Nhức nhối chuyện quản lý chất lượng kính mắt( bài 2)

Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Trang thiết bị (Bộ Y tế), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ) và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) là những đơn vị liên quan đến việc quản lý chất lượng kính mắt. Thế nhưng, không rõ tại sao sai phạm tại các cửa hàng kinh doanh kính mắt vẫn liên tiếp diễn ra.


Bài 2: Kiểm tra đâu, sai phạm đó


Nơi nào cũng đầy lỗi

“Ngày càng có nhiều cháu nhỏ bị cận, viễn, loạn thị. Cháu gái nhà tôi bị cận, mà kính thì phải thay liên tục vì cứ đi khám là độ cận thị lại nhích lên. Có lần đưa cháu đi khám ở 2 nơi thì nhận được 2 kết quả khác nhau. Vì vậy, tôi tự hỏi không biết có phải do máy đo tật khúc xạ, máy đo kính mắt ở các cửa hàng kinh doanh kính có vấn đề không?”- ông Tạ Văn Sinh, Chi cục trưởng Chi cục đo lường tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết.

Để chọn được sản phẩm kính mắt bảo đảm chất lượng, người tiêu dùng nên đến các cửa hàng có uy tín.


Chính từ những lo lắng đó, đầu tháng 11/2010, ông Tạ Văn Sinh chủ động đề xuất với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, đồng thời mời cán bộ của Viện đo lường Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, tiến hành kiểm tra một số các cơ sở tư nhân kinh doanh dịch vụ kính thuốc, kính thời trang trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết quả khảo sát của đoàn tại 9 cơ sở kinh doanh cho thấy: 7/9 cơ sở chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh kính thuốc, 3/4 máy đo mắt kính và 5/5 máy đo khúc xạ được kiểm tra có sai số vượt quá mức cho phép, thậm chí có máy sai số gấp 8 - 9 lần quy định. Lực lượng quản lý thị trường đã xử lý các cửa hàng không đủ điều kiện hành nghề, không niêm yết giá bán theo quy định; yêu cầu các cơ sở kinh doanh kính trực tiếp đem máy đo thị lực khúc xạ mắt và máy đo khúc xạ về Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Vĩnh Phúc để hiệu chỉnh lại...

“Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Vĩnh Phúc chưa có trang thiết bị để hiệu chỉnh máy đo tật khúc xạ, máy đo kính mắt nên chúng tôi đã chuyển số máy đó về Viện đo lường Việt Nam để hiệu chỉnh. Tuy nhiên, một số máy quá cũ không thể hiệu chỉnh được, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp thay máy mới. Hiện nay, chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra các cửa hàng kinh doanh kính mắt khác trên địa bàn tỉnh”, ông Tạ Văn Sinh cho biết.

Hai tháng trước, Đội quản lý thị trường số 17, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng kết hợp với Viện đo lường Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm tra việc kinh doanh kính thuốc và kiểm tra 46 cửa hàng. Kết quả tương tự như tỉnh Vĩnh Phúc, 2/3 số cơ sở kinh doanh kính mắt không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề. Đội quản lý thị trường số 17 đã ra quyết định phạt hơn 175 triệu đồng, tịch thu 5.939 chiếc kính và mắt kính (viễn, cận thị) không có nguồn gốc. Đặc biệt, theo kết quả phối hợp kiểm tra của Viện đo lường Việt Nam có 9/10 máy đo khúc xạ và 8/8 máy đo mắt kính có sai số vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

“Trong quá trình kiểm tra, một số cửa hàng còn đối phó, đóng cửa, có nơi còn cố tình giấu máy móc. Một số máy đo tật khúc xạ, máy đo kính mắt bị bụi bẩn do để ở ngoài đường nên trong quá trình kiểm định, chúng tôi còn phải làm thêm việc vệ sinh cho máy”, một cán bộ của Viện đo lường Việt Nam cho hay.

Cùng thời điểm này, lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện các trường hợp kinh doanh mắt kính không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Tại hai địa bàn lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã thu giữ tới hàng ngàn mắt kính cận thị, viễn thị nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Một "sân chơi", ba "giám sát" vẫn không ổn

Một câu hỏi đặt ra là, các cửa hàng kinh doanh kính mắt vi phạm phổ biến như vậy, sao không thấy cơ quan nào đứng ra xử lý triệt để?

“Các đội quản lý thị trường chỉ thanh, kiểm tra các cửa hàng này dựa trên các tiêu chí quy định các văn bản pháp quy. Trong quá trình kiểm tra, lỗi thường gặp nhất là cửa hàng không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn kinh doanh, nhân viên chưa được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Chiểu theo quy định, chúng tôi đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của những cửa hàng này”, ông Bùi Minh Thái, Phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, lý giải.

“Vậy các cửa hàng này có tuân thủ quyết định của đoàn kiểm tra không?”. Ông Thái cho biết: “Việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề cho các cửa hàng kinh doanh kính mắt thuộc trách nhiệm của ngành y tế. Riêng việc kiểm tra máy đo tật khúc xạ, máy đo kính mắt thì thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng”.

Theo ông Thái, đợt kiểm tra các cửa hành kinh doanh kính mắt trên thị trường Hà Nội vừa qua là một chuyên đề nằm trong kế hoạch năm của Đội quản lý thị trường số 17. Từ nay đến cuối năm, đội rất bận với kế hoạch kiểm tra, đảm bảo chất lượng các mặt hàng thường được sử dụng trong dịp Tết, sẽ không có một cuộc kiểm tra về kính mắt nào tương tự như đợt tháng 7 vừa qua.

Như vậy, ngành quản lý thị trường cũng đã “gánh” đôi chút trách nhiệm đảm bảo chất lượng kính mắt lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, kính mắt cũng chỉ là một trong hàng trăm ngàn mặt hàng mà ngành này có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra. Do đó, việc “hỏi thăm” các cửa hàng kinh doanh kính của ngành quản lý thị trường chỉ có thể thực hiện kiểu “xuân thu nhị kỳ” chứ chẳng thể thường xuyên.

Vậy ngành Y tế và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã thực hiện trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo chất lượng kính mắt đến đâu?

Phương Liên

Bài 3: Khi nào máy đo kính mắt mới thuộc “diện” kiểm định?

Nhức nhối chuyện quản lý chất lượng kính mắt( bài 1)
Nhức nhối chuyện quản lý chất lượng kính mắt( bài 1)

Tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ (cận, loạn và viễn thị) đang tăng. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng kính mắt (gồm kính thuốc, kính thời trang) và các trang thiết bị liên quan đến việc đo tật khúc xạ, đo kính mắt vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN