Sản xuất gạch không nung từ xỉ than tại Nhà máy của Công ty cổ phần Mãi Xanh (Tuy Phong, Bình Thuận) giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Hiện nay, an ninh môi trường đã trở thành vấn đề của thế giới và của
chính Liên hợp quốc, nhưng ít người biết rằng an ninh môi trường có
xuất phát điểm từ việc Mỹ rải chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam.
Báo cáo Thiên niên kỷ của Hội đồng châu Mỹ của Liên hợp quốc xác định,
an ninh môi trường là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi
trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên
nhân trong nước hay xuyên quốc gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Bảo vệ
Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Hai mảng trọng yếu về an ninh môi
trường ở Việt Nam là tự diễn biến hòa bình và đối diện với chiến tranh
sinh thái. Các hoạt động tự diễn biến hòa bình như phá rừng, xả thải
không kiểm soát, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, không kiểm soát tốt sinh
vật ngoại lai, vô hiệu hóa đánh giá tác động môi trường, nhập khẩu chất
thải dưới dạng phế liệu, lãng phí và ô nhiễm nguồn nước, tranh chấp đất
đai và nguồn nước, phát triển ồ ạt nhiệt điện than, nhập công nghệ lạc
hậu. Chiến tranh sinh thái dioxine, hồ đập trên thượng nguồn sông Mekong
và sông Hồng, tàn phá hệ sinh thái biển Đông, thu mua nông sản kỳ quái,
thực phẩm độc, khoai tây ghẻ, chuột Hamster…
Những nguyên nhân xã hội của an ninh môi trường là do nhận thức chưa
đủ mức về môi trường, chiến tranh sinh thái, quản lý nhà nước về môi
trường thiếu hiệu quả, quan điểm phát triển kinh tế cực đoan. Tiến sĩ
Nguyễn Đình Hòe kiến nghị cần hoàn thiện cơ cấu pháp lý về an ninh môi
trường, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường, phòng chống
tham nhũng và lợi ích nhóm để ngăn chặn hiểm họa tự diễn biến hòa bình
về an ninh môi trường, tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế về tình
báo môi trường, phản gián môi trường, tăng cường năng lực ứng phó với
chiến tranh sinh thái, tăng cường giáo dục truyền thông về an ninh môi
trường cho cộng đồng, phát huy chức năng giám sát môi trường của các tổ
chức xã hội.
Cho rằng những sự cố môi trường ảnh hưởng đến an ninh môi trường
thực sự, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề xuất, Bộ
Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với các hiệp hội, hội, doanh nghiệp,
các tổ chức xã hội đưa những quy định về quản lý môi trường, thực thi
môi trường, công nghệ bảo vệ môi trường đến với cuộc sống.
Vai trò của truyền thông và cộng đồng rất quan trọng trong vấn đề
bảo vệ an ninh môi trường. Nhà báo Phùng Quang Chính (Hội Bảo vệ Thiên
nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng, thông tin trên mạng xã hội hết
sức phong phú nhưng bên cạnh những thông tin bổ ích, còn có vô số những
thông tin, hình ảnh có nội dung sai lệch, thiếu khách quan, thiếu kiểm
chứng khoa học, thậm chí có những thông tin không kịp thời, mất thời cơ
xử lý, nhất là những thông tin về thiên tai, sự cố, hiểm họa môi trường
gây thiệt hại lớn cho xã hội. Và cuộc “chạy đua” truyền thông giữa mạng
xã hội và báo chí chính thống đã và đang xảy ra. Để phát huy những mặt
tích cực và tiện tích của mạng xã hội, đồng thời hạn chế những mặt tiêu
cực trong lĩnh vực truyền thông này, cần đảm bảo an ninh môi trường phải
tăng cường các hoạt động nâng cao dân trí và phải đổi mới phương thức
quản lý về lĩnh vực thông tin truyền thông.