Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Đã tìm thấy 13 thi thể của thành viên Đoàn công tác
Đến 19 giờ 30 phút ngày 15/10, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm được tất cả 13 thi thể của Đoàn công tác gặp nạn ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế).
Trong đó, có thi thể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.
Những thi thể của cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn công tác vừa được tìm thấy sẽ được đưa về Bệnh viện quân y 268 để bảo quản và sau đó lễ truy điệu sẽ tổ chức chung tại Nhà tang lễ 268, thành phố Huế.
.Trước đó, trưa 12/10, sau khi nhận được tin báo ngắn qua điện thoại từ một công nhân về vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), cơ quan chức năng xác minh có 17 công nhân của Nhà máy bị mất tích.
Lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường và tìm kiếm người mất tích ngay trong ngày. Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được do nước dâng cao, Đoàn công tác để lại xe và đi bộ vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 cách đó khoảng 13 km.
Đến khoảng 21 giờ ngày 12/10, do mưa rất lớn, nước chảy xiết, đường trơn trượt, nguy hiểm, Đoàn công tác đã phải dừng chân tại ngôi nhà của cán bộ kiểm lâm ở Tiểu khu 67 thuộc Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ cùng ngày, bất ngờ núi lở, đè lên ngôi nhà mà các thành viên Đoàn công tác đang trú chân. Chỉ có 8 người thoát khỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đại đô thị thông minh, đẳng cấp quốc tế
Sáng 15/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025 đã khai mạc với sự tham gia của 444 đại biểu đại diện cho gần 25 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp và thực hiện đúng quy định của Trung ương về chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Đặc biệt, thành phố đã thể hiện quan điểm đổi mới sâu sắc, toàn diện và tinh thần cầu thị, quyết tâm chính trị cao, bám sát các quan điểm, định hướng lớn của dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; xây dựng các báo cáo văn kiện có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tiễn là kết tinh trí tuệ, tâm sức, ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Điểm qua một số kết quả nổi bật mà thành phố đã đạt được, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Kinh tế thành phố tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được nâng lên với những con số rất ấn tượng. Sự tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,2 %/năm, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp trên 22 % GDP và 27 % tổng thu ngân sách cả nước. Các yếu tố nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng của thành phố, trong đó đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP liên tục tăng, gấp hơn 2,6 lần và GRDP bình quân đầu người gấp 2,4 lần bình quân cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu triển khai Đề án xây dựng Thành phố thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý giao thông đô thị; chú trọng rà soát quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông. Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoạt động thử nghiệm vào cuối năm nay… Đảng bộ Thành phố đã có nhiều nỗ lực sáng tạo trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của thành phố: Sự tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế đặc biệt quan trọng của thành phố, mức độ vượt trội về tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm dần. Động lực tăng trưởng mới của thành phố còn nằm trên định hướng chưa định hình rõ nét. Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Lĩnh vực khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển; an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội trên một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu. Tính tiên phong, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Đặc biệt, trong việc tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc, trở ngại khiến thị trường không thể phát huy hết vai trò.
Nhất trí cao với 6 bài học kinh nghiệm mà Thành ủy thành phố đã đúc kết từ thực tiễn, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đại hội tiếp tục thảo luận với tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành, cầu thị để phân tích, đánh giá sâu sắc hơn những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, vừa thực hiện những định hướng, nhiệm vụ mới nhưng cũng phải khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập hiện nay trên các lĩnh vực.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số bộ trưởng
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; miễn nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, ngày 3/11, Quốc hội cũng sẽ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Văn phòng Quốc hội đã tăng cường chỉ đạo, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành công tác chuẩn bị về mọi mặt phục vụ kỳ họp thứu 10, trong đó đã nâng cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để bảo đảm hệ thống hội nghị truyền hình, hệ thống mạng wifi nội bộ, phần mềm ứng dụng trên iPad... hoạt động ổn định, thông suốt, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
“Trong trường hợp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh không có đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương thì sẽ không bố trí điểm cầu tại Quảng Ninh”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Theo dự kiến, thời gian của Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội kéo dài 19 ngày và chia làm 2 đợt. Đợt một là 7 ngày, từ ngày 20 đến 27/10; đợt hai là 12 ngày, từ ngày 2 đến ngày 17/11/2020.
