Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam tại nước ngoài

2018 là năm thứ năm liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm.

Chú thích ảnh
Đào tạo tu nghiệp sinh nghề xây dựng. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Theo số liệu thống kê, năm 2018, tổng số có 142.860 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 50.292 lao động nữ) vượt 30% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2018 đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài), tăng 6% so với năm 2017 (năm 2017 đã có 134.751 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài).

Trong đó, thị trường Nhật Bản có 68.737 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 60.369 lao động, Hàn Quốc có 6.538 lao động, Ả Rập Saudi 1.920 lao động, Rumania là 1.319 lao động, Malaysia là 1.102 lao động, Algeria là 1.014 lao động nam, Kuwait là 794 lao động, Macao (Trung Quốc) là 263 lao động; Singapore là 117 lao động và các thị trường khác.

Giữ vững ổn định một số thị trường

Năm 2018, với trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định một số thị trường chính như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản; nâng cao chất lượng nguồn lao động ngay từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đưa đi làm việc tại nước ngoài, để đảm bảo tính thu nhập, cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chú trọng, quan tâm đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chủ động tham mưu ký kết thỏa thuận hợp tác với các nước; phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Qua đó, kịp thời phát hiện, đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bảy doanh nghiệp với số tiền 430 triệu đồng...

Đánh giá của Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho thấy, kết quả này là do một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường châu Âu có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam (trong đó có Bulgaria, Rumania).

Ngoài việc có nhu cầu tiếp nhận ổn định, thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có chuyên môn kỹ thuật.

Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã, đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho lao động trước khi xuất cảnh. Bản thân người lao động cũng nâng cao nhận thức, trình độ khi lựa chọn và được tuyển chọn vào các thị trường khó tính.

Chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động

Thời gian qua, nhiều trường hợp lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước sở tại, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những lao động khác.

Nhắc đến một số vụ việc trong thời gian gần đây liên quan đến câu chuyện nhiều lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn, hết hạn hợp đồng không về nước, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho rằng: Đi làm việc ở nước ngoài để kiếm thu nhập, nâng cao đời sống người lao động là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều trường hợp người lao động tự đi làm việc ở nước ngoài hoặc lao động tự do tự đi tìm kiếm việc làm, bằng các hình thức khác nhau như: du lịch, du học, thăm thân, xuất cảnh ra nước ngoài theo visa ngắn hạn...

Đây là hình thức không hợp pháp. Trong trường hợp này, người lao động không được bảo đảm về quyền lợi nếu không may bị bắt, bị đối xử ngược đãi. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu để tổ chức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài là vi phạm pháp luật.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã nhận được nhiều phản ánh của người lao động liên quan đến vấn đề này. Cục đã tổ chức thông tin tuyên truyền rộng rãi đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài; yêu cầu các cơ quan chức năng thông tin về tên các doanh nghiệp có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài lên internet để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong quá trình làm việc cũng như nếu có những vướng mắc phát sinh sau khi về nước.

Đối với những trường hợp lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và nước tổ chức tuyên truyền tại các địa phương, trong đó nói rõ trách nhiệm của địa phương, cơ sở để tuyên truyền vận động để người lao động và thân nhân có ý thức vì cộng đồng, vì lợi ích chung.

Cục yêu cầu các trung tâm đào tạo xem xét ý thức, hành vi của người lao động trong quá trình học nghề, tăng cường giáo dục cho người lao động để nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, ông Nguyễn Gia Liêm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khẳng định, đại diện cơ quan lao động một số nước đều mong muốn chi phí đóng góp của người lao động Việt Nam ra nước ngoài là thấp nhất, để họ không phải chịu áp lực về tài chính, yên tâm làm việc, tránh đi vào con đường bất hợp pháp.

Do đó, Bộ sẽ có giải pháp siết chặt quy định đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực này để giảm tối đa các chi phí mà người lao động phải đóng góp. Trong quý I/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức hội nghị với doanh nghiệp để chấn chỉnh hoạt động đưa lao động ra nước ngoài.

Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam

Năm 2019, Việt Nam đặt kế hoạch đưa ra nước ngoài 120.000 lao động mới, với mục tiêu hướng đến là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Rumania, Bulgaria... Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, nhiều nước Đông Âu hiện đang có mong muốn ký kết các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam.

Một số nước ở Trung Đông, như Kuwait, Tiểu Vương quốc Ả rập cũng bắt đầu quan tâm, đặt vấn đề ký Hiệp định tiếp nhận lao động Việt Nam. Bên cạnh các thị trường truyền thống, hàng trăm nghìn cơ hội việc làm tại châu Âu vẫn đang được mở rộng ra cho nhiều lao động Việt Nam nhờ những Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động được ký vào cuối năm 2018.

Điển hình như tại thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở 6 lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Thị trường Rumania có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp. Lao động Việt Nam sang Rumania sẽ có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng...

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, năm 2019, Cục Quản lý Lao động ngoài nước sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, trình nội dung về sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020; đẩy mạnh việc quản lý doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo tuyển chọn đúng người, minh bạch...

Phúc Hằng (TTXVN)
Lừa đảo xuất khẩu lao động dưới 'mác' IM Japan
Lừa đảo xuất khẩu lao động dưới 'mác' IM Japan

Trước tình trạng lừa đảo, thu tiền trái phép của người lao động với thủ đoạn "theo chương trình IM Japan", Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) vừa phát đi cảnh báo tới người lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN