Cần tạo hành lang pháp lý bảo vệ nhân viên y tế
Đối với lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đầu tư cho ngành Y tế ít, còn tình trạng trạm y tế của xã, phường gần trung tâm thành phố, thị xã, đầu tư trang thiết bị, nhưng rất ít được sử dụng trong khi vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh và ở tuyến Trung ương. Dự toán chi từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2018 dành cho Bộ Y tế hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng 4 tháng đầu năm mới chỉ thực hiện được 110,8 tỷ đồng, tương đương 2,4%. Đại biểu cho rằng, lĩnh vực đầu tư y tế giải ngân thấp như vậy thì hiệu quả trong giai đoạn tới sẽ kém. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất buôn bán thuốc, dược phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn còn tình trạng thuốc giả, thuốc lậu, thuốc kém chất lượng và một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội như vụ thuốc Vinaca quảng cáo thuốc hỗ trợ và điều trị ung thư nhưng được sản xuất từ bột than tre.
Theo đại biểu, các vụ tấn công cán bộ y tế trong bệnh viện gây bức xúc, tâm lý lo lắng đối với ngày y tế, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. “Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng thực ra tấn công cán bộ y tế, là người đang điều trị cho bệnh nhân, có nghĩa là đã tước đi quyền được điều trị của các bệnh nhân kế tiếp. Nếu không quan tâm đến vấn đề này, để sự việc ngày càng phức tạp, sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị giữa các bác sỹ và bệnh nhân”, đại biểu Nguyễn Phước Lộc nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) mong muốn, vụ Vinaca cần được xử lý nghiêm để có tính răn đe đối với những trường hợp khác vì sau đó đã tiếp tục phát hiện những vụ thuốc giả khác. “Sức khỏe, tính mạng của người dân đang bị đe dọa bởi những con người vụ lợi và mất đạo đức này”- đại biểu nêu.
Cần tạo ra hành lang pháp lý, cơ chế bảo vệ cán bộ nhân viên y tế. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đều cho rằng, hiện nhân viên y tế rất thiệt thòi, không có cơ chế bảo vệ. Nêu ví dụ từ vụ xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại biểu Phong Lan cho rằng “nếu có tiêu cực trong việc sử dụng nước và những thiết bị đó thì ai là người hưởng lợi? Không thể là bác sỹ điều trị dưới khoa mà ở các cấp lãnh đạo, cấp khoa, cấp bệnh viện, giám đốc công ty trang thiết bị”. Đại biểu Anh Trí nêu vụ việc đang nổi lên là vụ 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình tử vong, hiện vụ án đang có tình tiết mới, cần được quan tâm giải quyết phù hợp.
Về cơ chế đãi ngộ cho cán bộ y tế, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đối với ngành y, bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, yếu tố quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực, tuy nhiên, đến nay, không thấy có đề xuất chính thức của Bộ Y tế về cơ chế đãi ngộ cho cán bộ y tế. Đại biểu mong muốn mức lương của bác sỹ bằng nhân viên bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 1083 của Quốc hội khóa XIII về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018. Nêu thực tế, các nhân viên y tế đang phải “chân trong chân ngoài”, thậm chí rời bỏ hệ thống y tế công lập để ra làm việc tại hệ thống y tế tư nhân với mức lương gấp mấy chục lần khu vực công lập. “Chúng ta kêu gọi bác sỹ phải thể hiện y đức nhưng chúng ta phải tạo môi trường để người ta phải thể hiện được y đức đó và người ta phải nuôi được gia đình, bản thân, có tích lũy”, đại biểu nêu.
Cần xử lý nghiêm các vụ vi phạm an toàn thực phẩm
Về vấn đề an toàn thực phẩm, nêu ví dụ về vụ vỏ cà phê trộn lõi pin, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần có đầu mối cơ quan chịu trách nhiệm về thông tin tuyên truyền, đầu mối về chuyên môn tránh tình trạng báo chí đưa tin giật gân khi chưa có kiểm định, gây thiệt hại cho thương hiệu, người nông dân, như trước đã từng có những vụ việc, nước mắm, chè Thái Nguyên... “Để xây dựng một thương hiệu rất khó nhưng phá rất dễ. Về góc độ quốc gia, không có ai đứng ra để trả lời và đưa ra những thông tin chính xác; cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nào, hiện giờ vẫn còn tình trạng ba bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Công Thương, Y tế? Cần làm rõ điều này vì có thể trong thời gian tới sẽ có nhiều vụ việc tương tự xảy ra. Những thông tin về nông sản bẩn như thế này chính là con sâu làm rầu nồi canh và chúng ta bị thua ngay trên sân nhà”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Ban Quản lý an toàn thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ hơn một năm nay. Khó khăn lớn nhất của toàn ngành chứ không chỉ riêng Ban, đó là việc thực hiện chính sách pháp luật không nghiêm. Tuy nhiên, quan điểm của đại biểu cho rằng: “Nếu báo cáo nào cũng lặp đi lặp lại chính sách pháp luật không nghiêm vậy thì ai là người làm ra chính sách pháp luật đó, trách nhiệm đó là của ai, chính là của Quốc hội; nếu ở mức độ nghị định, thông tư thì là trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành. Cách chúng ta xây dựng, tiếp cận luật về quan lý an toàn thực phẩm không giống bất cứ đất nước nào khi đợi tính thiệt hại nhưng các vụ việc về thuốc cũng chưa chắc thiệt hại ngay chứ chưa bàn đến các vụ về thực phẩm”.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Báo cáo giám sát của Quốc hội, trong hai năm chỉ có một vụ vi phạm an toàn thực phẩm bị chuyển qua hình sự, đồng thời xử vi phạm hành chính cũng rất khó. Ví dụ, vụ phát hiện hơn 4 nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần nhưng theo Nghị định 90 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, những con heo này không bắt buộc tiêu hủy mà chỉ phạt hành chính 30-35 triệu đồng nếu hàm lượng thuốc an thần không vượt quá ngưỡng an toàn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, từ trước đến nay không có ngưỡng này vì chưa có tiền lệ xảy ra những vụ việc như vậy. Do đó, nếu chiểu theo luật, tất cả lực lượng thú y, quản lý an toàn thực phẩm, không có thẩm quyền tiêu hủy các sản phẩm vi phạm.
“Nếu không tiêu hủy thì mức phạt 30-35 triệu đồng không có ý nghĩa gì với lô heo hơn 1 tỷ đồng như vậy. Do đó cần phải xem lại cách tiếp cận luật, phải bắt tay vào sửa đổi luật”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề xuất ; các bộ, ngành cần sửa đổi nghị định, thông tư; nếu cần thì sửa đổi Luật An toàn thực phẩm.
Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí đi vào thực chất
Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), cử tri rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là vấn đề rất quan trọng. “Một dự án nhỏ ở vùng cao thôi nhưng thất thoát lãng phí bằng cả đóng góp của một đảng bộ huyện trong 150 năm. Do đó báo cáo về phòng chống tham nhũng phải rõ nét, chứ chung chung thế này bà con không yên tâm”, đại biểu Hoàng Văn Hùng nói.
Đồng quan điểm, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, đối với vấn đề phòng, chống tham nhũng, vấn đề cần quan tâm nhất là thu hồi tài sản tham nhũng. “Muốn thu hồi được thì phải phát hiện kịp thời, nghĩa là phát hiện sớm các hành vi vi phạm để xử lý, còn để tẩu tán hoặc khi pháp lý ở mức mà chúng ta không xử lý được thì không thu hồi được. Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao phát hiện kịp thời, có giải pháp ngăn chặn để răn đe”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định .
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng: “Bên cạnh phòng, chống tham nhũng, chúng ta cần nhận diện rõ “kẻ thù” không kém phần nguy hiểm là lãng phí. Hậu quả của nó thậm chí còn nặng nề hơn tham nhũng. Có rất nhiều hình thức lãng phí, trong đó có loại “vô hình” như lãng phí thời gian, cơ hội, xuất phát từ sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức”. Đại biểu đề nghị phải có chế tài thích hợp để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất.
Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Hà Nội) đánh giá: Hầu như trong báo cáo của Chính phủ không có mục nào đề cập đến vấn đề lãng phí, lãng phí đến đâu, lãng phí trong lĩnh vực nào, nhận diện vấn đề lãng phí như thế nào. Xét khía cạnh tính hợp lý trong phát triển đô thị của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến, hầu hết chính quyền ở đô thị cấp phép xây dựng rất nhiều chung cư, dự án nhà ở; trong quá trình đó chỉ tính đến vấn đề thu ngân sách từ các dự án, nộp ngân sách địa phương nhưng không tính đến bài toán mật độ dân cư khu vực đó quá lớn dẫn đến cơ sở hạ tầng quá tải gây tắc đường, kẹt xe, gây lãng phí rất lớn cả về thời gian, nguồn lực, chi phí vận hành máy móc, nhiên liệu...
Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị một số giải pháp chống lãng phí. Theo đó, cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý vĩ mô, xác định được lĩnh vực nào là mũi nhọn để có những ưu tiên và kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phù hợp, đem lại lợi ích tốt nhất. Bên cạnh đó, làm tốt công tác dự báo; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí hành chính, cương quyết cắt bỏ các giấy phép "con", "cháu" gây cản trở phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, quản lý chặt chẽ tài sản công, thường xuyên có báo cáo xác thực, kịp thời vấn đề thu và chi, đặc biệt là vấn đề chi; tăng cường tiết kiệm và chống lãng phí, cân đối sự phát triển theo xu hướng cung - cầu. Trong vấn đề an sinh xã hội, cần tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, tránh lãng phí thời gian của người dân và lực lượng chức năng.