Sinh viên Vũ Tiến Anh (Y5 Đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội) là một trong hàng nghìn sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội chi viện tới vùng tâm dịch TP Hồ Chí Minh.
Đến nay khi chia sẻ về những ngày chuẩn bị lên đường chống dịch, Tiến Anh vẫn xúc động: “Khi có thông báo cần sinh viên tình nguyện lên đường chống dịch là lúc dịch COVID-19 ở Hà Nội khá căng thẳng. Em đắn đo không biết có nên tham gia đợt này nhưng rồi vẫn quyết định đăng ký tham gia. Khoảnh khắc lúc đăng ký tham gia tim em đập rất mạnh. Sau khi thủ tục hoàn tất, em mới dám gọi điện cho bố mẹ để động viên và làm công tác tư tưởng cho gia đình. Do trước đó, bố mẹ em không ủng hộ quyết định này”.
Nhiều sinh viên dù đăng ký lên đường nhưng mang tâm trạng lo lắng như Tiến Anh không ít. Song chàng sinh viên này đã vận động được 4 bạn cùng phòng ký túc xá lên đường vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh.
Trong mắt của chàng trai xứ Bắc 23 tuổi, TP Hồ Chí Minh hoa lệ luôn nhộn nhịp, năng động, lung linh. "Nhưng khi bước xuống sân bay đã bao trùm không khí ảm đạm vì thành phố đang giãn cách. Cộng với thời điểm chúng tôi đến là buổi chiều nhập nhoạng, thêm chút mưa bay, khiến tâm trạng ai cũng chùng xuống. Khi nhận công việc với không khí khẩn trương đã cuốn chúng tôi vào guồng quay chống dịch. Lúc này, nhiệm vụ truy vết, điều trị F0 tại nhà được cả đoàn xác định rõ”, Tiến Anh nhớ lại.
Tiến Anh từng tham gia công tác chống dịch thông qua chương trình “mạng lưới thầy thuốc đồng hành” hỗ trợ cho các bệnh nhân F0, F1, F2 ở các tỉnh phía Nam. Nhiệm vụ của Tiến Anh là hàng ngày gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe, tư vấn cách tự chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân và cung cấp các thông tin về phòng chống dịch.
Đợt chống dịch ở TP Hồ Chí Minh, đoàn của Tiến Anh không chỉ đối mặt với COVID-19, mà còn phải bảo vệ bản thân trước sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết. Một số thành viên đã mắc sốt xuất huyết. Nhưng sau khi được điều trị, mọi người đều khỏe mạnh và có thể quay trở lại làm việc. Ý thức giúp người bệnh, như bảo vệ mình đã giúp Tiến Anh cũng như bạn bè thấu hiểu được nhiệm vụ của nghề y cũng như đảm bảo sức khoẻ cho chính mình nơi tâm dịch nhiều hiểm nguy.
Tiến Anh cho biết, để vượt qua những rào cản tâm lý, động viên các bạn quanh mình vững tâm, lạc quan và hoàn thành nhiệm vụ trở về, người thầy, người trưởng đoàn - Tạ Đăng Quang đã cho em nhiều động lực nhất.
“Với tôi, thầy Quang không chỉ là một người thầy, mà còn là người anh trai nghiêm túc hết lòng chăm lo cho chúng tôi. Thầy Quang đã dạy cho sinh viên rất nhiều bài học khi tham gia chống dịch", Tiến Anh chia sẻ.
Lần đầu hai thầy trò gặp nhau, thầy Quang đã nói: Mình là nhân viên y tế, mình còn không đi thì ai đi. "Câu nói ấy đã truyền động lực rất lớn cho tôi tự tin hơn khi đăng ký tham gia chống dịch. Từ những ngày đầu, thầy đã bố trí phân luồng khu vực ở sinh viên để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa các nhóm. Thầy rất nghiêm khắc nhưng luôn chăm lo cuộc sống sinh hoạt cho sinh viên. Đồng thời, là nguồn động viên tinh thần to lớn, luôn đứng ra bảo vệ và hỗ trợ hết mức để sinh viên có thể yên tâm chống dịch”, Tiến Anh kể.
Tiến Anh bộc bạch, chuyến chống dịch vào TP Hồ Chí Minh không chỉ hiện thực hoá những kiến thức ở giảng đường mà hơn cả đó là những kiến thức xã hội, tình đồng đội. Đặc biệt, đó là ân tình từ hậu phương, sự chia sẻ của người dân nơi tâm dịch.
Bên cạnh công việc lấy mẫu, điều trị F0 tại nhà, mỗi sinh viên còn làm những công việc “nội trợ” mà có thể nhiều bạn chưa từng được làm. Những ngày đầu vào TP Hồ Chí Minh, sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Y Hà Nội luôn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ. Đặc biệt là các đồ dùng sinh hoạt được cung cấp đầy đủ. Những món đồ này khi kết thúc chuyến chống dịch đều được những sinh viên này gửi lại địa bàn để chuyển cho các đơn vị khác.
Nhiều sinh viên ngành y, trong đó có Tiến Anh luôn trân trọng về sự bao bọc của người dân TP Hồ Chí Minh khi các em cần phương tiện vận chuyển thì được mượn xe máy, kể cả ô tô. Hay câu chuyện về đêm Trung thu thật đáng nhớ với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nơi địa bàn Tiến Anh và các bạn ở. Đoàn của Tiến Anh đã chuẩn bị những những món quà là những chiếc lồng đèn, chia sẻ chiếc bánh trung thu và các bánh kẹo khác của mình để tổ chức một buổi trung thu cho các em nhỏ ở khu vực lấy mẫu.
Trong khi Tiến Anh cùng các bạn “chia sẻ” trung thu cho các em nhỏ thì nhận được món quà từ Ban Truyền thông Hội Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. “Đó là video ghi lại những lời chúc từ gia đình, người thân, bạn bè… Em đã rất cảm động khi được xem clip. Đó là món quà rất ý nghĩa không chỉ với em mà còn với nhiều bạn lần đầu xa nhà. Điều đó càng giúp chúng em thêm yên tâm chống dịch”, Tiến Anh xúc động.
Khi được hỏi về những đợt tình nguyện chống dịch trong năm qua, Tiến Anh chia sẻ, em thấy được ý nghĩa của bản thân khi được đóng góp một phần sức lực của mình vào công tác chống dịch chung của cả nước. Dù công việc nhỏ bé nhưng từng chút một em đã thấu hiểu được những khó khăn, trọng trách cao cả của nghề y.
Hơn cả, giữa gian khó, chứng kiến những thương đau điều đọng lại ở những sinh viên như Tiến Anh là những ân tình của người dân nơi các em đến, sự sẻ chia của đồng đội và hậu phương vững chắc là ngôi trường các em đang theo học. Những điểm tựa nhân văn ấy sẽ giúp cho những sinh viên như Tiến Anh vững bước trên con đường đã chọn.