Kết nối các tổ chức chính phủ và phi chính phủ chung tay bảo vệ môi trường

Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường.

Ngày 9/8, tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường” do Tổng cục Môi trường tổ chức, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, vấn đề cần quan tâm là kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với địa phương, với các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học để đồng hành giải quyết các vấn đề về môi trường, trong đó có việc tham gia tư vấn, phản biện về chính sách bảo vệ môi trường, các thông tin về môi trường trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài nhận định, môi trường đang là vấn đề nóng, bùng phát các vụ việc. Thực tế cho thấy, thời gian qua sự cố môi trường ảnh hưởng trên diện rộng. Theo đó, Tổng cục đang triển khai theo hướng thiết lập đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương để tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời các vấn đề môi trường, có sự hướng dẫn của ngành ở địa phương để khi xảy ra sự cố môi trường có sự phối hợp, ứng phó kịp thời; khoanh vùng đối tượng để chủ động phòng ngừa các sự cố môi trường. Bộ, ngành liên quan tham mưu để sửa đổi luật, hoàn thiện thể chế, có cách thức để giám sát, kiểm tra, điều tiết vĩ mô nhằm hạn chế, xử lý nhanh hơn các sự cố môi trường.

Theo Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nên có chế độ thi đua, các hình thức khen thưởng đối với các thành viên, hội viên ưu tú trong các tổ chức và tổ chức xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường để thúc đẩy các tổ chức tham gia bảo vệ môi trường.

Đề xuất giải pháp về tăng cường phối hợp và trách nhiệm của các bên trong tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường đến 2020, các đại biểu cho rằng, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 cũng đã bổ sung thêm điều 145 quy định trách  nhiệm và quyền của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Bởi vậy, cần hoàn thiện khung pháp luật và chính sách về tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội nói chung, cũng như liên quan đến các tổ chức xã hội trong giám sát bảo vệ môi trường nói riêng, nhằm đảm bảo sức mạnh của các tổ chức xã hội trong phát huy vai trò giám sát xã hội về bảo vệ môi trường.


Có chế độ khuyến khích, hỗ trợ ở cấp cơ sở, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng. Các tổ chức xã hội nên tập trung vào tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa lĩnh vực ưu tiên, quan tâm như khoáng sản, thiên nhiên, nước, sông ngòi, ao hồ, động vật hoang dã… Có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các tổ chức xã hội với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu độc lập để cung cấp luận cứ khoa học vững chắc, thuyết phục cho hoạt động tư vấn chính sách liên quan đến môi trường.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Xem xét giải pháp bảo vệ môi trường trong dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận
Xem xét giải pháp bảo vệ môi trường trong dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN