Những thách thức về an ninh môi trường - Bài cuối: Đề xuất những giải pháp khả thi

Để giảm thiểu những thách thức về an ninh môi trường, các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất một số giải pháp khả thi.

Trước hết là cần xây dựng Bộ Tiêu chí và xác định Bộ Chỉ số an ninh môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách. Công cụ này giúp cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách để đánh giá, kiểm soát mức độ an ninh môi trường ở nước ta và quản lý rủi ro hiệu quả. 

Chú thích ảnh
Trung tâm Ứng phó sự cố an toàn môi trường Việt Nam SOS dùng phao quây kết hợp với giấy thấm dầu, chất thấm dầu phân hủy sinh học để tiến hành thu gom làm sạch. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Bộ Tiêu chí an ninh môi trường là cơ sở để đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an ninh môi trường ở Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin từng tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt được cho các nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách để đưa ra các giải pháp thúc đẩy, hoàn thiện chính sách. Bộ Chỉ số là công cụ giúp các nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách kiểm soát được vấn đề môi trường ở Việt Nam và đưa ra các chính sách, giải pháp ngăn chặn, ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo an ninh môi trường.

 Giải pháp thứ hai là xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, giải pháp, cơ chế ngăn ngừa, ứng phó, đảm bảo an ninh môi trường ở Việt Nam. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm quản lý hiệu quả, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển bền vững. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, cần loại bỏ những quy định không phù hợp, chưa đầy đủ hoặc gây cản trở hoạt động của cơ quan bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vấn đề an ninh môi trường và các công cụ đánh giá, kiểm soát mức độ an ninh môi trường ở Việt Nam. Từ đó đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp, có tính khả thi cao, nhằm đảm bảo an ninh môi trường, phát triển bền vững. Sớm nghiên cứu và xây dựng dự án Luật Biến đổi khí hậu. Trước mắt nghiên cứu lồng ghép các tiêu chí về môi trường và biến đổi khí hậu trong dự án Luật Quy hoạch đang được Quốc hội và Chính phủ xem xét.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài như nguồn vốn, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý... Bởi an ninh môi trường là vấn đề toàn cầu, chính vì vậy đòi hỏi sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức trên thế giới để ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu. Đối với vấn đề an ninh nguồn nước, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hợp tác trong Uỷ hội sông Mê Công quốc tế; lồng ghép các vấn đề quản lý, chia sẻ lợi ích nguồn nước, ngăn chặn đẩy lùi các hình thức ô nhiễm xuyên biên giới vào trong khuôn khổ các hợp tác song phương, đa phương, khu vực.

Giải pháp thứ tư là chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, xử lý ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời nghiên cứu phát triển các loại năng lượng sạch thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… đảm bảo an ninh năng lượng, giảm áp lực năng lượng thủy điện.

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có vấn đề an ninh môi trường. Tăng cường áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp cũng là giải pháp nên kiên trì thực hiện. Mặt khác, giải quyết một cách hài hoà, đồng bộ mối liên hệ giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội. Cần thay đổi tư duy phát triển, nhất là của một số địa phương khi quá chú trọng thu hút đầu tư nhưng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm có thể xả trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý.

 Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng; nghiêm cấm, kiểm soát chặt chẽ du nhập các sinh vật ngoại lai xâm hại vào Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch, cấp phép trong hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực, bộ máy của các cơ quan dự báo khí tượng, khí hậu, đồng thời phải lồng ghép, tính đến yếu tố biến đổi khí hậu vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình của Trung ương cũng như của địa phương.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Học viện Chính trị Công an nhân dân cho rằng, để chủ động làm giảm nhẹ các nguy cơ đe dọa an ninh về môi trường, phải gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường. Cần làm thay đổi thái độ, hành vi của con người trong nhận thức về môi trường và an ninh về môi trường, từ đó thúc đẩy mọi người tự nguyện tham gia bảo vệ môi trường. Nhất là đẩy mạnh giáo dục văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên cho nhân dân. Điều đó nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc cần thiết phải ứng xử đúng đắn với môi trường tự nhiên.

Đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý; tạo dư luận xã hội lên án các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã; nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Hiện nay ở các trường bậc tiểu học và trung học cơ sở chưa có môn học riêng về môi trường tự nhiên, nên nội dung văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên chưa trở thành hệ thống kiến thức đầy đủ. Môn giáo dục công dân tuy có bài giảng về chủ đề môi trường và phát triển bền vững, nhưng nội dung còn khô cứng, khó hiểu. Để đạt được hiệu quả giáo dục cao, cần kết hợp giáo dục xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên với các hoạt động ngoại khóa.

Tăng cường xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường là giải pháp cần thiết đối với mọi đối tượng. Ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, cả trong sản xuất và trong sinh hoạt do nhiều hành vi khác nhau, vì vậy phải có những chế tài đủ mạnh để có sức răn đe. Nên xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để hình thành ý thức, thái độ và hành vi ứng xử có văn hóa với môi trường tự nhiên, tạo thành hành vi mang tính tự giác, tự nguyện của con người trong mối quan hệ với tự nhiên. Việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường phải được thực hiện thường xuyên ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, ở các mức độ vi phạm khác nhau, các chủ thể khác nhau theo hướng ở đâu có hành vi vi phạm thì ở đó cần phải có những biện pháp xử phạt đúng mức.

Văn Hào (TTXVN)
Những thách thức về an ninh môi trường - Bài 3: Chất thải gia tăng, rừng tự nhiên suy giảm
Những thách thức về an ninh môi trường - Bài 3: Chất thải gia tăng, rừng tự nhiên suy giảm

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh có xu hướng ngày càng tăng nhanh, nhưng số lượng được thu gom xử lý còn rất hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN