Nhiều sinh viên chọn nhầm trường, ra trường chọn nhầm nghề

Không ít sinh viên ra trường thất nghiệp, phải làm trái ngành trái nghề; nhiều em chọn nhầm trường, nhầm nghề do công tác định hướng nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Bộ KHĐT trả lời ý kiến thắc mắc của các đại biểu thanh niên.


Chiều 10/12, tại diễn đàn đối thoại “Khởi nghiệp, việc làm” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng không ít sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành nghề, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Tình trạng này do công tác định hướng nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả dẫn đến nhiều học sinh chọn nhầm trường, nhầm nghề, thất nghiệp. Ở cấp độ vĩ mô, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh thiếu thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực các ngành nghề.


Giải đáp các thắc mắc tại diễn đàn, trong đó có công tác định hướng nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, việc phân luồng trên hiện nay đang mang tính cơ học. Nhìn chung, thanh niên có tâm lý là muốn học đại học. Nguyện vọng này là chính đáng, rất đúng và nên khuyến khích; nhưng nên dựa trên cơ sở khả năng, năng lực của mỗi người… Theo đó, hướng nghiệp tốt nhất là mỗi cá nhân phải tìm công việc phù hợp. Học đại học không phải là con đường duy nhất lập thân lập nghiệp.


“Cụ thể, mới đây tôi có khảo sát tình hình học nghề tại TP Hồ Chí Minh và gặp nhiều trường hợp học sinh tốt nghiệp thủ khoa, thành tích học tập tốt, nhưng không học đại học mà học nghề hướng dẫn viên du lịch, nhà hàng khách sạn; đến nay đã có công việc ổn định và khẳng định đó là lựa chọn đúng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.


Trước thực trạng thất nghiệp của hơn 200.000 sinh viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bộ LĐTBXH đang tiến hành sắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương thức đào tạo và xác định năm 2018 sẽ là một năm đột phá xong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 


Theo đề án sẽ có 3 đột phá trong giáo dục nghề nghiệp gồm: Tự chủ bộ máy, con người; tự chủ tài chính; kết nối doanh nghiệp. Bộ LĐTBXH sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thực để xã hội coi học nghề là việc bình thường.


Còn theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp: Hiện Tổng cục đã xây dựng đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về khởi năng khởi nghiệp, thúc đẩy môi trường khởi nghiệp. Mục tiêu là đến năm 2020, 100% các trường cao đẳng, trung cấp có kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Mỗi trường phải có ít nhất 2 dự án khởi nghiệp.


XC/Báo Tin tức
Thanh niên miền núi đẩy mạnh khởi nghiệp
Thanh niên miền núi đẩy mạnh khởi nghiệp

Thanh niên huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đang đẩy mạnh khởi nghiệp, phát triển kinh tế nhằm tạo động lực để giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn đã và đang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, gương thanh niên làm kinh tế giỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN