Nhức nhối chuyện quản lý chất lượng kính mắt( bài 3)

Máy đo tật khúc xạ, máy đo kính mắt là những thiết bị đo lường nên đương nhiên thuộc diện quản lý của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, các thiết bị này chưa thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm định theo quy định nên chính cơ quan này cũng chưa thể tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát chất lượng máy đo khúc xạ, máy đo kính mắt trên thị trường. Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này:

Bài 3: Khi nào máy đo kính mắt mới thuộc diện kiểm định?

Máy đo tật khúc xạ, máy đo kính mắt có thuộc quyền quản lý của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ không, thưa ông? Tại sao lại có tình trạng các máy này có sai số quá lớn như vậy?

Máy đo tật khúc xạ, máy đo kính mắt là thiết bị đo lường nên thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ mà cụ thể là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.

Về máy đo tật khúc xạ, hầu như không nước nào trên thế giới quản lý loại máy này. Kết quả đo tật khúc xạ chủ yếu để tham khảo vì sau khi đo, bác sỹ yêu cầu bệnh nhân phải thực hiện thêm các thủ tục khác nữa như đứng ở một khoảng xa nhất định để đọc chữ, rồi thử kính... mới có thể kết luận về độ cận thị, viễn thị là bao nhiêu. Chính vì vậy mà ngành y tế đã có quy định về điều kiện đối với các cơ sở kinh doanh kính thuốc. Tuy nhiên, do thiếu cán bộ chuyên môn hoặc bỏ qua các quy định, việc đo và kiểm tra thị lực cho người bệnh của nhiều cơ sở kinh doanh kính thuốc chỉ dựa hoàn toàn vào máy đo tật khúc xạ thì kết quả không thể chính xác được.

Máy đo mắt kính chính xác sẽ giúp cho bác sỹ chuyên khoa mắt chọn đúng số kính cho người bệnh mắc các tật khúc xạ-Ảnh CTV


Đối với máy đo mắt kính, một số nước trên thế giới cũng đã tiến hành quản lý máy này và Tổ chức Đo lường pháp quyền quốc tế cũng có khuyến cáo kiểm định máy đo mắt kính. Máy đo mắt kính chính xác sẽ giúp cho bác sỹ chuyên khoa mắt chọn đúng số kính cho người bệnh mắc các tật khúc xạ. Do đó, dự kiến tới đây máy đo mắt kính sẽ được đưa vào “diện” bắt buộc phải kiểm định định kỳ.

Bao giờ thì máy đo mắt kính mới nằm trong danh sách kiểm định định kỳ, thưa ông?

Trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề đưa máy đo mắt kính vào diện phải kiểm định bắt buộc, chúng tôi cần phải tiến hành xem xét, kiểm tra xem tình trạng cụ thể của các loại máy đo này và số lượng máy móc thực tế đang sử dụng là bao nhiêu, các máy đó sai, hỏng thế nào, mức độ sai số ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân ra sao. Trên cơ sở đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng sẽ có văn bản đề nghị lãnh đạo Bộ Khoa học - Công nghệ bổ sung máy đo kính mắt vào danh mục bắt buộc phải kiểm định.

Ông Nguyễn Trọng Quỳnh, phụ trách Viện Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế, cho biết: Việc đưa máy đo tật khúc xạ, đo kính mắt vào hiệu chỉnh định kỳ là rất cần thiết. Bởi lẽ, dù Bộ Y tế đã có quy định nhưng chưa quy định rõ, máy móc này phải kiểm định định kỳ nên hầu hết các doanh nghiệp đều chưa tuân thủ. Từ đầu năm đến nay tại Viện chỉ có khoảng 10 cửa hàng kinh doanh kính thuốc đến hiệu chỉnh máy đo kính mắt, máy đo tật khúc xạ. Tất cả các cơ sở đều chỉ hiệu chỉnh máy lúc mới mua về, bắt đầu đưa vào hoạt động kinh doanh, không có đơn vị nào là hiệu chỉnh định kỳ sau khi đã đi vào hoạt động.



Vấn đề đào tạo cán bộ kiểm định và tăng cường trang bị cho các địa phương để thực hiện việc kiểm định có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Nếu quyết định đưa máy đo mắt kính vào diện phải kiểm định định kỳ thì cần sự đầu tư lớn về tiền của, nhân lực. Nếu Bộ có quyết định về vấn đề này, chúng tôi sẽ có kế hoạch để tăng cường trang thiết bị kiểm chuẩn và đào tạo nhân lực phù hợp với từng địa phương. Vấn đề đào tạo nhân lực cho các tỉnh thì không đáng ngại vì Tổng cục hoàn toàn có thể tổ chức được, riêng việc đầu tư trang thiết bị thì cần nhiều thời gian hơn và phải có kế hoạch cụ thể. Tóm lại, vấn đề nhân lực và tăng cường trang thiết bị cần phải được chuẩn bị, xem xét kỹ càng, nhằm tránh tình trạng khi ra quyết định rồi lại không có đủ nhân lực, trang thiết bị kiểm định, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện máy đo kính mắt chưa thuộc diện bắt buộc phải kiểm định định kỳ, do đó chúng tôi chưa có cơ sở pháp lý để kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh không hiệu chuẩn, kiểm định máy đo kính mắt. Các cơ sở kinh doanh nên tự nguyện hiệu chuẩn để máy đo cho kết quả chính xác, từ đó nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại lòng tin cho khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)

Bài cuối: Tăng cường đào tạo nhân lực chuyên môn theo địa chỉ

Nhức nhối chuyện quản lý chất lượng kính mắt( bài 1)
Nhức nhối chuyện quản lý chất lượng kính mắt( bài 1)

Tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ (cận, loạn và viễn thị) đang tăng. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng kính mắt (gồm kính thuốc, kính thời trang) và các trang thiết bị liên quan đến việc đo tật khúc xạ, đo kính mắt vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN