Đó là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm an ninh môi trường do Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường SOS tổ chức sáng nay (16/8), tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, an ninh môi trường đóng vai trò là điều kiện tiên quyết của phát triển bền vững, là thành phần của an ninh quốc gia, đây là vấn đề an ninh phi truyền thống.
Các khách mời tham dự tọa đàm. |
Theo ông Tuấn, phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột là phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Để tăng cường nhận thức vấn đề này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã định nghĩa an ninh môi trường là sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm họa có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh.
Trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều nguy cơ có thể tác động đến an ninh môi trường Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta đang trong giai đoạn “tích tụ ô nhiễm” đối với khá nhiều các tác nhân nguy hiểm như dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, sự phát thải các hóa chất công nghiệp có tính độc hại cao; quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa; chất thải, khí thải xuyên biên giới...
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ rõ, tại Việt Nam thời gian gần đây đã xuất hiện các vấn đề an ninh môi trường lớn như: Hạn hán, xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; vụ ô nhiễm biển gây cá chết hàng loạt ở miền Trung năm 2016; nhiều vụ việc về tranh chấp nguồn nước giữa các nhóm cộng đồng, các tỉnh và quốc gia...
“Suy thoái và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi đã và đang là những vấn đề cấp bách, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng, tác động nhiều đến kinh tế - xã hội. Điều này gây các nguy cơ về trật tự an toàn xã hội khi người dân mất điều kiện sống, việc làm, cạnh tranh sinh tồn trở nên khắc nghiệt, tội phạm gia tăng, các vấn đề an sinh xã hội, tạo gánh nặng cho nhà nước và xã hội”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các nhà khoa học, một thời gian dài, vấn đề an ninh môi trường ở Việt Nam chưa được xem xét và đánh giá đúng mức. Theo PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, vấn đề an ninh môi trường đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014 nhưng thời gian tới, trong các báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hay địa phương cần có nội dung đề cập về an ninh môi trường. Cùng với đó, cần tính tới ban hành Chiến lược quốc gia về an ninh môi trường với tầm nhìn dài hạn, hướng tới phát triển bền vững và tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Vacne), ông Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, cần sớm xây dựng một tổ chức phù hợp, chuyên trách về an ninh môi trường và nên là Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng phải liên kết chặt chẽ với các bộ ngành khác. Nhanh chóng ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần thiết về an ninh môi trường, kể cả việc bổ sung kế hoạch xây dựng Luật về an ninh môi trường trong kế hoạch Quốc hội ngay trong nhiệm kỳ 2016 – 2020. Đặc biệt, phát huy vai trò cộng đồng trong bảo đảm an ninh môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, an ninh môi trường là khái niệm khá mới nhưng Việt Nam đã dần tiếp cận được vấn đề này. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức xã hội làm sao đưa những quy định quản lý môi trường, thực thi luật, công nghệ môi trường đến với cuộc sống. Cùng với đó, sẽ sớm ban hành các quy định, văn bản luật liên quan về vấn đề này.