Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, người cao tuổi tích cực tham gia đóng góp ý kiến và các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương. Đơn cử như đợt chống dịch COVID-19 tháng 3 -4/2020, rất nhiều người cao tuổi tham gia vận động người dân thực hiện công tác phòng dịch theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Đặc biệt với phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người cao tuổi đã tham gia kêu gọi người nhà, cộng đồng tham gia trực tiếp hoạt động của địa phương và thực hiện giám sát.
“Cùng với phát huy vai trò của người cao tuổi tại địa phương, công tác chăm sóc sức khỏe cũng được chú trọng. Đặc biệt là xây dựng và phân loại hồ sơ sức khỏe chăm sóc người cao tuổi tại hệ thống y tế cơ sở. Có những bệnh cần bác sĩ chuyên khoa khám, điều trị nhưng khi đã có phác đồ điều trị lâu dài, phát thuốc thì có thể thực hiện tại tuyến cơ sở dựa trên hồ sơ chăm sóc sức khỏe điện tử”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
"Tháng 10 là tháng hành động vì người cao tuổi nhưng cũng là lời nhắc nhở cả xã hội luôn chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Do đó, các cấp chính quyền có những hành động thiết thực không chỉ là chăm sóc mà còn huy động người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế - xã hội", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Do đặc thù của người cao tuổi và hậu quả của chiến tranh kéo dài, điều kiện kinh tế - xã hội mỗi vùng miền có khác nhau, nên một bộ phận người cao tuổi cuộc sống còn gặp khó khăn.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính lão trọng thọ”, mỗi địa phương tuy có những hình thức vận động khác nhau, nhưng mục đích đều hướng tới hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2015 đến 2019, đã vận động được gần 842 tỷ đồng, bình quân mỗi năm vận động được 170 tỷ đồng, hỗ trợ cho 2.671.595 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Địa phương vận động được nhiều là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bến Tre, Long An, Đồng Nai, Hải Phòng, Khánh Hòa, Nghệ An, An Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Trà Vinh... Một số nơi, Hội Người cao tuổi đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây nhà tình nghĩa, cải tạo nhà dột nát cho người cao tuổi có khó khăn như tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Tây Ninh, Lào Cai, Khánh Hòa....
Đến nay, Việt Nam đã có 106 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có Khoa Lão khoa, gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng dành cho người cao tuổi. Đồng thời, đã có trên 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, 96% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên…
Bên cạnh đó, hiện có 97.131 người cao tuổi trực tiếp tham gia cấp ủy ở các chi bộ thôn, ấp, bản, tổ dân phố; 84.910 người cao tuổi có uy tín, được Đảng tin, nhân dân tín nhiệm giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia Hội đồng nhân dân, đảm nhận các vị trí trưởng, phó thôn, ấp, bản, tiểu khu, tổ dân phố; 498.219 người cao tuổi đang trực tiếp tham gia công tác Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở; trên 1,2 triệu người cao tuổi tham gia các tổ, nhóm phòng chống tội phạm, bảo vệ trị an ở địa phương.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, năm 2011 Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số và sẽ tăng lên gần 17% vào năm 2030. Nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Vì vậy, xây dựng một xã hội mà trong đó người cao tuổi được quan tâm về đời sống vật chất, tinh thần, được phát huy trí tuệ, kinh nghiệm cho phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Do đó, Hội sẽ tham mưu cho các cấp, các ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách liên quan tới người cao tuổi. Cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, đảm bảo kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại nơi cư trú… Đồng thời, động viên, tạo điều kiện để người cao tuổi, cán bộ Hội Người cao tuổi các cấp tích cực đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.