Những ngày qua, câu chuyện về các F0 khỏi bệnh tình nguyện quay trở lại bệnh viện hỗ trợ các F0 khác hay tham gia lực lượng tình nguyện hỗ trợ địa phương đang được truyền tai nhau như một trong những tia sáng nhân văn giữa đại dịch khốc liệt. Và hàng ngày, hàng giờ, đang có hàng ngàn F0 "nghĩa hiệp" như thế đổ những giọt mồ hôi chăm sóc, hỗ trợ những người không quen biết. Mỗi người một lý do, một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng đã cùng viết nên câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường.
Phóng viên TTXVN tại TP Hồ Chí Minh thực hiện chùm 3 bài viết về những con người đặc biệt này như một lời tri ân đến các tình nguyện viên F0 - những chiến binh thầm lặng. Chùm bài viết phát ngày 21/9.
ATM F0 khỏi bệnh - là tên gọi chung của nhóm người F0 đã khỏi bệnh sẵn sàng quay trở lại tuyến đầu, nơi họ từng được cứu chữa, điều trị để hỗ trợ đội ngũ y bác sỹ, "kề vai sát cánh" cùng các F0 khác chống chọi lại COVID-19. Với các công việc hàng ngày ở trong các điểm nóng giữa sự sống và cái chết cận kề, những F0 khỏi bệnh đã nỗ lực tiếp thêm các nguồn năng lượng tích cực, liều thuốc tinh thần hữu ích cho các F0 vượt qua giai đoạn khó khăn trong quá trình điều trị COVID-19.
Mỗi F0 tình nguyện là một câu chuyện
"Hôm nay, tôi lại được quay lại Bệnh viện Dã chiến số 4 một lần nữa nhưng không phải vì tôi tái dương tính, chẳng qua là tôi đã đăng ký tình nguyện tham gia đội ngũ hậu cần của bệnh viện để hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị tại đây mà thôi. Tôi được sắp xếp một công việc khá là thú vị, làm tại Phòng Hồi sức cho các bệnh nhân nặng. Tôi được hướng dẫn cách tập thở cho các bệnh nhân nặng và nhẹ, có thêm kiến thức để giúp đỡ bệnh nhân, người thân, bạn bè… Ngoài ra, tôi sẽ mang cái năng lượng bất tử của tôi để lây nhiễm cho các bệnh nhân tại đây". Đây là dòng chia sẻ dí dỏm của "F0 man" Nguyễn Hồng Kỳ (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) trên trang cá nhân nhận được rất nhiều lần "thả tim" của bạn bè.
Từng là F0, sau khi chiến thắng bệnh tật trở về, mỗi ngày nhìn từng đoàn xe chở F0 đi cách ly, điều trị chạy ngang nhà khiến lòng anh như "lửa đốt". Thương đội ngũ y bác sỹ nơi tuyến đầu, đồng cảm với các F0 đang phải chống chọi với bệnh tật, anh Kỳ quyết định quay trở lại Bệnh viện Dã chiến số 4, nơi mình từng điều trị để phụ giúp đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc người bệnh nặng. Anh kể: "Quyết định trở lại bệnh viện làm công tác tình nguyện được tôi đưa ra trong 5 phút và rất may được gia đình ủng hộ".
Mỗi sáng, sau khi mặc lên người bộ đồ bảo hộ, anh Kỳ có mặt ở Phòng Hồi sức cấp cứu để hỗ trợ người bệnh nặng. Đút cháo, thay ga trải giường, vệ sinh cá nhân, hướng dẫn tập thở... là những công việc thường ngày của anh tại đây. Hiện, một mình anh có thể chăm sóc cùng lúc 10 bệnh nhân nặng điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu. Dù là đàn ông nhưng anh không nề hà bất cứ công việc nào trong chăm sóc, vệ sinh cho người bệnh nặng. "Tôi từng có khoảng thời gian chăm mẹ bệnh nên tôi rất thương các cô, chú lớn tuổi ở đây. Mỗi lần chăm sóc họ, tôi lại nhớ tới mẹ mình và cố gắng làm sao để hỗ trợ các tốt nhất, mong các cô, chú sớm được quay trở lại với gia đình, con cháu", anh Kỳ tâm sự.
Còn với chàng trai trẻ Huỳnh Khang (sinh năm 1999), một tháng tham gia tình nguyện chăm sóc bệnh nhân COVID-19 là khoảng thời gian nhiều trải nghiệm của tuổi trẻ. Tháng 7/2021, Khang mắc COVID-19 sau thời gian tham gia làm công tác tình nguyện tại một phòng xét nghiệm. Sau khi khỏi bệnh, Khang bắt đầu nghĩ đến việc làm tình nguyện và viết đơn xin được phục vụ trong các bệnh viện dã chiến. Ngày 28/8, Khang chính thức đến nhận việc tại Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, phụ giúp đội ngũ y, bác sỹ tại đây chăm sóc cho những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân nặng không thể tự sinh hoạt được.
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chàng trai trẻ Huỳnh Khang cẩn thận đút từng thìa cháo cho bà cụ đang nằm trên giường bệnh. Vừa đút cháo, Khang vừa động viên: "Bà ơi, bà ráng ăn cho hết chén cháo này nha bà, có ăn được, bà mới mau khỏe và về nhà được ạ". Dù hơi thở vẫn còn khá khó nhọc nhưng bà cụ móm mém cười và đón lấy từng thìa cháo của Khang. Bát cháo vơi dần. "Đến thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy công việc tình nguyện viên là việc đáng phải làm. Tuy có lúc mệt mỏi bởi công việc vất vả nhưng tôi cảm thấy rất vui. Tôi xem công việc này như một sự cảm ơn đối với sự hy sinh thầm lặng mà các y, bác sỹ và điều dưỡng đã từng điều trị cho mình", Khang chia sẻ.
ATM F0 không cần "sao kê"
Bệnh viện Dã chiến số 4 - nơi mỗi ngày đang điều trị cho hàng ngàn F0, những ngày qua, bên cạnh đội ngũ y bác sỹ còn có thêm lực lượng F0 tình nguyện. Họ từng là bệnh nhân của bệnh viện, đã được điều trị khỏi bệnh nhưng lại tiếp tục xin được ở lại để phục vụ người bệnh khác. Gần 30 F0 tình nguyện viên đa số đều rất trẻ, từng làm shipper, đầu bếp, sinh viên, công nhân, nhân viên căng-tin... đã lập thành "đội đặc nhiệm yêu thương". Mặc dù trước đây, họ chưa bao giờ phải chăm sóc người bệnh, nhưng từ ngày quyết định hỗ trợ các y bác sỹ chăm sóc F0, đặc biệt các cụ già neo đơn, "đội đặc nhiệm yêu thương" này từ bỡ ngỡ đã thành thục trong công việc mỗi ngày. Không nề hà bất cứ công việc gì, các tình nguyện viên làm tất thảy mọi việc, từ giúp các cụ già giặt đồ, thay ga giường, lau người, vệ sinh thân thể, đổ bô cho các cụ... như con cháu trong gia đình.
Bác sỹ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 4 cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các F0, trong đó có cả những người đã được xuất viện, cũng có những người đang là bệnh nhân nhưng do không có triệu chứng và có sức khỏe, đã tình nguyện chăm sóc cho các F0 khác. Các F0 sau có mong muốn tham gia tình nguyện đều được tập huấn cấp tốc về kiến thức và kỹ năng chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Và họ đã trở thành lực lượng đặc biệt khi trở lại các cơ sở y tế, bệnh viện, các khu cách ly để chia sẻ công tác hậu cần, chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 khác đang rất cần sự giúp đỡ.
"Đội ngũ chống dịch mới này rất quan trọng khi chia sẻ nỗi vất vả, nhọc nhằn với các y, bác sỹ khi chăm sóc các ca F0 trong sinh hoạt hằng ngày, hoặc được huấn luyện cấp tốc về những kiến thức cơ bản để theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở, huyết áp… của người bệnh. Một số khác tham gia hỗ trợ kỹ thuật, sửa điện thoại, hớt tóc, nấu ăn, cho F0 và lực lượng tuyến đầu. Đặc biệt, không chỉ giúp đỡ tận tình, những F0 tình nguyện còn là "liều thuốc tinh thần" khi kể về câu chuyện mình đã chiến thắng bệnh tật như thế nào để các bệnh nhân dù bi quan nhất cùng cảm thấy được tiếp thêm động lực", bác sỹ Nguyễn Trần Nam chia sẻ.
Nhìn vào tờ danh sách các F0 từng phải thở oxy hồi sinh ngoạn mục và khỏi hẳn, giờ đồng hành cùng với mình, bác sỹ Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3) không giấu được niềm vui. Anh chia sẻ: "Nhiều bệnh nhân vào đây hoảng loạn và lo sợ lắm, trong khi đó, nhân viên y tế lại quá tải, không chăm sóc chu đáo được nên mình cũng áy náy, đôi khi ước được mọc thêm 3 cái đầu, 6 cái tay. Giờ có thêm nhiều tình nguyện viên F0, mình có thêm nhiều thời gian để cứu giúp bệnh nhân". Bệnh viện Dã chiến số 3 cũng là đơn vị có nhiều tình nguyện viên F0 xung phong ở lại hỗ trợ sau khi khỏi bệnh.
Cuối tháng 8 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phát động chương trình “ATM F0 chống dịch” tại TP Hồ Chí Minh nhằm tạo ra nguồn lực tiếp sức các y, bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch. Theo đó, những người từng là F0, nay đã khỏi bệnh sẽ được tổ chức thành lực lượng tuyến đầu đặc biệt, trở lại các cơ sở y tế, bệnh viện, khu cách ly để chia sẻ công tác hậu cần, chăm sóc những người bệnh mắc COVID-19 cần giúp đỡ. "Đội ngũ này sẽ trở thành “cánh tay nối dài” đắc lực của các y, bác sỹ, đồng thời là chỗ dựa tinh thần vững chắc của người bệnh do đã từng trải nhiều khó khăn khi chiến đấu chống lại COVID-19", ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Đặng Hồng Anh, trước khi trực tiếp hỗ trợ tuyến đầu, tình nguyện viên của chương trình “ATM F0 chống dịch”sẽ được tập huấn cấp tốc về những kiến thức cơ bản để theo dõi tình trạng oxy trong máu, trạng thái hô hấp, mức huyết áp… của người bệnh. Khi người bệnh có thay đổi bất thường, các tình nguyện viên sẽ phát hiện, thông tin với các y, bác sỹ, góp phần giảm tải áp lực cho đội ngũ tuyến đầu. Mỗi tình nguyện viên của chương trình sẽ được hỗ trợ kính phí từ 6-8 triệu đồng/tháng hoặc 2 triệu đồng/tuần. Ngay sau khi phát động, chương trình đã nhận được sự đăng ký của hơn 500 F0 và đến nay đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với hàng ngàn F0 đăng ký tham gia.)
Bài 2: Những tình nguyện viên F0 đặc biệt