Những 'hiệp sỹ' đường phố lúc nửa đêm

Lặng lẽ, âm thầm có mặt trên mọi nẻo đường của thủ đô Hà Nội, sẵn lòng giúp đỡ những người không may gặp sự cố xe cộ trên đường lúc đêm khuya… Họ là thành viên của nhóm “Cứu hộ Hà Nội” - những “người hùng” thầm lặng, những “hiệp sỹ” đường phố lúc nửa đêm.

Chú thích ảnh
Nhóm Cứu hộ Hà Nội "tác nghiệp" trong đêm khuya. Ảnh: Lê Phú.

Ban ngày, họ là nhân viên kế toán, nhân viên bán hàng, là sinh viên ngồi học trên giảng đường, hay người làm kinh doanh, lái xe ôm… Đêm đến, họ lặng lẽ, âm thầm có mặt trên mọi nẻo đường của thủ đô Hà Nội, sẵn lòng giúp đỡ những người không may gặp sự cố xe cộ trên đường lúc đêm khuya…

Họ là thành viên của nhóm “Cứu hộ Hà Nội” - những “người hùng” thầm lặng, những “hiệp sỹ” đường phố lúc nửa đêm.

Những người hùng thầm lặng

21 giờ đêm, quán nước chè của bà Hoa ở ngã tư đường Khuất Duy Tiến cắt Nguyễn Trãi đón thêm một nhóm bạn trẻ. Họ vừa uống nước, vừa vui vẻ cười đùa trò chuyện. Cho đến khi chiếc điện thoại trên bàn reo.

A lô, đội cứu hộ phải không ạ? Em bị thủng săm ở 350 Bạch Mai, có ai ở gần không cứu em với ạ. Xe em là Sirius đỏ, biển số 28S6-7078, số điện thoại của em là 0336923xxx… - Bạn chờ nhé, chúng tôi sẽ đến ngay! Sau cuộc điện thoại chớp nhoáng, Tuấn Anh - một thành viên của nhóm “Cứu hộ Hà Nội” nhanh nhẹn đứng dậy, dắt xe, lao ra đường.

“Em bị thủng săm ở ngã tư hầm Kim Liên, có bác nào gần cứu hộ em với. Số diện thoại của em là 0396161xxx ạ”. Dòng tin nhắn cầu cứu vừa xuất hiện trên trang Facebook của nhóm “Cứu hộ Hà Nội”. Một chiếc xe khác lại tất tả lao vào đêm đen.

Những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn cầu cứu liên tiếp hiện lên, những chiếc xe không ngừng lao ra đường phố giữa đêm khuya. Dù là đêm hè nóng nực, đêm đông rét buốt, dù là trời mưa bão… chỉ cần nhận được thông báo, là các thành viên đội cứu hộ lại lao ra đường, cho đến khi kết thúc “ca” làm việc theo quy định của nhóm, là vào lúc 3 giờ sáng.

Chú thích ảnh
Một ca "cấp cứu" của Cứu hộ Hà Nội. Ảnh: Cứu hộ Hà Nội

Những trường hợp nhận sự hỗ trợ từ nhóm “Cứu hộ Hà Nội” thường là những người đi xe bị thủng săm, hỏng lốp, hết xăng… giữa đường. Dù là xe máy, xe đạp hay xe ba gác, hễ biết thông tin có người cần giúp đỡ, là các thành viên trong đội lại sẵn sàng lao đi hỗ trợ. Xe nào thủng xăm thì nhóm hỗ trợ vá, mới mức phí từ 0 -10.000 đồng, nếu thay săm thì được lấy mức giá từ 35.000 đến 50.000 đồng tùy loại xe. Đây hoàn toàn là mức giá chi phí phụ tùng và xăng xe, chứ các thành viên trong nhóm hoàn toàn không lấy một đồng tiền lãi nào từ công việc này. Một số trường hợp xe bị hết xăng giữa đường, nhóm sẽ chạy đi mua xăng về giúp. Trường hợp xe bị hỏng nặng, cần thợ tay nghề cao, nhóm sẽ hỗ trợ người bị nạn đẩy xe đến địa chỉ sửa xe, hoặc giúp gửi xe vào nơi an toàn…

Chia sẻ câu chuyện thành lập nhóm “Cứu hộ Hà Nội”, anh Dương Đức Tâm, một trong những thành viên sáng lập nhóm cho biết, nhóm “Cứu hộ Hà Nội” chính thức được thành lập vào tháng 7/2016, với khoảng chục thành viên, gồm những thanh niên có chung ý tưởng muốn được giúp đỡ những người đi xe trên đường, không may bị hỏng xe lúc đêm hôm, vào cái giờ mà rất khó để có thể tìm được thợ sửa, để hỗ trợ mọi người trong những lúc khó khăn nhất. Tính đến nay nhóm “Cứu hộ Hà Nội” đã hoạt động được hơn 2 năm, với “quân số” hiện có khoảng trên 30 thành viên. Trong 2 năm qua, các thành viên trong nhóm đã hỗ trợ hàng chục nghìn trường hợp bị hỏng xe, gặp sự cố trên đường giữa đêm khuya, bất kể ngày mưa, ngày nóng hay giá rét. “Chỉ những lúc mưa bão quá to, ra đường cũng không an toàn cho thành viên trong nhóm, chúng tôi mới tạm ngừng”, anh Dương Đức Tâm cho biết.

Ấm áp tình người

Trò chuyện với các thành viên trong nhóm, chúng tôi được biết, tất cả mọi người tham gia đội “Cứu hộ Hà Nội” đều là tình nguyện. Người là nhân viên kế toán, người bán hàng, bạn là sinh viên, người kinh doanh, lái xe ôm… Các bạn đến từ nhiều nơi, người ở Hà Nội, người từ Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa… Mỗi người một nghề, mỗi người một quê, nhưng có chung một mong muốn, là được giúp đỡ những người gặp nạn, giúp chia sẻ sự ấm áp trong cuộc sống.

Anh Lương Đình Đệ, một thành viên sáng lập trong nhóm kể, những ngày đầu mới thành lập nhóm, chưa có nhiều người biết đến, các thành viên trong nhóm thường chia nhau đi vòng quanh các tuyến phố, hễ gặp người bị tai nạn thì ghé vào đề nghị giúp đỡ. “Lúc đầu, mọi người đều nghi ngờ, và không mấy tin tưởng. Có người tưởng chúng tôi đến lợi dụng để lừa tiền, chặt chém giữa đêm khuya, nên từ chối nhận sự giúp đỡ. Sau khi nghe chúng tôi giải thích rõ ràng, và nói cái mức giá hỗ trợ, mọi người mới đồng ý để chúng tôi giúp đỡ”, Lương Đình Đệ nhớ lại.

Chú thích ảnh
Gặp hôm trời mưa, phải dùng áo mưa thay ô để vá săm. Ảnh: Lê Phú 

Dần dần, những người từng được giúp đỡ đã chia sẻ với cộng đồng về việc làm thiện nguyện tốt đẹp mà nhóm “Cứu hộ Hà Nội” đang làm. Nên ngày càng có nhiều người biết đến nhóm. Trên facebook của mình, nhóm cũng đăng tải số hotline để người bị nạn dễ dàng liên hệ.

Để đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích của nhóm là hỗ trợ những người gặp khó khăn, nên các anh luôn yêu cầu các thành viên trong nhóm luôn tuân thủ nghiêm ngặt nội quy của nhóm, không lấy dư bất cứ đồng nào trái với quy định. Để người bị nạn yên tâm, không bị một số đối tượng xấu lừa, khi tham gia cứu hộ, các thành viên đi xe có gắn logo của nhóm, mặc áo phản quang và có thẻ xác nhận thành viên của nhóm “Cứu hộ Hà Nội”. “Chúng tôi làm vậy để tránh bị một số đối tượng giả danh đi lừa bịp và bắt chẹt, chặt chém khách trên đường”, anh Lương Đình Đệ chia sẻ.

Trong số các thành viên đang tham gia nhóm “Cứu hộ Hà Nội” hiện nay, có nhiều bạn vì được giúp đỡ, cảm phục công việc mà nhóm đang làm, đã tình nguyện xin vào đội, để cùng được tham gia giúp đỡ người khác. Trường hợp của Phạm Minh Hằng, một trong những thành viên nữ của nhóm là một ví dụ. Hằng kể, khi còn chạy xe ôm Grab, trong một lần chở khách ban đêm, xe Hằng bị hỏng và nhận được sự trợ giúp từ nhóm “Cứu hộ Hà Nội”, Hằng rất xúc động, nên mỗi khi rảnh rỗi, Hằng lại đến và xin đi theo các thành viên trong nhóm để “cổ vũ tinh thần”. “Sau nhiều lần đi cùng các anh, em thấy công việc các anh làm rất ý nghĩa. Rồi em nghĩ, mình chỉ cần học một chút kỹ năng là cũng có thể làm được như các anh ấy, có thể tự mình giúp đỡ người khác. Vậy là em nhờ các anh trong nhóm hướng dẫn, dạy em cách làm”, Phạm Minh Hằng kể. Và giờ, Phạm Minh Hằng đã trở thành một trong những thành viên tích cực của nhóm.

Có một số bạn, nhất là các bạn sinh viên thì đăng ký tham gia cứu hộ thường xuyên, một số khác không có điều kiện tham gia đều đặn, cũng đăng ký sẵn sàng hỗ trợ nếu có ai bị nạn gần khu vực họ sinh sống.

Vào tối thứ 7 hàng tuần, các thành viên trong nhóm “Cứu hộ Hà Nội” còn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn những kỹ năng cơ bản nhất như vá săm, thay săm… cho bất cứ ai có nhu cầu muốn học. Nhóm hy vọng có thể hướng dẫn cho mọi người những kỹ năng cần thiết, để mọi người tự giúp mình, và nếu có thể, hỗ trợ những người mà họ gặp nạn trên đường. “Mới đây, một nhóm các bạn thanh niên chạy Grab cũng tự nguyện tham gia tập huấn để chủ động trong những trường hợp bị nạn”, Lương Đình Đệ chia sẻ.

Vất vả đêm hôm, vô tư giúp đỡ những người khó khăn trên đường, nhưng cũng không ít lần, các bạn bị đe dọa, bị chửi bới và bị lợi dụng. Các thành viên trong nhóm kể, nhiều khi đang giúp vá săm, các bạn bị một số người đến gây sự, chửi bới, thậm chí dọa đánh vì họ cho rằng nhóm đang “cướp” mối làm ăn của họ. Đến khi biết nhóm chỉ đến hỗ trợ, không phải làm kinh tế, thì lại bị chửi là “điên”. Có lần nhận được thông tin đi giúp đỡ, nhưng gặp phải người xấu, sau khi nhóm thay săm giúp xong thì họ “bùng”, không chịu trả tiền mua săm… Đấy là chưa kể, nhiều người nhầm nhóm làm kinh tế, tỏ thái độ hách dịch, quát tháo… Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng những “hiệp sỹ” trẻ vẫn không nản chí, vẫn kiên trì, bền bỉ hàng đêm giúp đỡ người gặp nạn.

Đêm về khuya, cơn mưa lạnh đầu mùa sầm sập đến. Mưa trắng xóa trên đường, nhưng các thành viên đội “Cứu hộ Hà Nội” vẫn tiếp tục lao ra đường. Trong cơn mưa lạnh lẽo, nhưng tôi chợt thấy lòng ấm lạ. Bởi ngoài kia, những trái tim nhân hậu, những đôi bàn tay ấm áp của các “hiệp sỹ” đang nỗ lực không ngừng, để mang đến sự ấm áp, mang đến điều tốt đẹp cho xã hội.

Lan Lộc/Báo Tin tức
Tấm lòng người mẹ ở làng trẻ SOS Điện Biên Phủ
Tấm lòng người mẹ ở làng trẻ SOS Điện Biên Phủ

Gắn bó với làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ gần 10 năm, chị Cà Thị Mai (sinh năm 1974), người dân tộc Thái, sống tại huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã tình nguyện không lập gia đình, dành hết tình yêu thương cho những trẻ mồ côi như những đứa con của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN