Nói về sự đổi thay của mảnh đất này không thể không kể đến mồ hôi, xương máu và trí tuệ của những người chiến sĩ Điện Biên, những người trực tiếp viết nên trang sử hào hùng Ðiện Biên Phủ.
Năm 1949, cũng như bao thanh niên khác, chàng trai Nguyễn Hữu Chấp rời quê hương Phú Thọ lên đường nhập ngũ. Đến năm 1952, ông tham gia chiến dịch Tây Bắc và sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là khẩu đội trưởng cối 82 ly, đại đội 290, tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 – đơn vị nhận mệnh lệnh khai hỏa mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong trận khai hỏa, với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Him Lam, khẩu đội của ông đã không quản khó khăn, vất vả ròng rã nửa tháng đào hào từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam.
Ngày ấy, ông và đồng đội từng chia nhau hớp nước, nắm cơm, suốt nhiều ngày đêm phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt thiếu khí thở, ngột ngạt và mong sao đến gần quân Pháp. Cuối cùng, tâm nguyện đó đã trở thành hiện thực khi khẩu đội của ông nhận lệnh khai hỏa, tác chiến cùng đồng đội vào 17 giờ, ngày 13/3/1954.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp kể lại, khi chưa đánh, thực dân Pháp đe dọa và tuyên truyền Him Lam là cánh cửa thép bất khả xâm phạm, Điện Biên Phủ là cối xay thịt. Quân đội Việt Minh đừng dại đánh vào đây, nếu đánh vào sẽ không còn cơ hội quay về với gia đình, với vợ con nữa. Bởi vậy, khi tiêu diệt hoàn toàn quân địch tại cứ điểm Him Lam đã làm nức lòng, động viên toàn quân ở mặt trận này, tạo một tiền đề mạnh mẽ đi đến các giai đoạn sau của chiến dịch.
Sau giải phóng Điện Biên, ông cùng đơn vị trở về đóng quân ở Vĩnh Phúc. Một thời gian sau, ông trở lại Điện Biên và xây dựng cuộc sống nơi chiến trường xưa cho đến tận bây giờ. Những ngày đầu trở lại xây dựng Điện Biên là những ngày vô cùng khó khăn, vất vả, ông cùng hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tập trung mở rộng con đường từ huyện Tuần Giáo đi Cửa khẩu Tây Trang.
Ông kể lại: Hồi đó, tôi đi tuyển thanh niên xung phong ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên để làm đường Tuần Giáo – Tây Trang. Ngày ấy làm đường thủ công chủ yếu bằng cuốc xẻng chứ không phải máy móc như bây giờ nên rất vất vả, khó khăn. Hơn 5.400 thanh nhiên xung phong không quản ngại gian khó đã đào đất, phá đá, làm hàng trăm cây cầu, cống, mở thông hơn 100 km tuyến đường từ huyện Tuần Giáo đi Tây Trang.
65 năm trôi qua, người lính trẻ năm nào giờ đã 88 tuổi, hơn ai hết, ông cảm nhận rõ sự đổi thay của mảnh đất Him Lam, nơi ông đang sinh sống và cũng chính là nơi mà ông cùng đồng đội đã đánh trận khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông phấn khởi cho biết: Him Lam ngày xưa hoang tàn, người dân chạy nạn hết, đồng ruộng bỏ hoang, cỏ mọc ngang ngực. Sau giải phóng mới bắt đầu xây dựng lại cuộc sống. Đã 65 năm qua rồi, Him Lam giờ đây đổi thay nhiều quá. Ngày ấy làm gì ai nghĩ đến ngày sẽ có điện, có xe máy, ô tô, tivi…như bây giờ. Chiến trường Him Lam giờ đã là cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ, nhà cao cửa rộng, đường sá rộng rãi, khang trang, nhân dân rất phấn khởi.
Cũng giống như ông Nguyễn Hữu Chấp, 65 năm trước, chiến sĩ Bùi Văn Tỉnh từ miền xuôi lên miền núi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bùi Văn Tỉnh thuộc Trung đoàn 176, Đại đoàn 316, trực tiếp tham gia đánh chiếm và đặt bộc phá trên Đồi A1, nơi diễn ra trận đánh khốc liệt nhất của quân đội Việt Nam với thực dân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi chiến dịch kết thúc, người lính trẻ thuở ấy đã ở lại xây dựng và gắn bó với mảnh đất Điện Biên.
Giờ đây khi đã ở tuổi 90, mỗi lúc nhắc về chiến dịch Điện Biên Phủ, ông vẫn không khỏi bồi hồi, xót thương cho sự hy sinh của các đồng đội. Ông chia sẻ: Chúng tôi may mắn còn sống được đến nay là sống đại diện cho bao nhiêu đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch. Những người không được may mắn để trở về sau chiến tranh và chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất Điện Biên, của đất nước ta.
Nơi người lính giá Bùi Văn Tỉnh đang sống – phường Mường Thanh, giờ là trung tâm của thành phố Điện Biên Phủ. Những di tích như Đồi A1, Nghĩa trang liệt sỹ A1 vẫn còn đó, sừng sững giữa lòng thành phố để cùng những người chiến sĩ Điện Biên chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất này sau 65 năm.
Ông Tỉnh hồ hởi cho biết: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên hoang tàn lắm, nhà cửa thưa thớt, không có đường nhựa, đường bê tông như bây giờ; đời sống người dân đói khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Giờ đây sau 65 năm, Điện Biên đổi thay như một kỳ tích, nhà tầng mọc lên san sát, đường sá to đẹp, sân bay quân sự của Pháp ngày xưa giờ đã mở mang thành sân bay thương mại. Đời sống người dân giờ đây cũng đổi thay rất nhiều, không còn đói nghèo như trước.
Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Điện Biên cho hay, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, những chiến sĩ Điện Biên lúc ấy ở tuổi đời chỉ khoảng đôi mươi. Hàng trăm chiến sĩ đã ở lại xây dựng Điện Biên, điển hình là các Đại đoàn 316, Đại đoàn 312 theo chỉ thị của Bác Hồ.
Giai đoạn đầu sau giải phóng rất khó khăn, các chiến sĩ đã phải tiến hành rà phá bom mìn, xây dựng hạ tầng cơ sở, hệ thống đường sá; xây dựng hệ thống Đại thủy nông Nậm Rốm, tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, tiến hành khai hoang ruộng đất. Các chiến sĩ Điện Biên đã góp phần quan trọng, to lớn cùng với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu lúc bấy giờ xây dựng, phát triển kinh tế xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phía Tây của đất nước. Đặc biệt, việc xây dựng các nông trường đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và xóa đói nghèo của Điện Biên.
65 năm trôi qua, Điện Biên đã đi lên từ vết thương chiến tranh để khoác lên mình diện mạo mới của sự đổi thay. Những chiến sĩ Điện Biên ở lại với mảnh đất này cũng đã lần lượt ra đi, những người còn sống cũng đã ở tuổi 88 – 90, họ đã dành hết cả cuộc đời để đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng Điện Biên. Nhưng tinh thần chiến sĩ Điện Biên vẫn như ngọn lửa rực cháy trong tâm hồn các cựu chiến binh để truyền cho các thế hệ sau lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cùng bảo vệ và xây dựng mảnh đất Điện Biên ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.