Tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ (cận, loạn và viễn thị) đang tăng. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng kính mắt (gồm kính thuốc, kính thời trang) và các trang thiết bị liên quan đến việc đo tật khúc xạ, đo kính mắt vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bài 1: Loạn kết quả kiểm tra tật khúc xạ
Đầu giờ sáng ngày cuối tuần, nơi phát số đăng ký khám bệnh của Bệnh viện Mắt TƯ đông nghịt, người bệnh đợi đến lượt lấy số khám bệnh xếp thành hai hàng dài tới 6 - 7m. Một số người, vì quá sốt ruột đành "bắt tay" với "cò", bỏ thêm tiền những mong được "chen ngang" vào khám bệnh sớm. Nhiều người bệnh đến sau phát hoảng, vội vàng "chạy" ra phòng khám tư để khỏi phải chịu cảnh chờ đợi.
Nản lòng, tôi định bụng đưa con gái đi tìm một phòng khám mắt tư do người quen giới thiệu. Nhưng vừa dợm chân thì một phụ nữ đứng sau tôi khuyên: "Hai mẹ con cố đợi đi, khám ở đây cho yên tâm. Khám ở mấy phòng khám tư, không khéo làm hỏng mắt con…".
Để tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang", bệnh nhân nên đến những cơ sở chuyên khoa có uy tín-Ảnh CTV |
Nói rồi, chị Nguyễn Thị M. (ở Vĩnh Phúc), người cũng đưa con đi khám bệnh, kể: Hai tuần trước chị đưa con lên BV Mắt TƯ. Cũng vì bệnh viện quá đông, nhà thì xa nên chị M. nghe theo giới thiệu của "cò", đưa con trai đi khám ở một phòng khám tư, gần bệnh viện. Sau khi đo thị lực, nhân viên ở đây cho biết, cháu bé bị cận, mắt phải 5 đi ốp, mắt trái 3 đi ốp và hướng dẫn mua một chiếc kính cận với giá hơn 400.000 đồng. Thế nhưng, về nhà được vài hôm, thằng bé lại kêu nhức mắt, đau đầu. Thế là, chị M. lại khăn gói đưa con tới khám tại một trung tâm kính thuốc trên phố Bà Triệu do người quen "mách". "Ở đó, người ta "phán" thằng bé bị loạn thị và yêu cầu thay kính cho cháu. Tôi lại phải bỏ hơn 300.000 đồng mua một cặp kính khác cho cháu. Nhưng chỉ gần 1 tuần sau, cháu lại kêu nhức mắt, chảy nước mắt. Vậy nên, hôm nay tôi lại phải đưa cháu đến khám tại BV Mắt T.Ư cho yên tâm, đông thì cố chịu vậy…", chị M. tâm sự.
Chia sẻ câu chuyện này với các chuyên gia nhãn khoa, nhiều BS công nhận rằng cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị lại cho nhiều trường hợp bị đau đầu, chóng mặt do đeo kính không đúng số hoặc kết quả chẩn đoán tật khúc xạ không chuẩn. BS Nguyễn Thanh Vân, Phòng khám Khúc xạ, BV Mắt TƯ, kể: Mới đây, chị cũng vừa khám cho một cháu bé học lớp 1 bị cận thị, đã được mẹ đưa đi khám và sắm kính cận tại một phòng khám tư nhưng mắt vẫn bị nhức, chảy nước mắt, không chép nổi đầu bài mà cô giáo ghi trên bảng. Khám cho cháu, BS Vân phát hiện nguyên nhân chính do cháu bé bị cận có 2 đi ốp nhưng cháu đeo kính tới 5 đi ốp. Lúc này, mẹ cháu bé mới phân trần: "Sợ vào bệnh viện đông nên em đưa cháu đi khám ở một phòng khám tư. Sau khi cháu đo mắt bằng máy đo khúc xạ, nhân viên tại đó đã tư vấn nên cho cháu dùng kính loại này…".
Cơ quan thị giác của trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học, có đặc điểm riêng, khả năng điều tiết lớn. Lúc mệt mỏi, học hay đọc nhiều, mắt trẻ có thể giảm thị lực tạm thời nhưng khi được thư giãn nghỉ ngơi, mắt sẽ trở lại bình thường. Trong trường hợp này, nếu không được đo, khám một cách kỹ lưỡng, trẻ rất dễ phải đeo kính cận "oan". |
"Khi đo kính cho trẻ bị cận, loạn thị, việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc. Thế nhưng, hiện nay nhiều cửa hàng kính thuốc bỏ qua công đoạn này mà chỉ đo bằng máy tật khúc xạ, thấy cận là cho trẻ đeo kính cận. Điều này rất nguy hiểm, trẻ có thể bị cận thị giả nhưng sau một thời gian dài đeo kính sẽ thành cận thị thật", BS Nguyễn Thanh Vân khuyến cáo.
Hiện có rất nhiều cửa hàng kinh doanh kính thuốc chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề nhưng vẫn tự do hành nghề. Thiếu cán bộ chuyên môn, nhiều chủ cửa hàng vẫn cho nhân viên chưa qua đào tạo cơ bản kiểm tra thị lực, thử và bán kính cho bệnh nhân. Đó là chưa nói đến việc các trang thiết bị, máy móc (máy đo tật khúc xạ, máy đo kính mắt) ở nhiều cửa hàng kinh doanh kính thuốc cũng không được kiểm tra chất lượng và hiệu chỉnh định kỳ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng loạn kết quả đo tật khúc xạ, nhiều người phải đeo kính (trị giá cả triệu đồng) nhưng khi nhìn, hình bị méo, gây nhức, mỏi mắt.
Để tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang", các nhà quản lý khuyến cáo rằng các "thượng đế" hãy tìm đến những cơ sở chuyên khoa có uy tín. Thế nhưng, các BV mắt thì đang quá tải, còn các phòng khám, cửa hàng kinh doanh kính mắt thì đua nhau mọc lên như nấm, không phải “thượng đế” nào cũng phân biệt được đâu là cơ sở khám mắt uy tín, chất lượng. Người dân đang rất mong mỏi các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để "gạn đục, khơi trong", dẹp những cơ sở kinh doanh kính mắt không đủ điều kiện.
Phương Liên
Bài 2: Kiểm tra đâu, sai phạm đó