Nhiều tuyến đường trung tâm Đà Nẵng bị ngập, nước tràn vào nhà dân

Chiều 14/10, do ảnh hưởng của bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, thành phố Đà Nẵng xuất hiện mưa to, gió lớn khiến nhiều tuyến đường trung tâm thành phố bị ngập úng cục bộ.

Chú thích ảnh
Mưa lớn khiến các tuyến đường tại TP Đà Nẵng ngập sâu. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Từ 16 giờ đến 19 giờ, các tuyến đường chính của quận Hải Châu như Lê Thanh Nghị, Núi Thành, Lê Đình Lý, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh… bị ngập sâu đến nửa mét, phương tiện giao thông chết máy hàng loạt, đường bị ùn tắc trong nhiều giờ. Rất nhiều nhà dân ở các quận, huyện đã ghi nhận nước tràn vào nhà, gây hư hỏng đồ đạc, xe cộ. Các lực lượng chức năng đã được huy động tối đa để điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân di tản, kê cao đồ chống ngập lụt.

Theo báo cáo lúc 19 giờ ngày 14/10 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, gần như tất cả các tuyến đường trung tâm thành phố đều đã bị ngập nước, nhiều nơi nước đã vào nhà dân từ 0,5-1 mét.

Tại huyện Hòa Vang, thôn An Châu (xã Hòa Phú) đang bị chia cắt do lũ lụt, nước dâng lên các đập tràn cao hơn 0,7m; đoạn đường ĐH5, thôn Hòa Thọ (xã Hòa Phú) bị ngập nước hơn 0,5m, đất đá tràn xuống đường; nhiều xã khác cũng đang ngập trong nước. Các địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người, chưa thống kê được thiệt hại về tài sản.

Về tình hình tàu thuyền, tổng phương tiện tàu thuyền của Đà Nẵng là 1230 tàu/8365 lao động. Tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 1 tàu/11 lao động (Khu vực giữa Biển Đông - Trường Sa, không thuộc vùng nguy hiểm), còn lại đang neo đậu tại các bến. Tổng số tàu thuyền đang neo đậu tại Âu Thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) là 735 tàu (trong đó có 545 tàu đến từ các tỉnh, thành khác). Hiện các phương tiện trên đã nắm được thông tin về vùng bị ảnh hưởng của bão và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và gia đình.

Chú thích ảnh
Người dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng) di dời tài sản lên cao tránh nước ngập. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo dự báo, tổng lượng mưa từ hôm nay 14/10 đến hết ngày 15/10 tại thành phố Đà Nẵng phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Cảnh báo xuất hiện lũ trên sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 3 đến trên báo động 3. Các sông tại thành phố Đà Nẵng ở mức báo động 2 đến trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị tại khu vực thành phố Đà Nẵng.

Trước đó, nhằm chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công điện số 09/CĐ-PCTT ngày 14/10, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng chủ động quản lý tàu thuyền ra khơi; giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, những tàu thuyền đang hoạt động ven bờ và đang neo đậu tại các bến để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh đã được quy hoạch.

Chú thích ảnh
Người dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng) dùng ván chắn không cho nước từ ngoài đường tràn vào nhà. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa, lũ vừa qua; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đới, bão, gió mạnh, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất,…; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê và nhà cửa không kiên cố…, sẵn sàng triển khai sơ tán nhân dân; tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu, ngầm, tràn… theo phân cấp quản lý.

Các địa phương nghiêm cấm người dân và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các đơn vị lực lượng vũ trang, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

Quốc Dũng (TTXVN)
Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, miền Trung hứng đợt mưa lớn
Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, miền Trung hứng đợt mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 18 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng khoảng 250km, Quảng Nam khoảng 215km về phía Đông Đông Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN