Chưa lúc nào vấn đề quy hoạch, quản lý chợ ở Quảng Ninh lại nóng như năm nay, trong khi chính quyền địa phương lúng túng để tìm ra biện pháp giải quyết triệt để.
Bị ép di dời
Tỉnh Quảng Ninh đang phải giải quyết nhiều sự cố liên quan tới các khu chợ như chợ Hải Hà, chợ đêm Hạ Long, chợ trung tâm Hạ Long... Trong đó, sự cố hai khu chợ Hải Hà và chợ đêm Hạ Long đều xuất phát từ việc chính quyền địa phương ép hộ tiểu thương di chuyển đến địa điểm mới.
Cụ thể, sự cố chợ trung tâm Hải Hà (huyện Hải Hà), nơi có 600 hộ tiểu thương kinh doanh sầm uất, ổn định trở nên phức tạp từ cuối năm 2013 khi huyện Hải Hà ép buộc hộ tiểu thương sang một điểm chợ mới do Công ty TNHH Đức Dương xây dựng từ trước.
Bà Nguyễn Thị Tâm, một tiểu thương chợ Hải Hà phản ánh: Mục đích ban đầu là Công ty TNHH Đức Dương xây dựng mô hình Trung tâm thương mại Hải Hà, nhưng do không thành công nên mới “biến tướng” Trung tâm thương mại này thành chợ dân sinh. Chính quyền ép các hộ kinh doanh ở chợ cũ di chuyển sang chợ mới này.
Với chợ đêm Hạ Long, chỉ trong vòng 6 tháng, UBND thành phố Hạ Long buộc người dân di chuyển liên tiếp hai lần chợ. Tiểu thương vừa chuyển sang chợ tạm ở bến xe Bãi Cháy cũ (phường Bãi Cháy) vào tháng 6/2014, nay lại ép chuyển tới khu thương mại mới hình thành (phường Hùng Thắng), nằm cách xa trung tâm du lịch Bãi Cháy khoảng 5 km và khá vắng vẻ.
Những vấn đề bức xúc trên khiến các hộ tiểu thương tìm tới cơ quan công quyền từ cấp huyện, thành phố, đến cấp tỉnh đề nghị giải quyết. Điển hình, ngày 15/5/2014, các hộ tiểu thương kinh doanh ở chợ Hải Hà tụ tập đông người tại trụ sở HĐND - UBND huyện, có hành động quá khích, gây rối trật tự công cộng. Vụ việc khiến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.
“Nóng” hơn nữa, cuối tháng 6 vừa qua, tại chợ Hải Hà, khi thời hạn cưỡng chế chợ đến gần, hơn 300 hộ tiểu thương đã "cố thủ" bằng cách dựng bạt, lều tạm đưa gia đình trẻ nhỏ, người già ngủ đêm ở chợ khiến tình hình an ninh trở nên phức tạp... Đến tuần đầu tháng 11, các hộ tiểu thương ở chợ đêm Hạ Long cầm băng rôn, biểu ngữ "Cứu lấy chợ đêm" tập trung đông người ở các trụ sở công quyền.
Do nhu cầu cần sớm giao mặt bằng để nhà đầu tư xây dựng công viên nên việc di chuyển chợ cũng diễn ra nhanh chóng. Trong lúc chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bên, chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế di chuyển, các hộ tiểu thương chưa kịp chuẩn bị tinh thần, tâm lý nên không tránh khỏi bức xức. Theo người dân, những điểm chợ mới đều là trung tâm thương mại được một doanh nghiệp xây dựng trước cho một mục đích khác, không vì mục đích di chuyển chợ.
Cần lắng nghe người dân
Không lắng nghe một cách thấu đáo những tâm tư nguyện vọng của người dân mà chính quyền địa phương nóng vội thực hiện phương án di chuyển chợ, chỉ khi sự việc được đẩy lên cao trào, an ninh bất ổn, những nhà quản lý mới thận trọng xem xét.
Vụ chợ Hải Hà, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phải vào cuộc và nhận định: Xung quanh việc di chuyển chợ Hải Hà từ chợ cũ sang chợ mới, cả 4 bên gồm: Huyện ủy, UBND huyện Hải Hà, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Dương (chủ đầu tư công trình xây dựng chợ trung tâm Hải Hà mới) và một số hộ tiểu thương đều có lỗi. Tỉnh ủy Quảng Ninh và Huyện ủy Hải Hà đã ra các quyết định kỷ luật đối với các cán bộ, lãnh đạo huyện Hải Hà trong công tác quản lý chợ trung tâm huyện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thông phải xin lỗi trước dân vì những sai sót của cán bộ, lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý chợ. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch thêm một chợ mới ở vị trí khác theo nguyện vọng của người dân Hải Hà.
Tuy nhiên, ở chợ đêm Hạ Long, sự việc vẫn còn nan giải khi chính quyền địa phương cho rằng, đây là chợ hoạt động trái với chủ trương của tỉnh, trái với pháp luật. Trong khi đó, người dân thì lại đưa ra đủ các văn bản quy phạm pháp luật chứng minh tính hợp pháp của chợ như: Quyết định thành lập, quy chế hoạt động tạm thời, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chính quyền thành phố cấp cho các hộ tiểu thương...
Đến nay, người dân vẫn kiên trì đưa ra tâm tư nguyện vọng, nhưng chính quyền địa phương không chấp nhận mà vận động người dân di chuyển về trung tâm thương mại trước ngày 31/12/2014, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế, giải tỏa chợ tạm. Trong lúc vấn đề "chợ" đang nóng do công tác quản lý yếu kém thì những điểm chợ mới ở thành phố Hạ Long lại phát sinh. Cụ thể, một khu phố - khu chợ ẩm thực Hạ Long mới đây được tỉnh cho phép hình thành đi vào hoạt động. Chính quyền thành phố "chia lô" cho các hộ thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống. Những quán bia, quán nhậu vỉa hè nhếch nhác được lập ra nằm sát bên bờ vịnh Hạ Long, trên vỉa hè một con đường ven biển, được coi đẹp nhất Hạ Long.
Vấn đề vệ sinh khó kiểm soát, gây mất an toàn giao thông trên tuyến đường này. Trong khi đó, Hạ Long đang nghiên cứu xây dựng một con đường di sản ven vịnh, tất yếu sẽ liên quan đến việc khu chợ ẩm thực này. Những vướng mắc tựa như các chợ Hải Hà, chợ đêm Hạ Long có lẽ sớm muộn cũng sẽ diễn ra tương tự ở khu chợ ẩm thực. Nhiều người dân nói, phải chăng chính quyền thành phố đang "tự lấy đá ghè chân mình"?
Văn Đức