Những tác động
Theo cập nhật của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo dòng chảy bình quân của sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 5 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện ở thượng nguồn và hạ lưu vực Mekong sẽ có tác động tích cực đến giảm xâm nhập mặn trong tháng 5. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các chuyên gia cảnh báo điều này sẽ gây ra một số nguy cơ lâu dài cho đồng bằng.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, nước sông Mekong mùa khô năm 2022 cao hơn bình thường do các đập thủy điện trên sông Mekong tích nước nhiều trong mùa mưa năm 2021. Đến cuối năm 2021, 45 đập đã gần đầy nước. Sang mùa khô năm 2022, lượng nước này được các đập xả ra để phát điện làm cho dòng chảy mùa khô trên sông Mekong cao hơn bình thường. Điều này gây ra bất thường về quy luật, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái thuộc lưu vực sông Mekong.
Việc tích nước trong mùa lũ năm 2021 làm cho dòng chảy nước lũ yếu đi, không còn sức mạnh tải bùn cát, phù sa về đồng bằng. Do thiếu phù sa, thiếu cát sẽ gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này. “Phù sa, bùn cát về được Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là nhờ dòng chảy mạnh vào tháng 7,8,9. Từ nay, các đập làm cho dòng chảy lũ trong các tháng này yếu đi, không còn đủ mạnh để tải phù sa nữa. Đặc biệt là cát rất khó di chuyển về Đồng bằng sông Cửu Long vì cát rất nặng, chỉ di chuyển ở đáy sông. Dòng chảy yếu sẽ không tải nổi nữa”, ông Thiện phân tích.
Cùng với đó, mùa lũ có nguy cơ biến mất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không có lũ, đất đai sẽ dần bạc màu, mất nguồn thủy sản tự nhiên vào mùa nước nổi. Đồng thời, khi các đập xả nước từng đợt trong mùa khô khiến mực nước biến động bất thường, tạo ra những tín hiệu giả của dòng sông, làm cho hệ sinh thái rối loạn. "Ví dụ, nước dâng lên bất thường trong mùa khô sẽ khiến cá, tôm tưởng mùa nước lũ đã tới nên bơi ngược dòng để sinh sản, khi mùa nước thật đến, chúng không sinh sản được nữa", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nói.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng, việc nước sông Mekong dâng cao trong mùa khô cũng sẽ gây khó cho chính người dân vùng ven biển. Trong mùa khô, nông dân ở các địa phương ven biển cần nước mặn để nuôi trồng thủy sản, trong khi nước ngọt về nhiều sẽ đẩy mặn ra xa. Hiện tượng nước sông lên cao bất thường sẽ làm rối loạn hệ sinh thái, đảo lộn quy luật mùa khô - mùa mưa.
Ông Lý Văn Bon, nông dân có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi cá bè trên sông Hậu, ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) chia sẻ, những năm gần đây, ông quan sát thấy nguồn nước sông Hậu đã có nhiều thay đổi rất bất thường: nước lớn nhanh mà nước ròng cũng rất nhanh. Ông Bon cho rằng, dòng chảy của con sông đã thay đổi nên những kinh nghiệm của những người sống nghề sông nước như ông không còn chính xác như trước nữa.
Mùa mưa ở Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dự báo ảnh hưởng của hiện tượng La Nina tiếp tục kéo dài đến tháng 5 sau nghiêng về trung tính, trong năm 2022, dự báo xuất hiện mưa sớm. Trong tuần đầu tiên của tháng 5, mưa xuất hiện nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long với lượng mưa bình quân khoảng 60-80 mm. Đặc biệt, có nơi mưa rất to với lượng trên 140 mm.
Theo cơ quan chuyên môn, việc gia tăng xả nước từ thủy điện ở thượng nguồn và hạ lưu vực sông Mekong sẽ góp phần giảm xâm nhập mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo xâm nhập mặt tháng 5 có xu thế giảm dần, với ranh mặn 1g/l trên sông Vàm Cỏ sâu 55-65 km, sông Hàm Luông 40-50 km, các cửa sông khác 30-45 km...
Trong nhiều tuần qua, mực nước đo được tại các trạm này Chiang Saen (Thái Lan), Kratie (Campuchia) - hai trạm có ảnh hưởng đến nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long, đều cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Gần đây nhất, mực nước đo được hôm 12/5 tại Kratie ở mức 9,05 m, cao hơn trung bình nhiều năm 2,18 m và cao hơn nhiều mùa khô gần đây. Tại trạm Chiang Saen, mực nước đạt 3,59 m, cao hơn trung bình nhiều năm 1,48 m. Còn dung tích Biển Hồ khoảng 2,24 tỷ m3, cao hơn trung bình nhiều năm 0,62 tỷ m3 và cao hơn nhiều mùa khô từ năm 2016 đến nay.
Tại Việt Nam, mực nước tại trạm Tân Châu (sông Tiền) đạt 1,33 m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,23 m. Tại Châu Đốc (sông Hậu), mực nước là 1,45 m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,26 m. Tại các trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) và Cần Thơ (sông Hậu), mực nước cũng cao hơn trung bình nhiều năm...
Với các yếu tố trên, cơ quan chuyên môn cho biết, nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay hiện ở mức thuận lợi hơn với năm 2020-2021. Xâm nhập mặn ở tháng 5 có xu thế giảm dần. Các khu vực ven biển, cửa sông vẫn có thể ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là vào những ngày triều cao.
Để phòng tránh các thiệt hại do hạn mặn gây ra đối với các khu vực sản xuất vụ Hè Thu cách biển 20-25 km, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đề nghị các địa phương cần phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước ao, ruộng… Lưu ý, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng…), người dân cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới.