Nhiều tuyến đường ở Quảng Bình ngập sâu trong nước, hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ Nước sông Nhật Lệ lên mức báo động 3. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Đến 13 giờ ngày 15/9, bão số 10 đã vào Quảng Bình, tâm bão tại khu vực huyện Quảng Trạch với mưa rất to, gió cấp 12, cấp13, giật cấp 15, gây ảnh hưởng rất lớn đối với nhà cửa người dân. Toàn tỉnh Quảng Bình đã cắt điện, nhiều cổng chào, biển quảng cáo, cây xanh bị gãy đổ. Hiện tại chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đang nỗ lực ứng phó với bão.
Nước biển dâng cao mức báo động 3 tại Quảng Bình. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Quảng Bình đã di dời hơn 21 ngàn người dân đến nơi an toàn. Tại các sông như sông Gianh, sông Nhật Lệ, nước dâng cao lên mức báo động 3. Tại vùng tâm bão là khu vực huyện Quảng Trạch, với sức gió giật mạnh đã khiến hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng nặng.
Bão đổ bộ vào Quảng Bình với sức gió giật cấp 12 cấp 13 làm nhiều cây xanh gãy đổ. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết: Cơn bão đã làm nhiều nhà bị tốc mái, cả gia đình bà phải đến Đồn Biên Phòng Ròn tránh trú vì lo sợ nhà bị sập.
Các biển hiệu, cổng chào trên đường phố Đồng Hới bị gió giật đổ. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Hiện tại chưa có thống kê cụ thể thiệt hại về người và tài sản do bão số 10.
Tại thành phố Đồng Hới, nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước, hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ. Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Đồng Hới bị chi cắt. Lực lượng chức năng đang phân luồng để thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, tại thị xã Ba Đồn có gió cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, phạm vi lớn, gây thiệt hại lớn đối với người dân. Thủy triều đang lên nên mực nước ở các sông dâng cao và nguy cơ bị lũ lụt. Tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn hồ đập.
Nhiều nhà dân ở Nghệ An bị tốc mái, lúa và hoa màu đổ ngã
Tại Nghệ An, bão số 10 đã gây ra mưa to, gió lớn, bước đầu đã xảy ra thiệt hại.
Sóng to, gió lớn của cơn bão số 10 quần thảo tại khu vực biển thị xã Cửa Lò. Ảnh: TTXVN phát |
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, bước đầu đã thấy xuất
hiện tình trạng nhiều gia đình bị tốc mái nhà, đường bị sạt lở, ngập
nước. Thị xã Cửa Lò đã có nhiều ki - ốt dịch vụ du lịch của người dân bị
tốc mái, gió thổi xiêu vẹo. Một số tuyến đường tại xã Nghi Quang và
Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) bị sạt lở, ngập nước không thể đi lại.
Từ sáng 15/9, hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai) - hồ thủy
lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An đã được Công ty Thủy lợi và chính quyền địa
phương thực hiện các phương án bảo đảm an toàn cho hồ và cho người dân
vùng hạ du. Đây là hồ thủy lợi rất quan trọng, việc xả lũ nếu không thực
hiện đúng quy trình và thông báo kịp thời cho người dân sẽ xảy ra thiệt
hại rất lớn về tài sản, nhà cửa và thậm chí là tính mạng người dân
huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.
Tại các huyện ven biển, các tuyến đê sông, đê biển tuy
được gia cố, bảo vệ cẩn thận nhưng cũng đã xảy ra sạt trượt mái đê, sạt
lở thân đê. Đặc biệt, tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu do nước dâng
cao, sóng lớn, mưa liên tục, nguy cơ vỡ đê đã cận kề. Ngay trong khi bão
đang xảy ra, người dân cùng các lực lượng chức năng đã sử dụng các bao
tải đất cát để không cho nước biển chảy tràn qua gây hư hỏng đê, nguy
hiểm đến các hộ dân trong khu vực ảnh hưởng của đê.
Đến 15 giờ ngày 15/9, nhiều tuyến đường trên địa bàn Nghệ
An đã bị ngập nặng, không thể đi lại, trời đang tiếp tục mưa và gió to.
Hiện chưa thống kê được chính xác thiệt hại nhưng đã có rất nhiều diện
tích lúa mùa, hoa màu bị ngã đổ, hư hỏng. Nhiều ao đầm nuôi trồng thủy
sản của người dân bị ngập chìm trong nước. Tỉnh Nghệ An cảnh báo đến
người dân nguy cơ sẽ xảy ra những đợt lũ quét, sạt lở lớn ngay sau khi
bão tan, nhất là tại các huyện ven biển và các huyện miền núi
Hai tàu bị chìm trên vùng biển Quảng Ninh, thuyền viên thoát nạn
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cho biết: Khoảng 9 giờ ngày 15/9 tại khu vực cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh), một tàu xi măng lưới thép đã bị chìm trong khi neo đậu.
Chủ tàu là anh Hà Văn Quân (sinh năm 1979, trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn). Thời điểm xảy ra vụ việc, có 7 thuyên viên trên tàu, đều được lực lượng cứu hộ cứu nạn kịp thời đưa vào bờ an toàn. Chủ tàu cho biết, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sóng to, gió lớn khiến tàu bị va vào kè bê tông làm rạn nứt tàu, nước tràn vào trong làm tàu chìm.
Khoảng 10 giờ cùng ngày, một tàu du lịch trên đường đến âu tàu Ba Lan (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) tránh trú, đi qua khu vực cảng Cái Lân đã bị chìm, thời điểm xảy ra vụ việc trên tàu có ba thuyền viên. Ba thuyền viên sau đó cũng được lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa vào bờ an toàn.
Do ảnh hưởng cơn bão số 10, tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện gió to, biển động mạnh. Từ 9 giờ ngày 15/9, cầu Bãi Cháy cũng phải tạm ngừng không cho xe máy lưu thông để đảm bảo an toàn cho người dân.
Bộ Công Thương chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 10 Cùng với công điện khẩn yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra, nhanh chóng ổn định sản xuất, phục vụ nhân dân vùng bão, lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã quyết định thành lập đoàn công tác của Bộ chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 10 do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm Trưởng ban.
Để kịp thời ứng phó, khắc phục các hậu quả do bão gây ra, nhanh chóng ổn định sản xuất, phục vụ nhân dân vùng bão lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo huy động mọi nguồn lực khắc phục sự cố lưới điện. Đồng thời, đảm bảo an toàn và vận hành của hệ thống, nhanh chóng khôi phục cung cấp đảm bảo ổn định sản xuất và phục vụ nhân dân. Đặc biệt, đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng, công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt các trạm bơm tiêu, chống úng; chỉ đạo các hồ chứa thủy điện vận hành đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình.
Cùng đó, Bộ trưởng đề nghị các Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị ngành công thương trên địa bàn tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra, sớm ổn định sản xuất. Mặt khác, chuẩn bị sẵn sàng phương án cung cấp hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân khi có yêu cầu, đặc biệt là các khu vực dễ bị chia cắt do ảnh hưởng của bão và mưa, lũ gây ra.
Các đơn vị thuỷ điện triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình; vận hành hồ chứa đúng quy trình, thông báo tình hình vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành xả lũ và phát điện. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị tập trung ứng phó, khắc phục giảm thiểu thiệt hại và sớm ổn định sản xuất. |
TTXVN sẽ tiếp tục cập nhật tình hình thiệt hại tại các địa phương bão đi qua.