Không chủ quan, phải củng cố lực lượng, sẵn sàng các biện pháp chống dịch COVID-19
Chiều 15/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo “Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 cho người nhập cảnh trên chuyến bay thương mại” từ các quốc gia an toàn. Hiện, người nhập cảnh vào Việt Nam được xét nghiệm 3 lần, thay vì 2 lần như quy định trước đây để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đến nay, Bộ Y tế quản lý tập trung thông tin của những người nhập cảnh vào Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cấp quyền truy cập cho các cấp chính quyền địa phương, lực lượng y tế, công an để thông tin số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam cư trú trên địa bàn đang trong thời gian giám sát, theo dõi y tế tại nhà, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sớm hoàn thiện và hướng dẫn các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khách sạn, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước, siêu thị… thực hiện nhiệm vụ tự đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; cập nhật lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn). Trước mắt, bản đồ được triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, các chuyên gia nhấn mạnh 3 nhóm nguy cơ dịch bệnh từ: Người nhập cảnh bất hợp pháp; người nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; từ một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” với các tiêu chí an toàn trong tình hình “bình thường mới”, khả thi hơn.
Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung thảo luận quy trình, biện pháp kiểm soát người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nhân, nhà đầu tư, người lao động, chuyên gia người nước ngoài vào Việt Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị, các cơ quan chuyên môn sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc mở lại đường bay thương mại, trên tinh thần thận trọng, ưu tiên mở các chuyến bay thương mại với những nước an toàn để thực hiện “mục tiêu kép” trong nước.
Rút kinh nghiệm trong việc triển khai một số chuyến bay thương mại thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát và thực hiện nghiêm quy trình cách ly đối với người nhập cảnh. Người nhập cảnh phải có địa chỉ lưu trú trước khi thực hiện chuyến bay và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các khách sạn, cơ sở lưu trú… sớm niêm yết công khai giá cả dịch vụ, điều kiện cách ly lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19”, hạn chế tình trạng đổi nơi cách ly tập trung sau khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng trên thế giới, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn nêu rõ, tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt nhưng không được lơ là, mất cảnh giác bởi mùa Đông đang đến gần, có điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan; cần tập trung triển khai biện pháp phòng, chống dịch, trong đó chú trọng nâng cao ý thức của cộng đồng, tăng cường công tác truyền thông.
Triển khai “Thông điệp 5K” do Bộ Y tế phát động, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đeo khẩu trang được nhấn mạnh hàng đầu bởi đây là biện pháp quan trọng, hữu hiệu để phòng, chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong thời gian qua, nhiều địa phương áp dụng rộng rãi, nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng, được các chuyên gia đánh giá cao. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, khi đến nơi công cộng...
“Bộ Y tế khuyến cáo nhiều thành phố lớn, có mật độ dân cư đông như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa… áp dụng biện pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang và xử phạt tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng quy định hướng dẫn việc đeo khẩu trang để người dân sử dụng đúng lúc, đúng thời điểm, tăng hiệu quả phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2”, Cục trưởng Đặng Quang Tấn cho biết.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt; tuy nhiên, làn sóng dịch trên thế giới tăng nhanh với gần 400.000 ca/ngày. “Do đó, chúng ta không thể chủ quan, không được để bài học ở Đà Nẵng vô nghĩa. Lúc này, giống như giai đoạn "bình yên trước hai trận đánh", chúng ta phải củng cố tất cả lực lượng, sẵn sàng tất cả các biện pháp chống dịch, trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và nhân rộng trên toàn xã hội”.
Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm, chặt chẽ quy định quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam, cách ly nghiêm ngặt, đặc biệt, hết thời hạn cách ly phải thực hiện theo dõi y tế đủ 14 ngày.
