Xếp bút nghiên lên đường ra trận
Cách đây hơn nửa thế kỷ, tạm rời xa sách vở, phấn trắng, bảng đen những lớp giảng viên, sinh viên của mái trường Đại dương thời đó đã gác lại hoài bão của tuổi trẻ hăng hái xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ với lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Từ năm 1964 đến năm 1979, từ mái trường này, theo thống kê của Ban Liên lạc cựu chiến binh - cựu sinh viên, đã có gần 600 cựu giảng viên và sinh viên xung phong, tỏa đi các mặt trận. Họ đã anh dũng chiến đấu trên những đoàn tàu không số (đường mòn Hồ Chí Minh trên biển), Thành cổ Quảng Trị, Mặt trận Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới Đông Bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc... Trong số họ có người trở về trong hình hài nguyên vẹn, có người gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường và có người nằm lại "mãi mãi tuổi hai mươi"...
Từ trong thẳm sâu ký ức, mỗi cựu chiến binh vẫn luôn nhớ về mái trường Đại dương nơi đã có những năm tháng học tập, công tác và họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử truyền thống vẻ vang 66 năm của nhà trường. Niềm vui, niềm hạnh phúc của ngày hội ngộ cùng những câu chuyện một thời hoa lửa chầm chậm hiện về trong ký ức của những người lính giảng viên, sinh viên.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Hải - cựu sinh viên Vỏ Tàu K9 kể, lịch sử 66 năm xây dựng, trưởng thành của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã có nhiều đợt giảng viên, sinh viên nhập ngũ. Riêng từ tháng 5/1970 đến tháng 6/1979, trường có 12 đợt, với 490 giảng viên, sinh viên, cùng với hàng vạn sinh viên các trường đại học ở miền Bắc đã lên đường ra trận, hình thành nên một thế hệ sinh viên "xếp bút nghiên lên đường ra trận chiến đấu". Tạm biệt thầy cô, giảng đường, bạn bè, người thân lên đường ra trận với chân lý thật giản dị "nước còn giặc, còn đi đánh giặc. Chiến trường giục giã bước hành quân". "Chúng tôi lên đường đi về miền xa ấy. Tạm biệt giảng đường những ánh mắt trong veo".
"Chúng tôi là những sinh viên, chỉ quen với cây bút, sách vở, học tập, nghiên cứu, khi bước vào quân ngũ phải trải qua thời kỳ huấn luyện tân binh để nắm được những kỹ thuật, chiến thuật cơ bản của chiến sĩ bộ binh, tập hành quân mang vác nặng làm quen với gian lao, vất vả và yêu cầu của chiến trường, với khẩu hiệu "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu".
Kết thúc khóa huấn luyện, ông Đoàn Ngọc Hải và đồng đội được biên chế về các đơn vị trong toàn quân, bổ sung lực lượng chiến đấu cho các chiến trường vào thời điểm cam go, khốc liệt nhất của kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi ấy, số sinh viên trường Đại học Hàng hải, Thủy sản (đợt 18/5/1970) được điều về Sư đoàn 312 và Binh chủng Tăng thiết giáp đi chiến đấu ở Lào và miền Nam. Từ đó dấu chân của những người lính sinh viên cùng các đơn vị đã qua các trận đánh lớn, giải phóng, bảo vệ Cánh Đồng Chum, Bản Na, Nam Tra, Ta Can (Lào), chiến đấu ở khu vực Như Lệ, Tích Tường, Động Ông Do, Đường 9 Nam Lào (1971), đặc biệt tham gia giải phóng và giữ thành Quảng Trị 81 ngày đêm rực lửa năm 1972, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau đó có một số đồng đội tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, phía Bắc, vùng biển đảo, giữ gìn biên cương Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.
Với Đại tá Lê Anh Bút, ông nhớ mãi kỷ niệm ngày lên đường ra trận, đại diện Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo và người thân tiễn mọi người lên đường với tình cảm yêu quý, gửi gắm niềm tin. Ngày ấy, ông Lê Anh Bút ra trận ngoài hành trang chiếc ba lô, khẩu súng cùng cây bút, quyển sổ tay, ông và đồng đội còn mang theo truyền thống tốt đẹp của mái trường Đại dương, truyền thống của quê hương Hải Phòng, Hải Dương, Đường 5 bất khuất Bãi Sậy anh hùng. Nhờ có các truyền thống tốt đẹp đó mà tất cả anh em, đồng đội của ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đồng chí lập được chiến công lớn.
Ở bất cử đơn vị nào, chiến trường nào, những chiến sĩ - sinh viên cũng là những chiến sĩ có văn hóa, sống giản dị, lạc quan yêu đời, tự trọng. Trong chiến đấu, họ rất kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và các phần thưởng cao quý khác. Một số người trở thành sĩ quan cao cấp, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong các đơn vị.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), phần lớn các chiến sĩ - sinh viên, nhiều người còn mang thương tật, di chứng chiến tranh được trở lại trường học tập, thực hiện những ước mơ bỏ dở năm xưa để trở thành những kỹ sư chế tạo tàu thủy, kỹ sư điện, máy, công trình thủy, máy xếp dỡ, kinh tế biển phục vụ ngành Hàng hải Việt Nam.
Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ. Trong đó có một số trở thành cán bộ chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở Trung ương, địa phương và quân đội.
Song, dù ở vị trí nào, cương vị nào thì điểm chung nhất của thế hệ những người lính sinh viên một thời "tài hoa ra trận" còn đến bây giờ vẫn là bản lĩnh, phẩm chất, nhân cách "Anh bộ đội Cụ Hồ", là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về lớp cha anh đi trước về lịch sử truyền thống anh hùng của dân tộc, của trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Thắp sáng... thời hoa lửa
Những đóng góp, hy sinh không nhỏ của hàng trăm giảng viên, sinh viên xếp bút nghiên lên đường vào trận chiến đã thắp sáng truyền thống yêu nước của dân tộc ta, đồng thời làm nên danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ, ngày 1/4/1956, mái trường Đại dương chính thức được ra đời giữa lòng thành phố Hải Phòng trung dũng, quyết thắng, với tiền thân là Trường Sơ cấp Lái tàu, Trường Sơ cấp Máy tàu; năm 1959 được nâng cấp thành Trường Trung cấp Hàng hải; năm 1961 được đổi tên thành Trường Hàng hải; năm 1976, được nâng cấp thành Trường Đại học Hàng hải... Qua nhiều lần đổi thay, đến năm 2013, Trường Đại học Hàng hải được Thủ tướng Chính phủ chính thức đổi tên thành Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Năm tháng qua đi, lớp lớp các thầy cô giáo, cán bộ giảng viên, sinh viên của nhà trường đã không tiếc công sức, xương máu, với trí tuệ và lòng nhiệt huyết đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ chủ quyền cả trên đất liền và biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Nhiều thầy giáo, cô giáo, nhiều cựu sinh viên đã tham gia thiết kế, chế tạo ra những con tàu không số, nhiều người khác kiên cường trực tiếp giữ vững tay lái những con tàu đặc biệt đó, những con tàu đã làm nên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, trực tiếp chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Nhiều thầy cô giáo, cựu sinh viên khác đã dũng cảm vận hành các con tàu rà phá thuỷ lôi, bom mìn tại khu vực Cảng Hải Phòng trong những năm tháng đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, mà mỗi lần trước khi bước lên tàu là một lần họ được truy điệu sống. Có những cựu sinh viên đã viết những bức tâm thư bằng máu để được lên đường ra trận chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới Đông Bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Qua 66 năm xây dựng và trưởng thành, với những đóng góp vô cùng to lớn của các thế hệ thầy cô giáo và sinh viên, trong đó có những anh hùng liệt sĩ, những cựu chiến binh - cựu giảng viên, sinh viên của nhà trường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý mà không phải trường đại học nào cũng có được. Đó là danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và rất nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tháng 12/2000, nhà trường đã góp phần không nhỏ đưa Việt Nam trở thành một trong 73 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên trên thế giới được công nhận vào Danh sách Trắng (White List) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, được công nhận là thành viên đầy đủ thứ 44 của Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải Quốc tế (IAMU) năm 2004.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa nhà trường vào danh sách các trường được đầu tư để trở thành Trường Đại học trọng điểm quốc gia, khẳng định vị thế quan trọng của nhà trường trong Chiến lược phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2045.
Trong những năm qua, bằng sự kiên định trong triết lý giáo dục “Trí tuệ - Sáng tạo - Trách nhiệm - Nhân văn”, uy tín của nhà trường ngày càng được nâng cao cả trong nước và quốc tế, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh, hợp tác quốc tế và mọi mặt công tác khác của trường đã có những bước tiến rất lớn. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp của trường được các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cộng đồng xã hội đánh giá rất cao.
"Nhà trường luôn coi trọng những giá trị truyền thống vô cùng quý giá, trong đó việc giáo dục truyền thống anh hùng của lớp cha anh đi trước cho các thế hệ giảng viên trẻ và sinh viên đi sau là một nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Buổi gặp mặt các thế hệ giảng viên, sinh viên xếp bút nghiên ra trận chiến đấu ngày hôm nay sẽ góp một phần không nhỏ để đạt được mục đích quan trọng đó", Hiệu trưởng Phạm Xuân Dương chia sẻ.