Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện nay Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ cao trong nhóm nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,86% dân số. Người cao tuổi ở nước ta hiện nay phải đối mặt với nhiều bất cập, rủi ro như có tới 65% sống ở nông thôn, tỷ lệ người cao tuổi sống trong hộ nghèo cao hơn so với tỷ lệ nghèo chung của cả nước, đa số không có tích lũy. Số đông người cao tuổi vẫn phải lao động kiếm sống nhưng lại rất ít được tiếp cận với các chính sách ưu đãi của nhà nước như giảm nghèo, tín dụng, đào tạo nghề...
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, nhiều người cao tuổi đang đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính trong khi các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cần thay đổi quan điểm coi người cao tuổi là gánh nặng, đối tượng bị phụ thuộc nên không cần tạo điều kiện để họ được tham gia và tiếp cận với các dịch vụ xã hội, tiến bộ khoa học - công nghệ. Trong thực tế, người cao tuổi đã và đang đóng góp rất lớn cho gia đình và xã hội.
Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Mục tiêu của Đề án nhằm nhân rộng các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên toàn quốc, thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, góp phần chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, chú trọng giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng.
Đề án cũng nhằm tăng cường sự tham gia của các cấp, ngành, tổ chức xã hội, Hội Người cao tuổi và cộng đồng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số.
Kết quả 5 năm triển khai cho thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Đến cuối năm 2020 đã có gần 3.500 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được duy trì và thành lập mới tại 61 tỉnh và thành phố (trừ hai tỉnh Gia Lai, Bình Định) với sự tham gia của trên 170.000 thành viên, vượt chỉ tiêu đặt ra. Trung ương Hội đã tổ chức 37 lớp tập huấn cho gần 3.400 cán bộ Hội Người cao tuổi và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ theo phương pháp và bài giảng phù hợp với người cao tuổi, cung cấp tài liệu để các Câu lạc bộ có tài liệu tham khảo.
Với mục tiêu “chú trọng giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo, phụ nữ và người cao tuổi khó khăn tại cộng đồng”, mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau rất phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi trong bối cảnh hiện nay của nước ta có thu nhập trung bình thấp, đang già hóa dân số và phù hợp với truyền thống “giúp nhau” tốt đẹp của dân tộc ta.
Sau một thời gian triển khai, Câu lạc bộ đã đem lại hiệu quả rất lớn, giúp rất nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ từ thế hệ trẻ và cộng đồng, giải quyết các nhu cầu an sinh xã hội tại cơ sở, góp phần làm tốt công tác chăm sóc người cao tuổi đã được luật định. Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau không chỉ giúp người cao tuổi nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, mà còn góp phần cải thiện mối quan hệ đoàn kết giữa các thế hệ, tăng cường gắn kết xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, khuyến học, khuyến tài, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc...