Hợp tác phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng sông Mekong

Sáng 15/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường chính sách công - Đại học Tokyo tổ chức Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn”.

Chú thích ảnh
Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn”.

Diễn đàn là cơ hội để cùng nhau nhìn lại bối cảnh tác động tới hợp tác phát triển năng lượng tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS); nhìn nhận lại một số vấn đề  gây ảnh hưởng tới việc xây dựng chính sách năng lượng bền vững trong tiểu vùng. Từ đó, khuyến nghị một số chính sách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản và gia tăng đóng góp vào phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ khá nhanh. Đảng và Chính phủ cũng đặt những mục tiêu quan trọng; trong đó, có tăng trưởng kinh tế trong thập niên tới. Theo đó, nhu cầu sử dụng năng lượng là rất lớn và có xu hướng liên tục tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu này một cách bền vững, Việt Nam đang nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng khác nhau, chứ không chỉ dựa vào các nguồn hóa thạch hay nguồn lợi thủy điện.

“Việt Nam cũng cần nhìn nhận tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng một cách bền vững ở khu vực GMS và đã thường xuyên, chủ động trao đổi với các quốc gia thành viên. Trong quá trình đó, chúng tôi đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ tích cực của các đối tác ở cả trong và ngoài khu vực GMS”, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, hợp tác của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng gồm: Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia , Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Khu vực này được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn trong Asean. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của Asean và Asean +, các nước ở khu vực GMS cũng đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại – đầu tư cho đến phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực và môi trường…; trong đó, năng lượng là một lĩnh vực quan trọng, gắn kết mật thiết với quá trình hợp tác và phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Dù đều được dự báo sẽ cần thêm năng lượng trong thập niên tới, các nước ở khu vực GMS sẽ khó có thể phát triển bền vững và hiệu quả nếu chỉ xây dựng chính sách năng lượng một cách độc lập, không hài hòa với nhau. Chính ở đây, khu vực GMS vẫn cần gia tăng hợp tác nhằm hướng tới một chính sách năng lượng bền vững và hài hòa ở cấp vùng.

Ngài Fukunari Kimuara, Khoa Kinh tế, Đại học Keio cho rằng, tiểu vùng sông Mekong được đánh giá là tiểu vùng thành công nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo nhanh trong 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển trong khu vực vẫn còn rộng. Theo đó, các vấn đề về phát triển bền vững khác như: quản lý nguồn nước và môi trường nói chung đang trở thành những vấn đề cấp bách trong tiểu vùng…

TS. Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, các quốc gia tham gia vào cơ chế hợp tác tiểu vùng  (ngoại trừ những đối tác chính bên ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản và Hòa Kỳ) đều có năng lực kinh tế khiêm tốn và phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ bên ngoài.

Cùng với đó, hiệu quả thực thi của một số cơ chế hoặc sáng kiến còn thấp; quá nhiều cơ chế hợp tác chồng chéo và trùng lắp các lĩnh vực, nội dung ưu tiên. Một số cơ chế sử dụng dự án của đối tác khác, dẫn đến những con số ảo và không phản ánh chính xác thực tế hợp tác trong khu vực

Đảm bảo an ninh năng lượng rất quan trọng, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM đề xuất, Việt Nam cần đảm bảo cơ cấu năng lượng cân bằng hơn nữa; tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu năng lượng ở mức độ hợp lý; đồng thời, thúc đẩy thảo luận thực chất hơn về năng lượng và phát triển bền vững với các nước GMS…

Theo Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh, trong lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản có nhiều dư địa để gia tăng hợp tác với các nước GMS. Bên cạnh việc tham gia các dự án năng lượng phù hợp, Nhật Bản còn có nhiều kinh nghiệm trong việc theo dõi đánh giá tác động cũng như việc xây dựng các kế hoạch, biện pháp xử lý các rủi ro liên quan đến các dự án này. Chẳng hạn kinh nghiệm xử lý hậu quả và phục hồi sau khủng hoảng Fukushima, xảy ra đúng 10 năm trước đây, vẫn còn lưu tâm với nhiều nước GMS. Với việc doanh nghiệp Nhật Bản đang hiện diện nhiều hơn các nước GMS, một chính sách năng lượng bền vững của khu vực này cũng mang lại nhiều ý nghĩa cho Nhật Bản…

Tin, ảnh: Thúy Hiền  (TTXVN)
Thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa
Thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa

Tối 19/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (1989-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-2019).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN