổi bị nghỉ việc tại các KCN. Một số khảo sát công bố gần đây chỉ mang tính cục bộ tại một số địa phương, lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện tượng này đang diễn ra tại một số doanh nghiệp.
“Việc sử dụng hay sa thải là do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Theo cơ chế thị trường, trong quá trình sản xuất, nếu có lợi nhuận cao, doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thu hút lao động, ngược lại, khi sản xuất khó khăn, họ có thể phải thu hẹp sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp gặp những biến động, khó khăn về thị trường phải thu hẹp sản xuất lại, lúc đó buộc họ phải sa thải lao động. Đây là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường lao động”, ông Phạm Minh Huân cho biết.
Việt Nam đang dần bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, máy móc sẽ dần thay thế sức lao động của con người. Trong khi đó, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam trong những năm qua thường sử dụng nhân công giá rẻ như may mặc, thủy sản, lắp ráp điện tử... nên quá trình sa thải những lao động có năng suất lao động kém hơn sẽ càng diễn ra mạnh mẽ. “Do đó, giải pháp tầm vĩ mô là cơ cấu lại nền kinh tế với những ngành nghề đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và phải đào tại lao động. Tại nhiều nhà máy, lao động làm theo dây chuyền chỉ biết 1 thao tác và sẽ rất khó trụ lại khi doanh nghiệp cơ cấu, áp dụng công nghệ mới nên để thích ứng phải đào tạo nghề. Đó là lý do khi soạn thảo Luật Việc làm, Bộ LĐTBXH đề xuất tăng kinh phí đào tạo nghề cho người thất nghiệp nhưng chỉ chưa đến 5% người thất nghiệp tham gia học nghề”, ông Huân nhận định.
Giải pháp trước mắt kêu gọi doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cùng khi chuyển đổi công nghệ. “Tại tổ hợp Samsung Việt Nam đang hỗ trợ đào tạo và tạo điều kiện cho 1.986 công nhân học chương trình cao đẳng. Trong đó, 555 người đã tốt nghiệp và khi tốt nghiệp xong họ nâng lương cho những người này, mức tăng thêm là 977.000 đồng/người/tháng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự án về tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân, người lao động FDI khi thất nghiệp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đào tạo, chuyển nghề cho người lao động khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất mà nguy cơ người lao động phải thay đổi hoặc không có việc làm.
Một số tổ chức phi chính phủ như Plan International Việt Nam đang triển khai dự án “Tạo việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội” giai đoạn năm 2016 - 2019 với mục tiêu khoảng 4.000 phụ nữ và thanh niên nhập cư được cung cấp thông tin và đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sẵn sàng làm việc, đào tạo nghề và kết nối với doanh nghiệp; trong đó có khoảng 150 phụ nữ và nữ thanh niên được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ mô hình do chính phụ nữ lên kế hoạch thực hiện.
“Các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh thành cũng cần nỗ lực đưa ra các cách để giúp những người thất nghiệp trở lại với thị trường lao động. Về phía người lao động cũng năng động hơn với cơ chế thị trường như hiện nay như tự học tập, thích ứng với môi trường mới”, ông Phạm Minh Huân nhận định.