“Trên tinh thần cảnh giác cao, không được phép để mầm mệnh bùng phát, lan ra cộng đồng do lỏng lẻo trong việc theo dõi y tế”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Việt Nam đặt mua vắc xin phòng COVID-19 của một số đối tác từ Nga và Anh
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã đặt mua vắc xin phòng COVID-19 của một số đối tác, trong đó có Nga và Anh.
Chiều 15/10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19 của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và luôn chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vắc xin trong nước; đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các công ty, đối tác sản xuất và cung cấp vắc xin có uy tín trên thế giới nhằm có vắc xin để phòng, chống COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Song song đó, Việt Nam cũng xây dựng các chính sách và quy định hỗ trợ việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin một cách nhanh chóng ngay khi có vắc xin.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã đặt mua vắc xin của một số đối tác, trong đó có Nga và Anh. Việc cung cấp vắc xin phụ thuộc vào tiến độ, các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất cũng như quy trình thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng.
Hiện nay, Việt Nam thường xuyên trao đổi, cập nhật tình hình với các đối tác. Chúng tôi tha thiết mong muốn sớm có vắc xin, thuốc và phác đồ điều trị, tiến tới kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”.
Cảnh báo thời tiết nguy hiểm trong 10 ngày tới
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 10 ngày tới có 2 dạng hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến nước ta.
Theo ông Mai Văn Khiêm, áp thấp nhiệt đới vừa di chuyển vào biển Đông nước ta, đang tiến về khu vực miền Trung và có khả năng mạnh lên thành bão. Khu vực giữa và Nam biển Đông bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa sẽ có gió mạnh cấp 6 - 7, có khả năng có lúc cấp 8, gió giật rất mạnh, mưa rào và dông mạnh, gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Ngoài áp thấp nhiệt đới nói trên, trong những ngày tới, nước ta còn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ và nhiễu động gió đông trên cao, đồng thời gió mùa tây nam cũng đang hoạt động mạnh. Đây là tổ hợp các hình thái thiên tai điển hình thường gây mưa lớn diện rộng ở khu vực miền Trung.
Theo đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ ngày 16 - 21/10 ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ ngày 16 - 21/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 500 – 800 mm, cục bộ có nơi trên 800 mm; ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phổ biến 300 – 500 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm; ở các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên từ 200 – 300 mm, có nơi trên 350 mm. Từ đêm 16/10 đến ngày 18/10 ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm.
“Còn theo dự báo dài hơn, từ nay đến hết năm 2020 vẫn còn có khả năng có từ 4 - 6 áp thấp nhiệt đới/bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó có từ 2-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; vì vậy các thiên tai mưa, lũ còn có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến tháng 11/2020”, ông Mai Văn Khiêm cảnh báo.
Chuyên gia này cũng cho hay, đối với thời tiết biển thì ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cộng thêm tác động của không khí lạnh nên hầu khắp các khu vực biển Đông trong những ngày tới đều xảy ra tình trạng thời tiết xấu, mưa dông gió mạnh, sóng cao, gây nguy hiểm cho tàu thuyền. Vì vậy, cần lưu ý cảnh báo các nguy hiểm đối với các tàu thuyền, khu vực có lồng bè nuôi trồng thủy sản và công trình ven biển.
Trên đất liền, đáng lo ngại nhất vẫn là tình trạng mưa lũ ở miền Trung, ở các tỉnh Trung Bộ giai đoạn từ ngày 6 - 13/10 đã xảy ra mưa rất lớn, các hồ đã tích thêm nước, đất đã bão hòa nên cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng có khả năng xuất hiện.
Ngoài ra, trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp, việc đảm bảo an toàn của các hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng là mối quan tâm lớn đối với các chính quyền địa phương và người dân.
“Các thiên tai có diễn biến rất phức tạp, vì vậy chúng tôi mong chính quyền và người dân cập nhật liên tục thông tin dự báo diễn biến thời tiết và thiên tai để chủ động đối phó nếu mưa lũ quay trở lại”, ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.