Chợ Rồng Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Chợ Rồng Ninh Bình được đưa vào hoạt động từ năm 1996, là một công trình kiên cố, kiến trúc hiện đại tọa lạc trên diện tích khoảng 20.000 m2 với 1 khối nhà 2 tầng và các khu vực chợ tạm, ki ốt bán hàng. Trong đó, riêng khối nhà 2 tầng có diện tích khoảng 10.000 m2 được quy hoạch tiên tiến, hiện đại với quy mô 450 gian hàng. Hiện có khoảng 800 gian hàng cố định (la ghim, sành sứ, đồ điện, quần áo, tạp phẩm...) và 200 tiểu thương vãng lai.
Nhiều "Chướng tai gai mắt" Dạo nhiều vòng xung quanh đình chợ và các khu vực phụ cận của chợ Rồng, phóng viên nhận thấy không khí kinh doanh sầm uất, sôi động. Các loại mặt hàng buôn bán được phân chia thành từng khu riêng biệt như: Hàng hoa khô, sành sứ, la ghim, tạp phẩm, quần áo, đồ điện tử, giày dép... Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, buôn bán, các chủ hộ kinh doanh đã bày các mặt hàng ra ngoài phạm vi quy định, thu hẹp lối đi, thậm chí nhiều người còn đi cả xe đạp, xe máy, xe thồ hàng vào chợ gây mất mĩ quan trong đình chợ.
Nhiều chủ hộ kinh doanh tại tầng 1 của chợ cho biết, thường thì mỗi chủ hộ kinh doanh thuê một gian hàng trong chợ để buôn bán, nhưng do nhu cầu kinh doanh, phần lớn các gian hàng này đều được cơi nới, mở rộng phạm vi bày hàng, bằng cách thuê thêm các gian hàng khác và bày ra lối đi chung để quảng bá hàng hóa.
Hàng hóa được bày tràn lan ra lối thoát hiểm. Ảnh: Đức Phương |
Chỉ vào vạch sơn đỏ được kẻ dọc theo các lối đi, nhiều tiểu thương cho biết, Ban quản lý chợ đã cho người kẻ vẽ vạch sơn lấn chiếm ra lối đi chung và thu tiền của các chủ gian hàng nếu bày hàng hóa ra khu vực được kẻ vẽ đó; số tiền thu thêm hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ hay quy định cụ thể nào, bình quân mỗi hộ kinh doanh phải đóng thêm khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm; thậm chí Ban Quản lý còn cho thuê cả gầm cầu thang để bày hàng hóa.
Một lối thoát hiểm phía Đông của đình chợ, ngay chân cầu thang được "ngụy trang" bằng tấm biển Phòng bảo vệ, nhưng theo quan sát của phóng viên, lối thoát hiểm này được bày kín hàng hóa, tại đây còn có một hộp cứu hỏa với hệ thống vòi rồng cũng bị bịt kín, chất đầy hàng hóa xung quanh. Tại các lối ra vào khác như tại cổng chính của chợ (có 2 lối) và các lối đi tứ phía của chợ đều có tình trạng bày hàng hóa ken đặc lối đi, nhiều khu vực 2 người đi bộ tránh nhau cũng khó.
Theo nhiều tiểu thương, các lối đi này đều được tận thu hết, hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ nào. Bên cạnh đó, gần chục hộp kỹ thuật cứu hỏa trong đình chợ đều bị quây kín bởi hàng hóa, xe đạp, xe máy... sẽ rất khó tiếp cận và sử dụng hệ thống cứu hỏa nếu có sự cố xảy ra.
Tại khu vực bán hàng khô khu vực phía Đông Bắc của đình chợ, việc quy hoạch khu bán hàng này cũng không theo một lề lối nào cả, theo tiểu thương, đáng lẽ ra cứ 2 gian hàng phải có một lối đi xen giữa thì toàn bộ khu vực này với gần chục gian hàng không có một lối đi nào, dù là diện tích nhỏ nhất cũng được phân chia thành gian hàng cho thuê.
Hàng hóa "chiếm" lối đi của khách hàng. Ảnh: Đức Phương |
Theo phản ánh của một số nhân viên có thâm niên làm việc lâu năm tại Ban Quản lý chợ Rồng, nhiều năm trở lại đây hoạt động của chợ không theo một nguyên tắc nào. Đơn cử, việc mua bán quyền sử dụng các gian hàng diễn ra một cách tự do, không qua ban quản lý; việc cơi nới các gian hàng không theo quy định, thu lệ phí không theo quy định...
Ông ĐVD, nhân viên có thâm niên trên 30 năm công tác tại Ban Quản lý chợ cho biết, việc chi trả lương cho nhân viên cũng không theo quy định nào, nhiều năm nay ông chỉ được lĩnh lương ở mức 2,9 triệu đồng/tháng, nhưng từ tháng 6/2017, ông D được lĩnh tới 4,9 triệu đồng/tháng, nhiều nhân viên thâm niên lâu năm khác cũng được tăng lương chênh lệch từ 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng/người/tháng. Điều này khiến không ít nhân viên làm việc tại Ban quản lý chợ băn khoăn rằng số tiền chênh lệch lương hàng tháng từ trước tới nay rơi vào túi ai? Tại sao đột nhiên họ lại được nhận mức lương chênh lệch lớn như vậy?
Cần kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạmVề thông tin cho rằng Ban quản lý chợ đã tư túi tiền lương của cán bộ, nhân viên, bà Ngô Thị Tuyết, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Quản lý chợ Rồng Ninh Bình và tập thể Ban Quản lý chợ đều cho rằng, việc chi trả lương cho cán bộ, nhân viên được thực hiện công khai, minh bạch, nhưng chỉ đảm bảo chi trả được khoảng 70% so với hệ số lương của người lao động.
Ban Quản lý hoạt động theo mô hình Đơn vị kinh tế có thu tự trang trải, nhưng việc xếp lương của nhân viên phải theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Vô hình chung, Ban Quản lý bị kẹt giữa việc tự cân đối nguồn thu - chi với việc chi trả lương theo quy định của pháp luật. Mặt khác, việc nguồn thu không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng không trả đủ lương cho người lao động như trên, bởi ngoài tiền lương, Ban Quản lý còn phải chi các khoản khác như: Chi thường xuyên, chi trả tiền nợ xây dựng cơ bản...
Tuy vậy, trước sức ép của dư luận và ý kiến của tập thể người lao động, từ tháng 6/2017, Ban Quản lý chợ đã trả lương cho người lao động theo đúng hệ số trong thang bảng lương được xếp. Bà Bùi Thị Minh Hằng, Kế toán trưởng Ban Quản lý chợ cho biết, hiện Ban Quản lý có 47 cán bộ, nhân viên, việc chi thêm tiền lương đã phải bù bình quân 40 triệu đồng/tháng trong tổng quỹ lương theo mức chi trả lương mới.
Đối với việc buông lỏng quản lý trong hoạt động của chợ Rồng, bà Tuyết thừa nhận Ban Quản lý đã không sát sao trong việc đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. "Nếu thật sự có sự cố cháy nổ lớn xảy ra thì cũng rất khó cứu hỏa" - bà Tuyết nói. Mặt khác, bà Tuyết còn khẳng định thời gian qua Ban Quản lý đã không quản lý chặt chẽ việc người dân và tiểu thương đưa xe đạp, xe máy vào chợ gây mất mĩ quan, không đảm bảo trật tự. Tuy nhiên, bà Tuyết khẳng định không có việc Ban Quản lý kẻ vẽ thêm khu vực bày bán hàng của tiểu thương để thu thêm tiền, đồng thời cho rằng đấy là giới hạn của không gian trưng bày hàng hóa tại các gian hàng: "Nếu không kẻ vạch quy định thì tiểu thương bày hàng tràn lan lắm".
Trụ nước chữa cháy không có vòi và bị quây kín bởi hàng hóa và xe cộ.Ảnh: Minh Đức /TTXVN
|
Trụ nước chữa cháy không có vòi và lối thoát hiểm bị bịt kín. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Trước những lình xình liên quan đến hoạt động của Ban Quản lý chợ Rồng Ninh Bình, trong năm 2017, UBND thành phố Ninh Bình đã thành lập 2 đoàn công tác liên ngành thanh tra toàn diện hoạt động của Ban Quản lý. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Ninh Bình cũng đã cử đoàn công tác kiểm tra hoạt động của Chi bộ Ban Quản lý chợ Rồng trong thời gian từ tháng 6/2015 đến hết tháng 9/2017, thời điểm kiểm tra cuối tháng 10/2017.
Nội dung kiểm tra tập trung làm rõ những dấu hiệu vi phạm của Chi bộ Ban Quản lý chợ Rồng trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện quyết định sau thanh tra của đoàn thanh tra UBND thành phố Ninh Bình.
Căn cứ báo cáo giải trình và dựa trên hồ sơ kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã chỉ ra những sai phạm của Chi bộ Ban Quản lý chợ Rồng theo những nội dung kể trên. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Ninh Bình đã quyết định kỷ luật cảnh cáo Bí thư Chi bộ, khiển trách 4 chi ủy viên Chi bộ Ban Quản lý chợ Rồng; Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình cũng đã quyết định kỷ luật tập thể Chi bộ Ban Quản lý chợ Rồng ở mức độ cảnh cáo.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Văn Thứ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, căn cứ các quyết định kỷ luật Đảng đối với tập thể và người đứng đầu Ban Quản lý chợ Rồng, trước mắt UBND thành phố Ninh Bình sẽ tiến hành kỷ luật cá nhân bà Ngô Thị Tuyết, Trưởng Ban Quản lý chợ Rồng theo hướng cho thôi giữ chức vụ.
Về lâu dài, UBND thành phố yêu cầu Ban Quản lý chợ trả đủ lương cho người lao động theo đúng hệ số lương, đồng thời tham vấn ý kiến của các sở, ngành hữu quan như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Công Thương... về việc kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy Ban Quản lý chợ và chuyển đổi mô hình hoạt động của Ban Quản lý chợ Rồng theo hướng vừa đảm bảo được quá trình hoạt động của chợ, đồng thời đảm bảo thu nhập cho người lao động theo quy định.