Đầu tiên là việc tờ Tin tức buổi chiều ra các chuyên trang định kỳ trong tuần kiểu “bia kèm lạc” với phong cách không đao to búa lớn, cách viết nhẹ nhàng, “nóng hổi”. Ban đầu là chuyên trang Nhịp sống (cuối năm 2003) - phát hành thứ 2 hằng tuần, Âm sắc thị trường - thứ 4; rồi ra thêm các chuyên trang: Hành tinh xanh - thứ 5, Kết nối - thứ 3 và 7, Điểm hẹn - thứ 6.
Nhà báo Đoàn Ngọc Thu đứng chuyên trang Âm sắc thị trường (thông tin về kinh tế, thị trường...); trang Nhịp sống và Điểm hẹn do Phòng Văn hóa - Xã hội đảm trách (chuyên về thông tin văn hóa giải trí, như chơi đâu, xem gì cuối tuần, những nét văn hóa độc đáo...); chuyên trang Kết nối do phòng Chính trị - Kinh tế phụ trách và trang Hành tinh xanh do Phòng Quốc tế đảm nhận (chuyên về những tin tức thế giới đó đây hấp dẫn). Nhờ đó, tờ báo trở nên đẹp hơn, dày dặn hơn, màu sắc hơn. Đặc biệt là dù giá bán không thay đổi, nhưng sự nhạy bén của trang thông tin lại tạo thêm doanh thu cho tòa soạn, giúp phóng viên có thêm thu nhập khi viết cho những trang này.
Sau đó, nhà báo Đoàn Ngọc Thu được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Cuối tuần - nơi thực hiện tờ Tin tức Cuối tuần. Tiền thân là Tuần Tin tức, một ấn phẩm “nổi đình nổi đám” trong làng báo bởi những bài phóng sự điều tra, chống tiêu cực, nhưng thời điểm đầu những năm 2000, thế mạnh đó không còn. Phải làm thế nào để tờ Tin tức Cuối tuần có sức nặng, “có cái đáng để đọc”?
“Đây cũng chính là suy nghĩ, trăn trở của anh Bùi Văn Doanh, Phó Tổng biên tập, phụ trách tờ tuần. Được làm việc cùng anh Doanh thật sự thích, anh ấy rất yêu nghề, kiến thức rộng và sự hiểu biết sâu sắc”, nhà báo Đoàn Ngọc Thu kể. Tháng 7/2004, mục “Bàn và luận” ra đời, đăng tải những bài viết thể hiện quan điểm về một vấn đề nào đó đang “nóng”, được dư luận quan tâm (như mục “Góc nhìn” hiện nay). “Mục này do anh Doanh trực tiếp phụ trách, chủ yếu là anh Doanh viết bài (bút danh Tuệ Duyên - PV)”, nhà báo Đoàn Ngọc Thu kể.
Tờ báo cuối tuần cũng không thể thiếu trang đăng tải truyện ngắn, thơ, tản mạn, trang phóng sự… “Hai anh em bàn bạc với nhau, năm 2005, trang Văn học - Sáng tác (sau này là trang Sáng tác) ra đời, rồi trang Phóng sự hình thành”, nhà báo Đoàn Ngọc Thu nhớ lại. Với lợi thế có nhiều “bạn thơ, bạn văn”, trang Văn học - Sáng tác lập tức có nhiều tác giả cộng tác như: nhà văn Y Ban, Trần Thị Trường; nhà thơ Hồng Thanh Quang, Bùi Kim Anh... Nhà báo Bùi Văn Doanh và nhà báo Đoàn Ngọc Thu thì đương nhiên là những tác giả “ruột”, nhất là với số báo Tết. Sau này, trang Sáng tác của báo Tin tức Cuối tuần còn thêm nhiều nhà thơ “Thông tấn” nữa.
Đổi mới nội dung tờ báo cũng gắn liền với đổi mới hình thức. Cách làm bìa cũ thay thế bằng một “ảnh đinh” làm chủ đề nổi bật, bắt mắt, thấy ngay “trọng tâm”. Cứ thế, tờ Tin tức Cuối tuần ngày càng hoàn thiện hơn. Thư bạn đọc từ các nơi trên cả nước gửi về cộng tác, nhất là cho trang Văn học - Sáng tác, ngày càng nhiều. Cứ sau vài ngày, có thể nhận từng chồng thư được gửi từ bưu điện. “Không phải tác phẩm nào cũng có thể sử dụng, cũng phải chọn lọc. Nhưng điều đó cho thấy, nhiều người muốn cộng tác và mong có bài viết được in trên tờ báo”, nhà báo Đoàn Ngọc Thu kể.
Nhớ về những ngày ấy, để thấy sự phát triển của báo Tin tức nói riêng và báo chí nói chung, nhà báo Đoàn Ngọc Thu cũng thổ lộ rằng, khi đời sống báo chí ngày càng hối hả, bận rộn đến quay cuồng, đến mức có lúc không còn thời gian làm điều mình thích (cả với làm báo và làm thơ), thì chị vẫn tin, không chỉ người làm báo, mà cả độc giả sẽ luôn tìm đến những tác phẩm báo chí thật sự giá trị.
“Bây giờ, bạn đọc đã biết đến đọc chậm - khi đọc Megastory, thì cũng có thể một ngày nào đó, báo chí có thể quay trở lại xu hướng với tính định kỳ cao hơn. Làm báo có tính định kỳ, mình sẽ có thời gian để suy ngẫm, để đào sâu, để nung nấu và có những ý tưởng hay”.